Quốc hội dành một phút để tưởng nhớ ông Nguyễn Bá Thanh
Ộng Nguyễn Bá Thanh – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng, Trưởng ban Nội chính Trung ương
Phát biểu trong ngày khai mạc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ông Nguyễn Bá Thanh – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng, Trưởng ban Nội chính Trung ương mất đi, trong niềm thương tiếc chung, Đảng mất đi người cộng sản kiên trung, Quốc hội mất đi người đại biểu thân thiết, tận tâm, gần gũi với nhân dân. Quốc hội đã dành một phút để tưởng nhớ ông Nguyễn Bá Thanh.
Trước đó, suốt kỳ họp thứ 8, ông Nguyễn Bá Thanh đã vắng mặt vì phải đi chữa bệnh. Trưa 13/2, ông Thanh trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà sau hơn nửa năm điều trị rối loạn sinh tuỷ, hưởng thọ 62 tuổi.
Ông Nguyễn Bá Thanh từng giữ chức Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (1996-2012) trước khi làm Trưởng ban Nội chính từ tháng 12/2012. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa: IX, XI, XII, XIII.
Trong hai nhiệm kỳ lãnh đạo Đà Nẵng, ông đưa ra nhiều chính sách giúp thành phố nghèo khó ven sông "lột xác", như chiến dịch "năm không": Không hộ đói, không mù chữ, không lang thang xin ăn, không ma tuý, không giết người cướp của. 5 năm sau, khi "năm không" hoàn thành, ông tiếp tục chỉ đạo thực hiện "ba có": Có nhà ở, có việc làm và có lối sống văn minh đô thị.
Ông cũng nổi tiếng với những phát ngôn "nói là làm", "làm việc chứ đừng hô khẩu hiệu", "làm người phải có lòng tự trọng"...
Lần đầu Quốc hội thảo luận về Luật trưng cầu ý dân
Tại kỳ họp lần này (trong 31 ngày làm việc), Quốc hội dự kiến thông qua 11 luật, một nghị quyết, cho ý kiến với 4 bộ luật sửa đổi, 11 dự án luật. Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thảo luận ở tổ về Dự án Luật trưng cầu ý dân, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
Đây là lần đầu Quốc hội thảo luận về Luật trưng cầu ý dân nhằm phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp của người dân, tạo điều kiện để nhân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với những vấn đề quan trọng của đất nước.
Trong công tác giám sát, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.
Là kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng luật. Ảnh: Giang Huy
Bất bình việc TQ cải tạo đảo ở Biển Đông
Trả lời báo chí về ý kiến cử tri gửi gắm đến kì họp QH khai mạc sáng nay, Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết Biển Đông, tham nhũng, lãng phí… tiếp tục là tâm điểm quan tâm của cử tri cả nước.
Cụ thể, cử tri rất lo lắng và bất bình trước hành động cải tạo, bồi đắp trái phép các công trình ở hai quần đảo Hoàng Sa và trường Sa của Việt Nam. Điều đó vi phạm công ước quốc tế về Luật Biển, Tuyên bố ứng xử của các bên DOC, vi phạm chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam…
“Cử tri mong muốn làm sao Đảng và Nhà nước thực hiện tốt đường lối đối ngoại, làm sao giữ vững được chủ quyền trên Biển Đông”, ông Pha nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cử tri đánh giá rất cao quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua.
Tuy nhiên, cử tri khối cán bộ hưu trí phàn nàn tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp. Trong khi đó, việc kê khai, công khai tài sản của cán bộ công chức chưa nghiêm. Về chống lãng phí, cử tri cho rằng vẫn còn nhiều nơi bỏ hoang lãng phí đất đai, trong khi người dân lại thiếu đất sản xuất.
Lo lắng đầu ra cho nông sản
Hầu hết báo cáo được trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sáng nay đều đề cập tới tình trạng "được mùa, mất giá" của người nông dân.
Những trăn trở nêu trên được đề cập ngay trong báo cáo của Chính phủ, do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày đầu phiên, ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Cụ thể, Chính phủ cho biết nông nghiệp hiện là lĩnh vực đặc biệt khó khăn trong thời gian qua. Xuất khẩu nông - lâm và thủy sản giảm đã ảnh hưởng đến tổng kim ngạch chung của cả nước, trong đó tiêu thụ nông sản đối mặt nhiều thách thức lớn, với những sản phẩm như gạo, cao su, cà phê...
Nguyên nhân chính là việc thực hiện đề án tái cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, đất canh tác lúa kém hiệu quả.
Không chỉ Chính phủ, việc nông dân gặp khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm (gạo, dưa hấu, hành tây, vú sữa, hành tím, thanh long, vải thiều, cá tra), tình trạng “được mùa, mất giá” và ùn ứ hàng hóa trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi cũng là vấn đề được các cử tri quan tâm, lo lắng.
Điệp khúc nông sản được mùa mất giá liên tục xảy ra. Trong ảnh: Dưa hấu ách tắc tại cửa khẩu
Theo báo cáo của Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, hiện nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu theo phong trào, chưa gắn với quy hoạch đã dẫn tới nông sản không tìm được đầu ra ổn định và bị ép giá.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đồng tình với ý kiến cho rằng sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, vẫn xảy ra tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm... gây thiệt hại và bức xúc cho người dân.
Mặc dù Chính phủ có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc ban hành các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng triển khai vẫn còn lúng túng, vướng mắc trong việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động.
Việc nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý thành công trong thực tiễn, nhất là mô hình liên kết chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp còn chậm.
Bên cạnh những nỗi lo đối với lĩnh vực nông nghiệp nêu trên, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm vẫn được Quốc hội, Chính phủ đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực và đang trên đà phát triển. “Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng phục hồi rõ rệt, các cân đối đã được đảm, lạm phát thấp, lãi suất giảm”, Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Sinh Hùng nói.
PV (Tổng hợp)