Quảng Nam: Sớm kiện toàn các khu neo đậu cho tàu cá tránh bão
Quảng Ngãi: 2 tàu hàng neo đậu tại cảng Dung Quất đứt neo trôi dạt vào bờ |
Quảng Nam: Cảng cá Tam Quang đảm bảo an toàn cho tàu thuyền vào tránh bão |
Ngư dân khu vực phía nam của tỉnh bố trí tàu cá trong khu neo đậu tàu cá An Hòa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN |
Vất vả tìm nơi đậu tàu thuyền mùa bão lũ
Xã Tam Tiến (Núi Thành) hiện có 225 tàu cá nhưng âu thuyền Tam Tiến trên sông Trường Giang ở thôn Hà Lộc chỉ có sức chứa 50 phương tiện nên nhiều ngư dân phải vất vả tìm nơi neo đậu tàu thuyền trong mùa bão lũ này.
Âu thuyền xã Tam Tiến được UBND huyện Núi Thành, UBND xã Tam Tiến huy động nhiều nguồn lực để đầu tư qua 3 giai đoạn trong gần 10 năm qua với tổng vốn hơn 6 tỷ đồng, nhưng hiện vẫn còn nhiều bất cập. Trước hết là xung quanh âu thuyền đường bê tông nhỏ hẹp, ngư dân khó vận chuyển ngư lưới cụ, máy móc, thiết bị, các vật dụng trên tàu cá lên bờ. Do diện tích âu thuyền quá nhỏ nên tàu cá đầu tiên vào neo đậu sẽ là phương tiện cuối cùng ra khỏi âu thuyền. Bởi vậy, nhiều chủ tàu trên địa bàn xã Tam Tiến đã không muốn vào neo đậu ở âu thuyền mà neo đậu trên sông Trường Giang để tiện di chuyển khi cần thiết.
“Nguồn lực của xã, huyện có hạn nên âu thuyền Tam Tiến chưa hoàn thiện được. Mong UBND tỉnh có phương án đầu tư, mở rộng âu thuyền Tam Tiến về phía thôn Diêm Điền để giúp ngư dân có nơi neo đậu tránh trú bão an toàn cho tàu cá” - ông Nguyễn Xuân Luận, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến nói.
Âu thuyền xã Bình Dương (Thăng Bình) hiện tại chỉ còn 17 trụ neo gỉ sét, bỏ hoang nên um tùm cỏ dại. Ông Phan Thanh Vân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, trước đây, ngư dân trên địa bàn xã và các xã lân cận rất kỳ vọng vào âu thuyền này. Tuy nhiên, do không có đê chắn sóng, tàu cá khi vào neo đậu bị va đập mạnh, hư hỏng nên... bỏ không.
“Trên địa bàn huyện không có nơi neo đậu cho tàu cá nên ngư dân xã Bình Dương và các xã lân cận phải đưa phương tiện đến neo đậu ở âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) từ nhiều năm nay. Các chủ tàu phải thuê người trông hộ tàu cá, tốn chi phí mà lại nơm nớp lo lắng trong mùa mưa bão” - ông Vân nói.
Trên địa bàn tỉnh còn có khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa (2 xã Tam Giang và Tam Quang, Núi Thành), âu thuyền Cửa Đại (phường Cẩm Nam, TP.Hội An), âu thuyền Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An). Các khu neo đậu tránh trú bão nêu trên mới chỉ được đầu tư ở giai đoạn đầu, được sử dụng lâu nay nhưng chưa được duy tu, bảo dưỡng nên đã xuống cấp, hư hỏng. Bởi vậy, ngoài âu thuyền Hồng Triều, ở mùa bão lũ này, hầu hết ngư dân trên địa bàn tỉnh loay hoay tìm các nơi kín gió dọc theo sông Trường Giang hoặc Thu Bồn để neo đậu tàu cá dù không đảm bảo an toàn.
Sớm kiện toàn đồng bộ
Khu neo đậu tránh trú bão An Hòa là nơi tập kết của các tàu cá khu vực phía nam của tỉnh, hiện tồn tại nhiều bất cập như luồng lạch cạn, tàu công suất lớn không thể đi vào. Các trụ neo tại đây quá gần, các tàu cá bị va đập khi neo đậu. Tuy vậy, các khó khăn này sẽ được giải quyết trong thời gian đến.
Ngư dân neo đậu tàu cá dọc sông Trường Giang, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Ảnh: VIỆT NGUYỄN |
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, đang giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Quảng Nam hoàn thiện thiết kế dự án sửa chữa, nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão An Hòa để trình thẩm định, phê duyệt, dự kiến triển khai vào quý IV.2020. Dự án có tổng kinh phí hơn 98 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh sẽ xây dựng 2 đê chắn sóng trước luồng ra vào khu neo đậu tàu cá An Hòa với tổng chiều dài gần 600m.
Thực tế, đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn thấp so với nhu cầu, lại dàn trải, không đồng bộ, công trình được đầu tư còn hạn chế, thiếu các công trình phụ trợ, hệ thống phao tiêu, biển báo. Mỗi năm, Quảng Nam đón nhiều đợt mưa lũ nên các khu neo đậu bị bồi lắng luồng lạch khiến tàu cá rất khó đi vào tránh trú bão.
Tại buổi làm việc với Quảng Nam về gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Quảng Nam cần huy động vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 để hoàn thiện các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp với cảng cá. Đó cũng là tiền đề quan trọng để tỉnh chuyển nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, hội nhập quốc tế và đáp ứng các yêu cầu theo quy hoạch chung phát triển khai thác hải sản của cả nước, đặc biệt là Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ năm 2019.
Trước đó, ngày 21.8, Bộ NN&PTNT ban hành quyết định về việc đầu tư, nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa thành khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng; nâng cấp cảng cá Tam Quang đạt tiêu chí cảng cá loại I nhằm đảm bảo tránh trú bão an toàn cho người và tài sản của ngư dân Quảng Nam và các tỉnh lân cận trong mùa mưa bão, kết hợp phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ ngư dân khai thác trên biển.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngành đang tham mưu UBND tỉnh quản lý chặt quy hoạch đầu tư xây dựng hệ thống khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo đúng quy định tại Quyết định 1976 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tập trung rà soát, kiểm tra các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đảm bảo an toàn cho người, tàu cá vào neo đậu trú bão. Đối với các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá bị xuống cấp, không đảm bảo an toàn thì khẩn trương bố trí kinh phí, sửa chữa, khắc phục, không làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của ngư dân, doanh nghiệp.
Quảng Bình: Lên phương án tiếp cận tàu gặp nạn trên biển Tàu VTB Star có trọng tải 28 nghìn tấn, dài 170m thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần hàng hải Việt Nam, bị mắc cạn ... |
Tàu hàng bỏ chạy sau khi đâm chìm tàu cá Cơ quan chức năng Quảng Nam hiện đang truy tìm tàu hàng đâm tàu cá rồi bỏ trốn. |
Cần sớm có cơ chế hỗ trợ cho các tàu cá gặp nạn trên biển Mỗi chuyến ra khơi khai thác hải sản, các ngư dân đối diện với bao rủi ro, vì thế cần sớm có cơ chế hỗ ... |