Quảng Bình: Ngư dân chủ động ứng phó với bão số 10 sắp đổ bộ
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, vào hồi 7h sáng, bão số 10 đã mạnh lên cấp 11 với tốc độ di chuyển 20 km/h. Bão có phạm vi ảnh hưởng rất rộng kéo dài từ Thanh Hóa đến Quảng Trị.
Để chủ động ứng phó với bão, Ban chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn và Phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi được gần 4.000 tàu thuyền trên địa bàn vào các khu neo đậu trú tránh bão an toàn. Hiện tại vẫn còn 569 tàu cá với 4.641 lao động vẫn đang hoạt động trên biển. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Bình đã gửi điện tín cảnh báo bão cho 569 tàu này và sẽ vào bờ trong hôm nay.
Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết: “Sáng nay, có 580 tàu thuyền đang trên đường chạy vào bờ trú bão. Chúng tôi đang tổ chức hướng dẫn cho ngư dân ở trên 3 cửa sông vào neo đậu ở khu neo đậu an toàn”.
Nhiều tàu thuyền của ngư dân gấp rút vào bờ trú ẩn
Trước đó, Ngày 13-9-2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện gửi Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh.
Nội dung công điện nhấn mạnh: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, Chủ tịch UBND các địa phương ven biển tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm (vùng biển từ Khánh Hòa đến Quảng Ninh) vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.
Kiểm soát chặt chẽ không để tàu ra khởi đánh bắt hải sản, cấm tàu thuyền hoạt động trên biển, các cửa sông từ ngày 14-9-2017 cho đến khi bão tan.
Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền, không để tàu thuyền hư hỏng do va chạm khi neo đậu. Di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản. Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè.
Ngư dân khẩn trương neo đậu tàu thuyền tránh bão
Phân công cụ thể cán bộ trực tiếp chỉ đạo các xã, các thôn, bản, đặc biệt là những vùng thường xuyên bị chia cắt, những vùng thường bị ngập sâu hoặc có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Chỉ đạo dự trữ lương thực, thực phẩm thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân các vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống và các vùng dân cư khác, đề phòng bị chia cắt lâu dài. Tập trung lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” , chủ động đối phó và khắc phục hậu quả.
Cử lãnh đạo trực 24/24h để theo dõi diễn biến cơn bão số 10, sẵn sàng chỉ đạo đối phó; đồng thời cử người (lực lượng công an, thanh niên tình nguyện, dân quân) và chỉ đạo các xã, thôn, bản tổ chức lực lượng thường trực canh gác 24/24h ở những điểm nguy hiểm trong thời gian xảy ra bão.
Quốc Huy