Quần thể đền đài Angkor Wat – kỳ quan đẹp nhất hành tinh
Theo ngôn ngữ Khmer, "Angkor Wat" nghĩa là "Thành phố của những ngôi đền". Quần thể đền đài và là di tích tôn giáo lớn nhất trên trái đất có tuổi đời 700 năm này bao gồm một phức hợp đền, miếu, lăng mộ, kênh rạch có chu vi gần 6km và trải rộng trên diện tích 200ha, ẩn sâu trong rừng nhiệt đới xanh tươi ở phía Bắc quốc gia Đông Nam Á nằm cạnh Việt Nam.
Những hình ảnh dưới đây sẽ lý giải cho độc giả lý do tại sao Angkor Wat đứng đầu danh sách các địa danh nhất định du khách phải đến một lần trong đời:
Đền Angkor là kết tinh đỉnh cao kiến trúc của đế chế Khmer – nhà nước cai trị Campuchia vào thế kỷ 9-13. Trong nhiều thế kỷ, nó là thủ đô của vương quốc Khmer – đất nước có cùng niên đại với nhiều quốc gia/lãnh thổ trong khu vực Đông Nam Á hiện giờ như Lào, Miến Điện, Thái Lan và miền Nam Việt Nam.
Năm ngoái, Angkor Wat đón hơn 2 triệu khách du lịch tới tham quan.
Angkor Wat nằm bên trong Công viên Khảo cổ học Angkor, được xây dựng năm 802 trước Công nguyên ở trên núi Kulen, khi Vua Jayavarman II lên trị vì. Mới đầu, nó dùng để thờ thần Visnu của Ấn Độ giáo. Về sau, khi vương triều Khmer theo Phật giáo, Angkor Wat trở thành linh đền thờ Phật. Sau khi kinh đô của đế quốc Khmer bị người Xiêm phá hủy và các nhà vua Khmer bỏ về Phnom Penh trong thế kỉ 15, Angkor Wat rơi vào quên lãng, bị rừng già vây phủ và được nhà tự nhiên học - nhà thám hiểm người Pháp Herri Mouhot khám phá lại vào năm 1860.
Ngoài ra, nó còn là nơi người dân cư trú, cuộc sống mưu sinh của họ có thu nhập dựa trên nghề nông, hoạt động canh tác lúa...
Mỗi ngôi đền lại là một hệ thống thiết kế phức tạp về các vị thần khác nhau, đồng thời miêu tả cuộc sống thường ngày. Ví dụ như ngôi đền Bayon có chi tiết phù điêu khắc họa hình ảnh của gia đình nấu nướng bữa tối, những người đàn ông uống rượu cùng nhau, nữ giới chuẩn bị đi làm việc đồng áng. Nó có tất cả 37 tháp đền bằng đá, tạc hình nhiều khuôn mặt nhìn xuống và nhìn đi 4 hướng, như thể quan sát chúng sinh và che chở cho đất nước. Như vậy, có tất cả 216 khuôn mặt trang trí ở đền Bayon.
Trong khi đó, Ta Prohm là một trong những ngôi đền được chụp ảnh nhiều nhất và nổi tiếng vì được lấy làm bối cảnh trong "Lara Croft: Tomb Raider" – phim bom tấn Hollywood có minh tinh Angelina Jolie thủ vai nữ chính. Không giống như phần lớn đền tại Angkor, Ta Prohm đã bị bỏ quên. Nó chìm trong đống cây cối um tùm mọc xung quanh phế tích. Đồng thời, các khu rừng nhiệt đới bao quanh đã khiến ngôi đền trở nên kỳ quái, hoang tàn và đổ nát.
Angkor Wat là danh thắng nổi tiếng nhất trong quần thể đền đài, hiện diện ngay trên quốc kỳ Campuchia, và trở thành biểu tượng cũng như niềm tự hào của quốc gia này.
Khác với truyền thống theo đạo Shaiva (thờ thần Shiva) của các vị vua tiền nhiệm, Angkor Wat thờ thần Vishnu. Được bảo tồn tốt nhất trong khu vực, Angkor Wat là ngôi đền duy nhất hiện vẫn giữ được vị trí trung tâm tôn giáo, và vẫn là địa điểm được dùng để thờ phụng cho đến tận ngày nay.
Angkor Wat chạm khắc khoảng 3.000 hình ảnh vũ nữ apsara, với ước đoán gồm 37 kiểu tóc khác nhau.
Nó được coi là một bản sao thu nhỏ của vũ trụ.
Angkor Thom (tiếng Khmer nghĩa là "Thành phố vĩ đại") là thành phố thủ đô cuối cùng và lâu dài nhất của đế quốc Khmer. Thành được vua Jayavarman VII xây dựng vào cuối thế kỷ 12. Rộng 9km², bên trong nó có nhiều đền thờ từ các thời kỳ trước cũng như các đền thờ được Jayavarman và thế hệ nối nghiệp ông xây dựng. Tại trung tâm thành là ngôi đền quốc gia của Jayavarman: đền Bayon. Các bức tường thành (cao 8m, dài 3km, hào nước ở bên ngoài) bao xung quanh một cách kiên cố. Chúng được xây bằng đá ong với bờ công sự trên đỉnh. Angkor Thom từng là thành phố lớn nhất thế giới trong thế kỷ 12.
Những bức tượng khổng lồ trải khắp khu quần thể
Banteay Srei – một ngôi đền được xây để thờ thần Hindu Shiva là bức tranh tuyệt tác về nghệ thuật điêu khắc trên đá ong và sa thạch đỏ. Bản thân nó được xem là tuyệt đỉnh của nghệ thuật kiến trúc trên đá. Mỗi bức phù điêu hoa văn đều chạm khắc từng chi tiết nhỏ một cách tinh tế, khéo léo.
"Thi gan cùng tuế nguyệt" qua hàng trăm năm, những đền đài này được trang bị hệ thống kỹ thuật thủy văn phức tạp và một mạng lưới kênh rạch, hồ chứa khổng lồ mà ngày hôm nay du khách vẫn có thể may mắn được chiêm ngưỡng.
Không ai thực sự biết lý do tại sao các thành phố bị bỏ hoang. Có người cho rằng một trận chiến đẫm máu khiến người dân phải sơ tán, lại có ý kiến khác nhận định nguyên nhân là do sự thay đổi tôn giáo (Ấn Độ giáo Khmer đã được thay thế bởi Phật giáo vào khoảng thế kỷ 13-14), hoặc hệ thống nguồn nước phức tạp có vấn đề trục trặc, khiến người dân phải di chuyển để tìm nước.
Việc phục dựng Angkor Wat bắt đầu từ khi Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) thành lập chương trình phục dựng Angkor vào năm 1908, chủ yếu là các hoạt động thăm dò. Giai đoạn 1986 - 1992, tổ chức Nghiên cứu Khảo cổ Ấn Độ tiến hành công việc phục dựng ngôi đền, cho dù đã có những ý kiến tranh cãi về việc sử dụng hóa chất gây ảnh hưởng đến bề mặt đá.
Năm 1992, sau lời kêu gọi giúp đỡ của Quốc vương Norodom Sihanouk, Angkor Wat được đưa vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa của UNESCO (sau đó đã được gạch tên vào năm 2004) và di sản thế giới cùng với lời kêu cứu của UNESCO đến cộng đồng quốc tế. Năm 1994, các phân vùng đã được thiết lập để bảo vệ khu vực Angkor. Cơ quan quản lý APSARA thành lập năm 1995 nhằm bảo vệ và quản lý khu vực. Một điều luật đã được thông qua năm 1996 nhằm bảo vệ các di sản tại Campuchia.
Angkor Wat mở cửa từ 5g sáng đến 18g tối hàng ngày, với vé vào tham quan có các mức giá khoảng 20 USD/1 ngày, 40 USD/3 ngày và 60 USD/7 ngày.
Trailer một bộ phim tài liệu thú vị về Angkor Wat - Angkor Thom phục dựng bằng công nghệ 3D
Thủy Chinh