Quản lý dữ liệu trong thời đại công nghiệp 4.0 như thế nào là tối ưu?
Ngày 13/12, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo Quản lý dữ liệu - Thách thức vượt tầm công nghiệp 4.0. Sự kiện có sự tham gia của các diễn giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực quản trị dữ liệu (Data Management), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ khối (Blockchain), IoT (internet kết nối vạn vật) trong và ngoài nước.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Pierre Bonnet, Giám đốc Điều hành kiêm Giám đốc vận hành Orchestra Networks Việt Nam cho biết: "Nhu cầu sử dụng năng lượng, tiêu thụ nước, đầu tư nước ngoài, trao đổi thông tin… đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt (tăng trưởng luỹ thừa). Sự tăng trưởng luỹ thừa này cũng dẫn tới nhiều yếu tố tiêu cực tăng trưởng theo cấp số nhân như khai thác đánh bắt cá quá mức, khí thải nhà kính… tạo nên sự phát triển không bền vững".
Theo ông Bonnet, tăng trưởng lũy thừa có đặc tính là sự sụp đổ của nó có thể vượt quá tầm kiểm soát. Làm thế nào để kiểm soát thiệt hại, hạn chế tác động tiêu cực là thách thức lớn mà nhân loại đang phải đối mặt.
Ông Pierre Bonnet khẳng định tầm quan trọng của công nghiệp 4.0.
Trong bối cảnh hiện nay, công nghiệp 4.0 là một trong những giải pháp thích hợp - ông Bonnet cho hay. Công nghiệp 4.0 là môi trường sản xuất thông minh, vận hành bởi IoT, yêu cầu lượng dữ liệu đồ sộ và cần thiết ứng dụng AI để phân tích dữ liệu lớn (Big Data), lưu trữ dữ liệu trên đám mây điện toán (Cloud). Trong nền công nghiệp 4.0, chúng ta có thể thu thập, truy cập thông tin bất cứ lúc nào, từ đó có cơ sở để phân tích thông tin, đưa ra phương thức sản xuất phù hợp.
Song song với thuận lợi đó, khó khăn của công nghiệp 4.0 là xác định vị trí của con người và hạn chế về dữ liệu. Chúng ta nói rất nhiều về IoT nhưng thường không nói tới bước kế tiếp, đó là kết nối dữ liệu với dữ liệu, kết nối dữ liệu với con người. Chúng ta buộc phải tiếp cận với sự tăng trưởng cực kỳ nhanh chóng của dữ liệu.
Diễn giả Bonnet cho rằng, chúng ta phải thay đổi suy nghĩ, xác định quản lý dữ liệu là trái tim của triết lý công nghệ thông tin – truyền thông (ICT), là cần thiết để đảm bảo chất lượng dữ liệu, quản trị dữ liệu, sắp đặt dữ liệu, truy xuất nguồn gốc dữ liệu. Dữ liệu biết về chúng ta nhiều hơn là chúng ta biết về dữ liệu - ông Bonnet khẳng định.
Toàn cảnh hội thảo.
Đồng quan điểm với ông Bonnet, bà Tyna Giang Huỳnh – Giám đốc điều hành & đồng sáng lập BioPhap cũng bày tỏ một số lo ngại. Theo bà, Việt Nam đang đứng thứ 14 trên thế giới về nhu cầu thực phẩm, nhưng sự thiếu thông tin minh bạch về thực phẩm, sử dụng nhiều chất hoá học trong nông nghiệp… khiến tỷ lệ ung thư ở nước ta ngày càng cao: Mỗi năm có tới 100.000 ca tử vong liên quan tới ung thư, trong khi tỷ lệ người có nguy cơ mắc bệnh dưới tuổi 75 hiện nay là 14,5%.
Vì thế, theo bà Giang Huỳnh, cần áp dụng công nghệ cao trong ngành nông nghiệp, đồng thời nghiên cứu và phát triển, tìm kiếm phương pháp giúp người nông dân quản lý trang trại của họ.
Bà Giang Huỳnh chia sẻ BioPhap đã ứng dụng quản lý dữ liệu và blockchain, giúp ích rất nhiều cho người nông dân. Ngoài ra, điều này còn góp phần thu hút giới trẻ trở về quê hương lập nghiệp, đẩy lùi tình trạng bùng nổ dân số thành thị.
Nhiều ý kiến, quan điểm về quản lý dữ liệu được các diễn giả chia sẻ tại sự kiện.
“Những người tham gia quá trình sản xuất cũng phải được học về quản lý dữ liệu. Áp dụng công nghệ blockchain với hệ thống thông tin minh bạch rõ ràng để mỗi người trong chuỗi giá trị đều có thể xác nhận lại. Điều đó giúp tạo lòng tin, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, người nông dân” – bà Tyna Giang Huỳnh nhấn mạnh.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Big Data và AI trong công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Xuân Hoài - Đồng sáng lập và Giám đốc Học viện AI nhận định: Không được quên quản lý dữ liệu, đặc biệt là chất lượng dữ liệu.
Ông Hoài dẫn ra các ví dụ như dữ liệu không tốt khiến cho nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 3.000 tỷ USD mỗi năm, “ông lớn” công nghệ Google phải xin lỗi sau sự cố nhận diện nhầm người da đen thành… khỉ đột (năm 2015) và vụ bê bối liên quan tới hệ thống IBM Watson Oncology (công cụ hỗ trợ điều trị ung thư) đã đưa ra các chẩn đoán không chính xác cho bệnh nhân bởi vì sử dụng dữ liệu y văn không có thực.
“Để có được các hệ thống AI tốt, thực sự cần tới dữ liệu tốt. Nếu không, AI có thể đưa ra những quyết định không ngờ tới, dẫn đến hậu quả khôn lường” – ông Nguyễn Xuân Hoài khẳng định.
Chuyên gia quản trị dữ liệu Philippe Assuncao trình diễn quản trị dữ liệu bằng phần mềm.
Cũng tại hội thảo, các diễn giả đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ blockchain, IoT trong công nghiệp 4.0. Vấn đề rủi ro khi sử dụng sai mục đích của AI hay đạo đức của AI và robot trong kinh tế - xã hội cũng được chia sẻ và thu hút sự chú ý của đông đảo người tham gia hội thảo.
Theo đó, blockchain có thể đẩy nhanh sự hợp tác giữa con người và các tổ chức, tác động tích cực tới doanh nghiệp, trong khi IoT sẽ đẩy nhanh việc nắm bắt dữ liệu. Nếu ứng dụng IoT trong nông nghiệp hữu cơ sẽ thúc đẩy kiến thức nông dân và kiểm soát sản phẩm tốt hơn.
Lựa chọn quản lý dữ liệu một cách thông minh phù hợp với định hướng doanh nghiệp sẽ đảm bảo cho việc phát triển “lành mạnh”. Tại hội thảo, nhiều trường hợp cụ thể về quản trị dữ liệu đã được chia sẻ để góp phần cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt được những mối nguy hại, hệ quả của việc quản lý dữ liệu kém, từ đó đưa ra định hướng tốt hơn cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Trọng Sang