Quận Đống Đa: Công tác quản lý y, dược ngoài công lập đạt nhiều kết quả tích cực
Không xảy ra sai sót nghiêm trọng về chuyên môn
Với 21 phường và dân số 373.297 người, những năm qua, hoạt động y, dược, mỹ phẩm trên địa bàn quận Đống Đa phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng.
Trong báo cáo gửi Đoàn giám sát của Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội về công tác quản lý y, dược ngoài công lập, quận Đống Đa cho biết trên địa bàn quận hiện có 11 bệnh viện, 14 phòng khám đa khoa, 327 phòng khám chuyên khoa, 385 cơ sở kinh doanh dược, 307 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, spa, chăm sóc sắc đẹp, kinh doanh mỹ phẩm, trang thiết bị y tế… ngoài công lập.
Theo UBND quận Đống Đa, đa số các cơ sở hành nghề y, dược đều thực hiện tốt các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, kinh doanh dược.
Các cơ sở y tế này cũng chủ động mua sắm trang thiết bị y tế, thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn cao nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế công lập.
Đặc biệt trong năm 2022, rất nhiều cơ sở đã tích cực tham gia tư vấn, hướng dẫn, chăm sóc, điều trị cho người cách ly tại nhà (F1, F2), người mắc COVID-19; tham gia hỗ trợ hoạt động của các Trạm Y tế lưu động theo yêu cầu của chính quyền địa phương.
Với gần 38 vạn người, việc quản lý y tế trên địa bàn quận Đống Đa thực sự rất phức tạp với nhiều tình huống không thể lường trước. |
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn một số các trường hợp cơ sở cá biệt hoạt động chưa đúng quy định.
Ví dụ, có những cơ sở kinh doanh dược hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động; không niêm yết giá hoặc niêm yết không đầy đủ; không có khu vực riêng cho các sản phẩm không phải là thuốc hoặc không có biển hiệu tại khu vực riêng ghi rõ “sản phẩm này không phải là thuốc”; còn những phòng khám cũng cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh…
Từ năm 2021 đến nay, không xảy ra sai sót về chuyên môn nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Tuy vậy, qua kiểm tra 1.644 lượt cơ sở, quận đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 142 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 1,9 tỷ đồng.
Chú trọng tập huấn, tuyên truyền quy định pháp luật
Theo UBND quận Đống Đa, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đối với các cơ sở y, dược ngoài công lập luôn được chú trọng.
Việc tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức như hệ thống loa truyền thanh, kiểm tra, giám sát tại cơ sở; khuyến khích người dân phát hiện và thông báo cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vi phạm; tuyên truyền các văn bản, quy định mới về khám chữa bệnh, kinh doanh dược...
Hàng năm, UBND Quận chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động, tăng cường quản lý các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn quản lý.
Hàng tháng, Phòng Y tế cũng tổ chức giao ban công tác chuyên ngành y tế và công tác quản lý cơ sở hành nghề y dược phường để nắm bắt tình hình hoạt động của các cơ sở; thiết lập 2 nhóm Zalo để kịp thời thông tin về các nội dung chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội, UBND Quận đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài ra, Phòng Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với UBND 21 phường thông qua công tác tập huấn, giao ban, kiểm tra, giám sát yêu cầu tất cả các nhà thuốc, phòng khám trên địa bàn quận duy trì hoạt động chuyên môn theo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đảm bảo 100% nhà thuốc thực hiện kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu dược quốc gia.
Đơn vị này cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, quản lý thị trường, UBND phường để quản lý hoạt động của các cơ sở, phát hiện các cơ sở hành nghề không phép; quản lý các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời việc lợi dụng để hoạt động quá phạm vi.
Từ năm 2021 đến tháng 4/2024, Phòng Y tế đã tổ chức 11 lớp tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật, công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược ngoài công lập; 2 lớp tập huấn triển khai ứng dụng phần mềm quản lý nhân sự, kê đơn thuốc điện tử, bán thuốc theo đơn cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tập huấn trực tuyến Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật…
Địa bàn rộng, cán bộ mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc…
Bên cạnh những thành tích đạt được, UBND quận Đống Đa cũng thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề cần quan tâm hơn nữa. Đó là lực lượng cán bộ ít, phải kiêm nhiệm nhiều việc trong khi địa bàn quản lý rộng, cơ sở hành nghề phân tán rải rác nên gặp nhiều khó khăn trong quản lý, phát hiện sai phạm.
Có một số cơ sở hành nghề không phép trong các khu chung cư, nhà tập thể, khu vực có nhiều ngõ ngách nhỏ. Một số cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (thẩm mỹ viện, chăm sóc da, chăm sóc sắc đẹp, spa,...) có cách thức hoạt động tinh vi, quảng cáo quá phạm vi sang lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh khó kiểm soát… Điều này cũng khiến phát sinh nhiều đơn thư liên quan đến các dịch vụ làm đẹp, thẩm mỹ…
Ngoài ra, chất lượng công tác quản lý nhà nước về y tế tại các phường chưa cao, chưa đều. Một số phường còn lơi lỏng, chưa thực sự quyết liệt trong việc kiểm tra, xử lý cơ sở hành nghề vi phạm. Trong khi đó, ý thức của một số tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược còn mang tính đối phó khi có đoàn kiểm tra…
UBND quận Đống Đa cũng đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế xem xét đưa loại hình cung cấp dịch vụ thẩm mỹ (thẩm mỹ viện, chăm sóc da, chăm sóc sắc đẹp, spa,...) vào loại hình kinh doanh có điều kiện cần được cơ quan nhà nước thẩm định, cấp phép do cung cấp dịch vụ có liên quan, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Quận Đống Đa cho biết thời gian tới bên cạnh việc tạo điều kiện cho các cơ sở hoạt động đúng theo quy định của pháp luật thì sẽ tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các cơ sở. Điều này nhằm phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý các cơ sở hành nghề không phép trên địa bàn.
Thêm nữa, cần xây dựng quy chế phối hợp trong thanh tra, kiểm tra các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập nhằm tránh sự chồng chéo, gây phiên hà và bỏ sót cơ sở không được kiểm tra.
Trên thực tế, đây là công việc hết sức đặc thù chứ không đơn giản như khi xem báo cáo kết quả với những số liệu khô khan, cô đọng. Lý do cũng không quá khó hiểu vì để qua mặt cơ quan quản lý, để đối phó với lực lượng chức năng thì những cơ sở vi phạm pháp luật có muôn ngàn thủ đoạn né tránh, che giấu hoặc gây khó dễ. Vẫn theo bà Lê Thị Hoàng Ngân thì để xử lý đúng đã khó, nhưng xử lý sao cho đảm bảo cả lý lẫn tình để sau đó những cơ sở này không tái phạm thì còn khó gấp bội phần. Do vậy, quản lý y tế trên 1 địa bàn phức tạp như Đống Đa thì chỉ nắm chắc tinh thần và nội dung pháp luật vẫn chưa đủ, quan trọng là phải thật sự linh hoạt và uyển chuyển trong xử lý từng tình huống thì mới hy vọng có được kết quả như mong đợi./.