Qatar tuyên bố đủ tiềm lực tài chính để vượt qua khủng hoảng
Thống đốc ngân hàng trung ương Qatar Sheikh Abdullah Bin Saoud al-Thani
Khủng hoảng tại vùng Vịnh diễn ra từ 5/6, khi một số nước do Ả Rập Saudi dẫn đầu tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này tài trợ cho khủng bố. Sau đó, Qatar bị các nước láng giềng đóng cửa không phận, chặn mọi liên lạc trên bộ cũng như trên biển.
Giới phân tích cho rằng Qatar sẽ bị thiệt hại hàng tỷ USD. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC (Mỹ) ngày 9/7, Thống đốc al-Thani nêu rõ: Qatar có 40 tỷ USD dự trữ cùng với vàng và 300 tỷ USD quỹ tài sản quốc gia. Vì thế nước này có đủ nguồn lực tài chính để đối phó với bất cứ cú sốc nào về kinh tế.
"Qatar đã có sẵn một hệ thống tốt mà không nước nào có... Chúng tôi làm việc với IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) và nhiều thiết chế khác để ban hành các quy định, kiểm tra, phê duyệt. Chúng tôi không gặp phải bất cứ thách thức nào", ông al-Thani nhấn mạnh.
Qatar nổi tiếng là thị trường thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài
Ông này cho biết thêm: hiện tại không có sự gián đoạn nào trong các hợp đồng dài hạn của Qatar về dầu mỏ và khí đốt. "Dòng tiền vào vẫn lớn hơn", ông phát biểu, qua đó xác nhận rằng dòng tiền vào đang vượt trội so với dòng tiền ra.
Trong bối cảnh bị cô lập, cổ phiếu của Qatar đã sụt giảm và đồng nội tệ riyan của nước này đang biến động mạnh trên thị trường. Để đối phó với tình trạng trên, Qatar đã thực hiện nhiều biện pháp như tăng sản lượng khí đốt thêm 30% và khai thác các tuyến vận tải mới.
Đầu tháng 7, hãng xếp hạng Moody's Investors Service đã thay đổi mức đánh giá môi trường tín dụng của Qatar từ "tiêu cực" sang "bình ổn". Kết quả này đã phần nào cho thấy hiệu quả từ những giải pháp mà Qatar áp dụng.
Hồng Anh