Qatar, gã nhà giàu cô độc!
Trong khi Qatar phủ nhận các cáo buộc liên quan đến khủng bố thì tình hình hiện nay đã trở nên vô cùng căng thẳng. Ngoại trừ việc cắt quan hệ ngoại giao, nhiều tuyến giao thông chủ chốt của nước này cũng bị đoạn tuyệt trong khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thậm chí UAE cũng cấm giới truyền thông chia sẻ hay đăng tải các bài có tính ủng hộ hoặc thương xót cho tình hình đang diễn ra ở Qatar. Bất kỳ tờ báo hay đài truyền hình nào đăng tải những nội dung trên sẽ bị phạt 15 năm tù kèm khoản phí 500.000 dirhams (136.115 USD).
Gã nhà giàu cô độc
Mặc dù Qatar là một trong những nước giàu nhất trên thế giới tính theo GDP bình quân đầu người và xếp thứ 18 trong bảng xếp hạng những nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới.
Qatar là một trong những nước giàu nhất trên thế giới
Quốc gia nhỏ bé này có dân số chỉ vào khoảng 2,4 triệu người và phần lớn là lao động nước ngoài. Dẫu vậy, nền kinh tế này lại là thị trường ổn định thế 2 thế giới và chỉ đứng sau Na Uy trong bảng xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
Môi trường vĩ mô ổn định thế 2
Nếu nhìn vào những con số trên thì khó có thể tưởng tượng quốc gia giàu có quyền lực này có thể gặp khó khăn gì về kinh tế. Qatar là nước xuất khẩu khí đốt hóa lỏng lớn trên thế giới và thị trường của nó không chỉ nằm trong khu vực Trung Đông.
Qatar là nước xuất khẩu khí đốt hóa lỏng lớn trên thế giới
Dẫu vậy, động thái cắt đứt quan hệ ngoại giao mới đây của các nước Trung Đông cho thấy nền kinh tế Qatar không mạnh mẽ như nhiều người vẫn thấy.
Đầu tiên, việc cắt đứt quan hệ ngoại giao không chỉ mang vấn đề chính trị mà nó còn ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của người dân. Chỉ trong vài ngày qua, hàng loạt những mảng như vận tải, thực phẩm, hàng không, ngân hàng và chứng khoán của Qatar đã chịu áp lực lớn cũng như đẩy giá các mặt hàng đi lên.
Trên thực tế, Qatar là nước nhập khẩu rất lớn nhiều loại mặt hàng, đặc biệt là lương thực, chủ yếu từ các nước như Mỹ, Đức và thậm chí là Ả Rập Xê Út.
Biểu đồ dưới đây cho thấy cán cân thương mại giữa Qatar với một số nước Trung Đông như Ai Cập, Bahrain, UAE.
Cán cân thương mại giữa Qatar với một số nước Trung Đông
Đây là lý do ngay sau khi các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, người dân nước này đổ xô đi tích trữ lương thực vì lo ngại khan hiếm nguồn cung. Thậm chí nhà chức trách tại đây đã phải cấm người tiêu dùng vơ vét hàng hóa ở siêu thị, gây nên tình trạng mất trật tự và khủng hoảng trên thị trường.
Thông thường, Qatar mua thực phẩm chuyển qua tuyến đường của Ả Rập Xê Út nên khi quốc gia này cắt quan hệ ngoại giao, dù vẫn còn tiền mua lương thực nhưng Qatar lại gặp khó để nhập khẩu lương thực qua biên giới.
Thành phố Dubai là một trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa nhờ có cảng biển quốc tế Jebel Ali. Tuy nhiên, hãng vận tải lớn nhất thế giới Maersk xác nhận họ không được vận chuyển các chuyến hàng đến Qatar qua cảng Jebel Ali nữa.
Hãng cũng cho biết đang tính toán các đường vận chuyển khác nhưng điều này sẽ làm trì hoãn thời gian giao hàng cũng như đội giá vận chuyển lên rất lớn.
Tồi tệ hơn, quyết định cấm các chuyến bay tới Qatar cũng đang khiến nước này gặp nhiều khó khăn bởi diện tích không vực của quốc gia này khá nhỏ, số sân bay cũng không nhiều nên các dịch vụ hàng không của những nước quanh Qatar đóng vai trò chủ yếu cho vận chuyển hàng không nơi đây.
Hậu quả là việc cấm bay khiến Qatar hoàn toàn bị trở nên cô lập với những nước xung quanh.
Giàu vẫn có thể ngã
Qatar là nước có trữ lượng khí đốt thiên nhiên lớn thứ 3 thế giới, nhưng báo cáo của Euromonitor cho thấy quốc gia này vay mượn rất nhiều tiền để đầu tư cho các công trình khai thác, sản xuất khí thiên nhiên.
Với việc cắt quan hệ ngoại giao, phí vận chuyển khí đốt từ Qatar có thể sẽ đắt hơn tại các thị trường Châu Á, Châu Âu và Mỹ, qua đó kém cạnh tranh hơn nhiều đối thủ sản xuất khí đốt khác.
Vị trí của Qatar
Điều đáng lo ngại là ngành khí đốt chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu và 50% GDP cùng một lượng rất lớn lao động trên thị trường Qatar. Bởi vậy, tác động của việc cắt quan hệ ngoại giao đến người lao động và đời sống xã hội tại đây có thể tăng lên theo từng ngày.
Hệ thống tài chính của Qatar hiện đã cảm thấy áp lực khi một số ngân hàng từ Ả Rập Xê Út, UAE, Bahrain từ chối thanh khoản hoặc tạm dừng giao dịch với các ngân hàng ở Qatar sau khi chính phủ tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao.
Tờ Financial Times cho biết các ngân hàng ở Ả Rập Xê Út hiện thậm chí đã xem xét bán lại các hợp đồng tín dụng mà con nợ đến từ Qatar nhằm tránh những rủi ro không cần thiết.
Trên thị trường tiền tệ, đồng Riyal của Qatar đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2016. Chỉ số chứng khoán FTSE Nasdaq Qatar 10 đo lường những công ty lớn nhất trên sàn cũng giảm 8,2% ngay sau tuyên bố của các nước Trung Đông.
Đồng Riyal của Qatar đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2016
Tất cả những biến động trên chỉ diễn ra trong vòng 3 ngày và dù Qatar là một quốc gia giàu có kiếm hàng triệu USD từ khí đốt với 335 tỷ USD dự trữ ngoại hối thì các chuyên gia vẫn băn khoăn liệu các nhà đầu tư có thoái vốn chạy khỏi thị trường này trong thời gian tới hay không.
Rõ ràng, kể cả một nền kinh tế lớn như Qatar cũng có thể “ngã ngựa” trước những rủi ro về chính trị như trên.
BT