Qatar bị cắt quan hệ ngoại giao đồng loạt: Chuyện gần như chưa từng có trong lịch sử
Sự việc xảy ra bất ngờ. Bất ngờ về thời điểm và mức độ. Bất ngờ về những nguyên do được nêu ra để biện luận. Bất ngờ bởi gần như chưa từng thấy đã xảy ra trong thế giới ngoại giao và lịch sử quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới.
Sự việc ấy là đồng thời có 5 quốc gia - Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Yemen - cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Sau đó có thêm Libya, nhưng không phải chính phủ được LHQ công nhận, và Malpes.
Lý do được các nước này đưa ra là Qatar hậu thuẫn, bằng trợ giúp tài chính và dung chấp khủng bố, cụ thể là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), Hamas của Palestine, phong trào Anh em Hồi giáo của Ai Cập...
Không bất ngờ và lạ lùng sao được khi Qatar cùng với Saudi, Bahrain và UAE là thành viên của tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Hai thành viên còn lại của tổ chức này là Kuwait và Oman không tham gia chiến dịch cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, khi nước này vẫn sát cánh cùng các nước kia tham chiến ở Yemen và Syria, và vừa qua vẫn cùng họ tham gia liên minh mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng tại Saudi, nhằm chống IS và đối phó Iran.
Những vương triều Ả rập này đều là đồng minh quân sự truyền thống chiến lược của Mỹ. Ở Qatar có căn cứ quân sự quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực Trung Đông và vùng Vịnh. Chỉ riêng điều này thôi cũng đã đủ để cho thấy Mỹ không cùng quan điểm với mấy nước kia về Qatar và mấy nước này làm găng với Qatar vì lợi ích riêng chứ không phải vì cả Mỹ.
Quốc vương Qatar bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia hôm 21/5, khi hai lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Ả rập-Hồi giáo-Mỹ tại đây (Ảnh: Jonathan Ernst/Reuters)
Chuyện cắt quan hệ ngoại giao trên thế giới
Cắt đứt quan hệ ngoại giao trên danh nghĩa là chuyện tày đình trong quan hệ giữa các quốc gia. Nó chỉ còn cách tình trạng hai bên tuyên chiến với nhau không xa. Nhưng trong thực chất không phải cứ cắt đứt quan hệ ngoại giao là tức khắc như vậy, là lần nào cũng giống nhau và ở đâu đâu cũng đều tương tự như nhau.
Tất cả phụ thuộc vào mục đích của hành động: Để chuẩn bị tuyên chiến với nhau, để gây áp lực cho nhau, để trừng phạt, để thể hiện sự ủng hộ về chính trị cho đối tác khác, để giữ thể diện, để răn đe, để tranh thủ dư luận khu vực và thế giới...
Trong thực tiễn quan hệ đối ngoại xưa nay gần như chưa từng xảy ra chuyện nhiều nước đồng thời cắt đứt quan hệ ngoại giao của họ với một nước mà thường chỉ thấy có một nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với một nước khác và sau đó có những nước khác làm theo.
Để xảy ra chuyện nhiều nước đồng thời cùng quyết định như thế phải đáp ứng được hai điều kiện. Một là phải được trao đổi và thống nhất, bàn thảo và quyết định trước đó; Hai là phải có sự song trùng về lợi ích cơ bản chứ không phải chỉ là sự hậu thuẫn chính trị thuần tuý.
Năm ngoái, khi Saudi quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran thì lúc đầu cũng chỉ có một mình nước này. Sau đó, một số quốc gia khác cũng quyết định tương tự để thể hiện sự ủng hộ với Riyadh. Tức là lợi ích cơ bản của họ trong quan hệ với Iran không bị ảnh hưởng bởi khúc mắc giữa Saudi và Iran, nhưng họ có lợi ích khi thể hiện sự ủng hộ Saudi.
Cách đây nhiều thập kỷ, Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, không phải vì cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979 mà vì chuyện sinh viên Iran tấn công Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Tehran, bắt 49 nhân viên ngoại giao Mỹ làm con tin suốt 444 ngày.
Nhiều đồng minh của Mỹ sau đấy mới ngưng trệ quan hệ ngoại giao của họ với Iran bằng những hình thức khác nhau, từ cắt đứt quan hệ ngoại giao như Mỹ đến chỉ đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao tại Iran.
Ở khu vực Mỹ Latinh năm 2008 cũng đã từng có chuyện Ecuador, Venezuela cắt đứt quan hệ ngoại giao với Colombia để phản đối quân đội chính phủ nước này làm chiến sự lan sang lãnh thổ của láng giềng khi tiến hành chiến dịch chống lại Lực lượng vũ trang kháng chiến Colombia (FARC).
Việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Colombia không phải là quyết định chung của nhiều nước - không giống như chuyện vừa rồi với Qatar.
Trong lịch sử còn có một kiểu cắt đứt quan hệ ngoại giao khác, đó là cứ có quan hệ ngoại giao với nước này thì đương nhiên không thể quan hệ ngoại giao với nước kia.
Đấy là "Học thuyết Hallstein" của CHLB Đức (Tây Đức) trong quá khứ, với nội dung là bất cứ nước nào công nhận Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) thì không thể có quan hệ ngoại giao với CHLB Đức.
Học thuyết này không còn được thực hiện nữa sau khi hai nước Đức công nhận lẫn nhau và thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau.
Chuyện đang xảy ra với Qatar quả hiếm thấy nhưng thật ra không khó hiểu. Qatar chỉ là vương quốc nhỏ nhưng lại là một trong những cường quốc thế giới về tiềm năng tài chính, ấp ủ tham vọng gây dựng vai trò chính trị khu vực và thế giới và chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược của Mỹ.
Một quốc gia như thế đâu có dễ dàng chấp nhận sự sai khiến của quốc gia khác trong khu vực như Saudi Arabia, mà sẽ chủ trương độc lập trong cả xác định lợi ích lẫn thực thi lợi ích. Qatar vì thế bị coi như là cái gai trong mắt của Riyadh.
Saudi tận dụng vị thế vừa được nâng lên trong chiến lược của Mỹ để buộc Qatar phải đứng vào hành ngũ do Riyadh sắp đặt, phải giúp nước này chống Iran và phải đóng cửa hãng truyền thông Al-Jazeera.
Đương nhiên, Qatar sẽ gặp khó khăn, nhưng cả nhiều đối tác bên ngoài khác cũng bị khó xử, trong đó đặc biệt là Mỹ.
Đại sứ Trần Đức Mậu