Plan khởi động chiến dịch 247 ngày hành động vì bình đẳng giới
Bạo lực học đường được biết đến như một vấn đề toàn cầu với những ảnh hưởng xấu đến việc học tập, sức khỏe và phát triển của học sinh nam và nữ. Ở Việt Nam, quan niệm về giới của người Việt Nam bị ảnh hưởng sâu sắc của chế độ phụ hệ, theo đó nam giới được thừa hưởng sự ưu ái và quyền lực hơn nữ giới. Xuất phát từ quan niệm này, bạo lực trên cơ sở giới được chấp nhận rộng rãi và được coi là bình thường trong xã hội, trong đó có trường học.
Kết quả nghiên cứu của tổ chức Plan International Việt Nam với 3,000 học sinh đến từ 30 trường THCS và THPT tại Hà Nội năm 2014 cho thấy 79% học sinh (84% em nam và 74% em nữ) cho biết mình đã từng trải qua một trong các hành vi bạo lực tại trường học. Bạo lực trên cơ sở giới (BLTCSG) gây ra các ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, sự phát triển về tâm hồn và gây ra các hậu quả lâu dài về sức khỏe. Nó cũng đặt các em học sinh trước các rủi ro về bỏ học hoặc sa sút kết quả học tập.
BLTCSG tại trường học cũng đề cập đến các cách mà các em phải trải nghiệm bạo lực hoặc các tổn thương mà các em phải chịu do giới tính của mình. Ở phần lớn các xã hội, mối quan hệ bất công bằng giữa người lớn và trẻ em cũng như những khuôn mẫu giới, những định kiến và vai trò giới đã ăn sâu vào trong đời sống xã hội thường đặt các em gái dễ bị tổn thương bởi các hành vi quấy rối tình dục, bị hiếp dâm, bị cưỡng ép, bị bóc lột và bị phân biệt đối xử bởi bạn bè, thầy cô và những người lớn khác. Các em trai, ngược lại, thì lại dễ bị tổn thương hơn trước các hành vi bạo lực thân thể do bạn bè và người lớn gây ra. Các em trai và gái, những em không thích ứng với các hình thức áp chế về văn hóa và tôn giáo, ví dụ như các quan niệm về nam tính, nữ tính cũng dễ bị bạo lực tình dục và bắt nạt.
Trong khuôn khổ Dự án Trường học An toàn Thân thiện và Bình đẳng do Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai tại 5 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum, 47 trường học đã khởi động chiến dịch “Girl Gets Equal” của Tổ chức Plan International và Năm An toàn cho Phụ nữ và Trẻ em vừa được Thủ tướng chính phủ phát động ngày 6/3 tại Hà Nội bằng chuỗi sự kiện truyền thông “Thúc đẩy Bình đẳng – Gắn kết Yêu thương”.
Sự kiện truyền thông vì bình đẳng giới tại THCS Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Nguồn: Plan.
Được chuẩn bị từ cuối tháng 2/2019, hàng chục nghìn học sinh, hàng nghìn thầy cô giáo và phụ huynh đã cùng nhau tìm hiểu về Bình đẳng giới, về các hình thức bạo lực giới diễn ra trong trường học như bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, từ đó cùng nhau thảo luận về cách tạo ra một môi trường học đường an toàn, thân thiện và bình đẳng với học sinh.
Trong 3 ngày từ 6-8/3, 20 trường học đầu tiên tại 5 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum tổ chức thành công sự kiện truyền thông toàn trường dưới hình thức cuộc thi Rung chuông vàng; hội chợ truyền thông “Trao bình đẳng, Nhận yêu thương”; cuộc thi viết, vẽ và sáng tác các tác phẩm thơ, kịch, ảnh, bài hát về chủ đề phòng chống bạo lực giới trong trường học.
27 trường học tiếp theo sẽ tổ chức các sự kiện quan trọng này trong tháng 3/2019, nâng tổng số trường tổ chức sự kiện lên 47 trường, và sẽ thu hút hơn 11.500 học sinh (hơn 5,300 học sinh nữ - 6,200 học sinh nam) và hơn 1.300 giáo viên THCS và khoảng hơn 1.000 cha mẹ học sinh tham gia.
“Sự kiện truyền thông đã thực sự nâng cao nhận thức cho không chỉ các em học sinh mà cho cả giáo viên và cha mẹ học sinh về chủ đề bình đẳng giới và thúc đẩy vai trò chủ động của các bên trong việc phòng chống bạo lực giới trong trường học. Từ đó sẽ góp phần xây dựng một môi trường học đường AN TOÀN, THÂN THIỆN và BÌNH ĐẲNG với tất cả mọi người,” bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Hiệu trưởng trường THCS Tả Nhìu, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang cho biết.
“Theo em, em gái bình đẳng là em gái nhận được sự công bằng, tôn trọng và tự do. Em gái có đủ sức mạnh để làm chủ cuộc sống và làm chủ thế giới xung quanh mình,” em Phương Thanh, học sinh lớp 8, Trường PTDTBT TH&THCS Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình mạnh dạn phát biểu.
Em Thủy, Trường THCS Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Theo em, trẻ em gái bình đẳng là các em gái có quyền đến trường, tham gia các hoạt động học tập, vui chơi, giải trí và tham gia các hoạt động, công việc ngoài xã hội. Các em gái có quyền được ước mơ, được biến mơ ước thành hiện thực và đóng góp một phần của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”.
Các em học sinh mạnh dạn chia sẻ ý kiến về bất bình đẳng tại sự kiện. Nguồn: Plan.
“Qua tham gia các hoạt động dự án, và đặc biệt là sự kiện truyền thông này, em cũng rút ra được rất nhiều điều cho bản thân mình. Trước kia em hay lấy các bạn nữ ra để trêu đùa thì giờ đây em đã biết các hành động như vậy là hành vi bạo lực. Nhiều khi chúng em đã lấy chính những hành động của mình đã từng làm để đi truyền thông và để cho các bạn hiểu những vấn đề đó là một trong những hành vi bạo lực và qua mỗi buổi truyền thông chúng em thường đưa ra những thông điệp và mong muốn tất cả các bạn học sinh cùng tham gia vào các hoạt động của chúng em” – Em Quân, học sinh lớp 9, trường PTDTBT THCS Hoàng Thèn, tỉnh Lai Châu chia sẻ.
Phát biểu tại một trong những sự kiện được tổ chức, bà Sharon Kane, Giám đốc Quốc gia của tổ chức Plan International Việt Nam cho biết: “Girls Get Equal là chiến dịch toàn cầu được phát động bởi Tổ chức Plan International nhằm kêu gọi các bên cùng hành động để tạo ra sự công bằng, tôn trọng và tự do cho em gái và phụ nữ. Chiến dịch “Girls Get Equal” hỗ trợ em gái tham gia vào quá trình dẫn dắt để thay đổi, diễn ra trên hơn 40 nước trên thế giới. Girls Get Equal đảm bảo mọi em gái và phụ nữ trẻ có được sức mạnh để làm chủ cuộc sống của họ và làm chủ cộng đồng và thế giới xung quanh họ”.
Trường học An toàn, Thân thiện và Bình đẳng là mô hình dự án giải quyết vấn đề BLTCSG trong trường học đã được Plan International Việt Nam thử nghiệm thành công tại Hà Nội từ năm 2013-2016 trên 20 trường và hiện đang được Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội duy trì và nhân rộng. Với các kết quả đạt được của mô hình thí điểm dự án tại Hà Nội, từ tháng 8/2018 đến tháng 6/2021, Tổ chức Plan International Việt Nam nhân rộng mô hình Trường học An toàn, Thân thiện và Bình đẳng đến 5 tỉnh hiện đang triển khai chương trình hợp tác của Plan bao gồm Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và. Kon Tum Mô hình trường học An toàn thân thiện và bình đẳng tập trung can thiệp nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các em trong phòng tránh và xử lý khi đối diện với bạo lực giới, dự án còn nâng cao năng lực cho Ban giám hiệu và cán bộ giáo viên trong trường để tạo một môi trường thuận lợi cho việc hình thành và duy trì thái độ bình đẳng giới trong học sinh. Dự án kêu gọi, thu hút sự tham gia, ủng hộ của phụ huynh với các hoạt động nâng cao nhận thức dành riêng cho phụ huynh; hướng tới xây dựng cộng đồng xã hội có thái độ không khoan dung với bạo lực giới trong trường học, từ đó vận động cho xây dựng và triển khai các chính sách nhân rộng mô hình trong hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh và cả nước. |
M.A