Phụ nữ Việt Nam giỏi kiếm tiền, biết chăm lo cho gia đình và kiểm soát các nguồn lực rất tốt
Trên thực tế, đã có nhiều ghi nhận tại Ấn Độ và Bangladesh rằng thúc đẩy bình đẳng giới và đặt các nguồn lực dưới sự kiểm soát của phụ nữ có thể làm tăng đáng kể phúc lợi và thúc đẩy quá trình phát triển.
Tại Việt Nam, quyền và vị thế trong suốt 20 năm qua đã được cải thiện đáng kể. Từ luật đất đai năm 2013 cho phép người vợ cùng đứng tên với chồng trong quyền sở hữu đất đến luật bình đẳng giới năm 2016.
Những tiến bộ này của Việt Nam đã được nhiều tổ chức quốc tế công nhận. Báo cáo của ngân hàng thế giới (World Bank) năm 2011 ghi nhận những cải thiện đáng kể về nghèo đói, phúc lợi, sinh kế của nữ giới Việt Nam dù vẫn còn sự khác biệt nhất định.
Báo cáo của Viện UNU WIDER khi điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình ở nông thôn Việt Nam trong khoảng 2008-2014 cho thấy những chủ hộ gia đình là nữ dù có thu nhập thấp hơn nhưng phúc lợi của các gia đình này đã được cải thiện đáng kể.
Hơn nữa, báo cáo của UNU WIDER cũng chỉ ra dù kết quả giáo dục cho cả nam và nữ tại Việt Nam đều tăng nhưng nữ giới trội hơn nam về tỷ lệ biết chữ và số năm đi học.
Thêm vào đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng dù mức thu nhập của chủ hộ là nữ thấp hơn nam nhưng mức chi tiêu lương thực bình quân đầu người lại ngang bằng với các chủ hộ nam, thậm chí cao hơn vào năm 2010. Rõ ràng, phúc lợi chung của hộ gia đình, đặc biệt là về dinh dưỡng sẽ cao hơn nếu phụ nữ được nắm quyền kiểm soát các nguồn lực.
Một đặc điểm khá thú vị nữa là dù có mức thu nhập thấp hơn nhưng các gia đình có chủ hộ là nữ có mức tiết kiệm không kém các chủ hộ nam. Điều này cho thấy phụ nữ Việt Nam kiểm soát khá tốt được nguồn lực không kém các nam giới.
Số ngày làm việc bình quân của nữ giới tại mọi nhóm tuổi cũng nhiều hơn nam giới. Dù chưa có bằng chứng nào chứng minh đây là dấu hiệu bất bình đẳng nhưng chúng cho thấy phụ nữ Việt Nam đang dần kiểm soát được các nguồn lực khi vừa lo việc nhà cũng vừa kiếm được thu nhập, qua đó nâng cao vị thế bản thân.
Cụ thể, phụ nữ Việt Nam tham gia chủ yếu trong ngành dịch vụ với 55% trong khi con số này chỉ là 34% ở nam. Trái ngược lại, nam giới nông thôn Việt Nam chủ yếu tham gia vào ngành nông nghiệp với 41%, cao hơn nhiều mức 27% của nữ giới.
Trong khi đó xét về yếu tố sức khỏe, tỷ lệ mắc bệnh của cả nam và nữ trong giai đoạn 2008-2014 tại Việt Nam đều giảm và không có bằng chứng nào cho thấy sự bất bình đẳng giới theo tiêu chí này.
Bên cạnh đó, xét theo 3 tiêu chí cho bình đẳng giới là tỷ trọng thời gian phụ nữ đi làm những công việc được trả lương trong tổng thời gian lao động, sự tham gia của phụ nữ trong việc ra các quyết định quản lý và sử dụng đất đai trong hộ gia đình, việc liệu phụ nữ có được đứng tên cùng chồng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thì nữ giới Việt Nam đang được trao quyền khá tốt. Vị thế của phụ nữ được nâng dần lên trong giai đoạn 2008-2014 khi chỉ số trao quyền năm sau cao hơn năm trước.
Ví dụ như tỷ lệ hộ cho phép phụ nữ tham gia vào các quyết định về quản lý và sử đụng đất đai của hộ tăng từ 37% lên 41% trong khoảng 2008-2014.
Rõ ràng, Việt Nam đã có những tiến bộ rõ rệt trong việc thúc đẩy bình đẳng giới cũng như đạt được một số thành tựu nhất định. Dẫu vậy, bình đẳng giới cần được Việt Nam phát huy hơn nữa bởi việc trao nguồn lực cho phụ nữ có thể đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế.
BT