Phụ nữ Afghanistan lên tiếng đòi quyền được gọi bằng tên riêng
Tại Afghanistan, nữ giới thường được biết đến như là vợ hoặc con gái của một người nào đó. Tên riêng của một người phụ nữ Afghanistan thường không được đề cập trong thiệp cưới, thậm chí là không xuất hiện trên bia mộ của họ.
Tuy nhiên, chiến dịch truyền thông trực tuyến #WhereIsMyName (tạm dịch: Tên của tôi đâu), được phát động bởi một nhóm phụ nữ trẻ Afghanistan, đang thách thức truyền thống kéo dài nhiều thế kỷ này. Chiến dịch cũng được kỳ vọng sẽ tăng cường nhận thức của nữ giới về quyền được nhận dạng.
"Tôi đã tham gia (chiến dịch) vì tôi thực sự muốn chứng kiến sự thay đổi. Tôi mệt mỏi trước thực tế là trong thế kỷ 21 mà chúng ta đang sống như giữa thời trung cổ" - cô Tahmina Arian (26 tuổi) trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, cho hay.
Phong trào này bắt nguồn từ thành phố Herat, miền Tây Afghanistan vào đầu tháng 7. Khi đó, một nhóm phụ nữ đã đăng tải các bình luận, hình ảnh trên mạng xã hội Twitter và Facebook, bắt đầu bằng cụm từ khóa #WhereIsMyName.
Chiến dịch truyền thông #WhereIsMyName đang lan rộng khắp đất nước Afghanistan
Ngay sau đó, hàng trăm người dân trên khắp đất nước đã hưởng ứng, bao gồm cả những người đàn ông đã viết lên tên của vợ mình. Nhiều nhân vật nổi tiếng trong nước cùng lên tiếng ủng hộ, trong khi các kênh tin tức địa phương liên tục tăng cường đưa tin về chiến dịch.
Tuần trước, phong trào #WhereIsMyName chính thức tổ chức sự kiện cộng đồng đầu tiên ở Thủ đô Kabul, với hàng chục phụ nữ tham gia. Một vị bộ trưởng trong chính phủ Afghanistan và nhiều học giả trong nước cũng có mặt, phát biểu tại sự kiện.
"Chúng tôi đã cùng nhau phá bỏ đi một điều cấm kỵ. Chúng tôi muốn phụ nữ hiểu rõ hơn về quyền cơ bản của họ là được gọi theo tên riêng, để họ có bản sắc riêng của chính mình" - cô Arian, người tham gia tổ chức sự kiện, nhấn mạnh.
"Không được coi là con người"
Sabira Madady, một nữ sinh 20 tuổi, từng phải lặp đi lặp lại yêu cầu giáo viên gọi cô bằng tên riêng khi ở trong lớp. Dù vậy, sau đó người thầy giáo này vẫn chỉ sử dụng tên họ của Sabira để phân biệt cô với cánh nam sinh trong lớp - cô gái trẻ kể lại.
Một người phụ nữ Afghanistan chụp ảnh tại sự kiện cộng đồng đầu tiên của chiến dịch
Trả lời phỏng vấn AFP, Sabira cho hay: "Khi ai đó gọi tôi bằng một cái tên khác, tôi cảm thấy thật tồi tệ, cứ như thể tôi chẳng phải là con người. Xã hội nhìn nhận như là tôi thuộc về người khác vậy".
Tại một số vùng nông thôn Afghanistan, nơi trình độ dân trí còn thấp, nam giới thậm chỉ chỉ gọi phụ nữ bằng một thuật ngữ chung chung duy nhất được tạm dịch là "tóc đen".
Theo các nhà hoạt động nhân quyền, vấn đề không sử dụng tên riêng của phụ nữ là bằng chứng cho thấy họ bị coi như những "công dân hạng 2", là tài sản của nam giới trong một xã hội bảo thủ.
Trong khi đó, các nhà xã hội học cho rằng đây là truyền thống bắt nguồn từ văn hóa bộ tộc Afghanistan mà theo đó một người đàn ông có thể mất đi sự tôn trọng nếu tên tuổi của vợ anh ta được nhiều người biết đến.
Giáo sư về khoa học xã hội Mohammad Amir Kamawal, thuộc Đại học Kabul, nhấn mạnh: "Không có quyển kinh Koran nào đề cập tới việc phụ nữ không được gọi theo tên riêng của họ. Những người Hồi giáo bảo thủ đã giải thích sai một số câu (trong kinh Koran)".
Những khó khăn trước mắt
Nhiều nam giới Afghanistan ủng hộ chiến dịch
Chiến dịch #WhereIsMyName của phụ nữ Afghanistan đã gây được tiếng vang lớn khi ca sĩ nổi tiếng trong nước Farhad Darya đăng tải một bức ảnh chụp vợ chồng anh trên mạng internet cùng với cả tên tuổi rõ ràng của vợ mình. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều.
Một người dùng mạng Afghanistan cho biết: "Sẽ là hay hơn khi nói "Khăn choàng hijab của tôi đâu" chứ không phải là "Tên của tôi đâu". Một người khác buộc tội chiến dịch tạo nhận thức sai lầm đối với phụ nữ Afghanistan và cố bắng biến họ thành "người phương Tây".
Thậm chí, theo Ariana, các nhà hoạt động xã hội còn bị gọi là "gái mại dâm". Cô thừa nhận có những nguy cơ tiềm tàng khi tham gia chiến dịch, nhưng vẫn khẳng định quyết tâm giúp đỡ tất cả phụ nữ Afghanistan.
Việc truyền bá thông điệp tới từng phụ nữ không phải là điều dễ dàng. Chỉ có một phần rất nhỏ nữ giới Afghanistan được quyền truy cập internet, trong khi không thể tiếp cận nhiều khu vực rộng lớn vì cuộc nổi dậy đã kéo dài 16 năm của phiến quân Hồi giáo cực đoan Taliban.
Hồng Anh