Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19
Toàn cảnh Hội nghị.
Ngày mai, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 sẽ chính thức khai mạc. Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, hôm nay, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19 với chủ đề: "Chủ động, sáng tạo, phục vụ hội nhập hiệu quả và phát triển bền vững".
Hội nghị được tổ chức nhằm điểm lại kết quả triển khai công tác đối ngoại địa phương trên tất cả lĩnh vực kể từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18 (năm 2016) đến nay cũng như thảo luận các phương hướng nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới.
Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19 ngày hôm nay có hơn 450 đại biểu đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các ban, bộ, ngành trung ương, lãnh đạo 63 tỉnh/thành phố, lãnh đạo các cơ quan ngoại vụ toàn quốc và các Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài tham dự Hội nghị. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc và chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định đây là kỳ Hội nghị thứ tư được tổ chức cùng Hội nghị Ngoại giao để các đại biểu địa phương không chỉ nắm bắt diễn biến mới của tình hình quốc tế và khu vực, mà còn là dịp để địa phương và trung ương, trong nước và ngoài nước cùng trực tiếp bàn bạc các biện pháp tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả triển khai công tác đối ngoại, trong đó có chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng.
"Điều này hết sức có ý nghĩa bởi Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh năm nay là năm bản lề giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và giai đoạn "nước rút" triển khai chủ trương hội nhập sâu rộng và các Nghị quyết của Quốc hội, của địa phương về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội nghị.
Phó Thủ tướng nhận định, kể từ Hội nghị Ngoại vụ 18 (năm 2016) đến nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Dù vậy, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước và sự thống nhất, phối hợp từ Trung ương đến tất cả các địa phương trong cả nước, công tác đối ngoại đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
"Trong thành tựu chung đó có dấu ấn quan trọng của đối ngoại địa phương và công sức to lớn của đội ngũ anh chị em làm công tác đối ngoại địa phương. Công tác đối ngoại địa phương đã được triển khai chủ động, tích cực, có trọng tâm, trọng điểm. Chúng ta đã mở rộng và khai thác hiệu quả các mối quan hệ với đối tác nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy thương mại, đầu tư, đóng góp thiết thực vào các mục tiêu phát triển của địa phương và cả nước", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, tiến trình hội nhập quốc tế ở cả cấp trung ương và địa phương vẫn còn nhiều hạn chế; có những vấn đề hết sức cấp bách, nếu không có giải pháp tháo gỡ, sẽ là những nút thắt, rào cản đối với tiến trình hội nhập quốc tế, không chỉ ngăn cản chúng ta tranh thủ lợi ích của hội nhập, mà còn làm gia tăng nguy cơ tụt hậu xa hơn. Theo đó, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo hội nghị tập trung bàn thảo các định hướng sau:
Thứ nhất, cần quyết liệt đổi mới tư duy hội nhập quốc tế, hội nhập phải đi vào chiều sâu, vừa “tư duy toàn cầu” để bắt kịp tình hình quốc tế và tốc độ hội nhập quốc tế của nước ta, các lợi ích, cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do đa phương, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hỗ trợ phát triển bền vững của địa phương…
Thứ hai, cần tập trung cao độ để thực hiện tốt công tác hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính phủ đã có Nghị quyết 38 về thực hiện hội nhập quốc tế, thông qua chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Hội nghị TW4, khóa XII và đã chỉ đạo các địa phương cần nhanh chóng cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hằng năm của mỗi địa phương.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các địa phương cần đặt hàng cụ thể cho Bộ Ngoại giao, trực tiếp cho các đồng chí Trưởng Cơ quan đại diện; đề nghị các Đại sứ tư vấn địa phương về ngành nghề, thị trường “đúng đối tác, đúng ngành”, giúp các địa phương rút ngắn thời gian và nắm thông tin chất lượng, đáng tin cậy.
Thứ ba, ngoài việc khai thác lợi thế khác biệt và tiềm năng của mỗi địa phương, phải chăng đã đến lúc các địa phương cần xem xét lại, khắc phục tình trạng mỗi địa phương “tự độc lập tác chiến” để tiến tới cùng “chung tay”, cùng liên kết, phân công và hợp tác với các địa phương khác để phát huy lợi thế của từng vùng trong hợp tác cấp độ địa phương với các đối tác/doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ tư, làm tốt công tác thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng chỉ đạo, cần tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác đối ngoại địa phương đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Các Cơ quan ngoại vụ địa phương cần nâng tầm tham gia, đóng góp về công tác nghiên cứu, tham mưu chính sách, phát huy tốt hơn nữa “vai trò đầu mối”, “trái tim hội nhập” tại địa phương trong nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực thi các cam kết hội nhập quốc tế và khu vực.
“Những yêu cầu và nhiệm vụ của hội nhập quốc tế đặt ra cho Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19 ngày càng cao, kỳ vọng đối với đóng góp của công tác ngoại vụ địa phương và các cán bộ mang sứ mệnh trong sự phát triển của địa phương, doanh nghiệp và người dân ngày càng lớn” – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ đạo.
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị
Báo cáo tổng kết công tác đối ngoại địa phương giai đoạn 2016-2018 và các phương hướng nhiệm vụ 2018-2020, Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Hoàng Long cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến phức tạp, khó lường, tác động đan xen, nhiều chiều đến môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam, Việt Nam đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, trên cơ sở sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Lãnh đạo Bộ, các đơn vị của Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động tăng cường các hoạt động hỗ trợ địa phương triển khai công tác đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực, với trọng tâm là kinh tế đối ngoại.
Cùng với đó, Bộ Ngoại giao cũng hỗ trợ các địa phương kiện toàn bộ máy làm công tác đối ngoại thông qua tập trung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác ngoại vụ, đồng thời thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại địa phương theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu của từng địa phương.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Ngoại vụ cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác đối ngoại địa phương vẫn còn tồn tại một số vướng mắc và cần phải có các biện pháp khắc phục để triển khai hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, trong bối cảnh đất nước ta đang chủ động, tích cực triển khai hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Theo đó, các đơn vị trong Bộ, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các địa phương cần nắm bắt, nghiên cứu và đề ra hướng đi mới, cách làm hiệu quả, thiết thực hơn. Toàn ngành Ngoại giao thời gian tới sẽ bám sát định hướng hành động thông qua tại Hội nghị để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, phục vụ hội nhập hiệu quả và phát triển bền vững.
Tại Hội nghị, ông Bùi Lê Thái – Chánh Văn phòng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng đã trình bày tham luận về Công tác quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại tại địa phương; ông Đôn Tuấn Phong – Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam trình bày tham luận với chủ đề “Đối ngoại nhân dân đóng góp tích cực và hiệu quả vào các hoạt động đối ngại Đảng và ngoại giao Nhà nước”.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cùng các đại biểu.
Diễn ra trong cả ngày 12/8, Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 bao gồm 3 phiên làm việc. Bên cạnh Phiên khai mạc, Hội nghị sẽ tập trung bàn thảo và triển khai Công tác đối ngoại phục vụ phát triển bền vững, Công tác chuyên môn và kiện toàn tổ chức bộ máy Cơ quan ngoại vụ địa phương và Công tác khen thưởng đối với địa phương.
Thuỳ Linh