Phim về ấu dâm của đạo diễn Lê Hoàng: Cẩu thả, hời hợt... không thể rơi nước mắt!
Sau 4 năm vắng bóng, Lê Hoàng mới quay trở lại. Lần này, vị đạo diễn tài hoa chọn đề tài ấu dâm, bấy nhiên đó là đủ để Sói trắng hút được khán giả đến rạp. Song, kéo khán giả đến rạp là một chuyện, giữ được chân họ hay không lại là chuyện khác.
Đạo diễn Lê Hoàng.
Và vì Lê Hoàng chẳng làm được chuyện đó nên một số đã ra về khi phim chưa kịp hết, số còn lại thì ngơ ngác với cách xoay chuyển tình hình của nội dung phim. Tôi còn nhớ rất rõ câu hỏi của một khán giả lớn tuổi ngồi bên cạnh khi phim đi được hai phần ba đoạn đường: "Không biết phim đang đi theo hướng nào nữa?".
Nếu bạn đã từng xem Hope, một bộ phim về đề tài ấu dâm của Hàn Quốc được sản xuất năm 2013, ắt hẳn sẽ có ít nhiều so sánh mà đáng buồn thay, phần thua thiệt lại đứng về Sói trắng.
Nhận xét từ khía cạnh người xem, Sói trắng có nhiều đoạn quá khó hiểu. Dường như đạo diễn Lê Hoàng đang muốn đánh đố khán giả bằng sự hời hợt và cẩu thả đến từ kịch bản lẫn diễn xuất.
Chỉ mới gặp nhau lần đầu tiên mà trước mắt em trai và bạn bè của mình, nhân vật chính đã muốn có một nụ hôn cùng thần tượng. Hay vị bác sĩ lật lọng từ khuyên nhủ gia đình lãng quên mọi chuyện bỗng chốc trưng ra vẻ mặt đau khổ khi nghe người thân của cậu bé bị xâm hại quyết định im lặng chứ không mang sự việc ra ánh sáng.
Và còn, còn rất nhiều những tình huống buồn cười khác mà khi xem, bạn sẽ phải ngơ ngác nhìn sang người bên cạnh vì chẳng hiểu điều gì đang diễn ra.
Cũng đừng mong Sói trắng sẽ khiến bạn rơi nước mắt. Tất nhiên không phải vì chẳng có ai khóc trong phim mà bởi cách diễn xuất chưa tới của nữ diễn viên chính khiến người xem thật sự không cảm nhận được sự đau khổ.
Thậm chí, đến một diễn viên có kinh nghiệm như Hải Triều cũng chẳng thể khiến ai sụt sùi với cảnh kể khổ của cuộc đời. Đó là chưa tính đến cách cư xử quay ngoắt, lúc này lúc kia của anh trong mỗi tình huống trong phim.
Dàn diễn viên chính của phim Sói trắng.
Nhưng bao nhiêu đó vẫn có thể châm chước, điều đáng thất vọng nhất của Sói trắng chính thức diễn ra khi bộ phim kết thúc. Làm đề tài về ấu dâm, một vấn đề nhức nhối của xã hội mà cho đến khi xem xong, khán giả vẫn không thấy được sự phản đối mạnh mẽ của cả những người trong và ngoài cuộc.
Sói trắng mang vào phim một xã hội thu nhỏ mà ở đó, ai cũng ngờ nghệch. Và vì quá ngờ nghệch nên họ chọn đồng lõa, sống chung với tội phạm thay vì tìm mọi cách để vạch trần và tìm lại công bằng cho những đứa trẻ.
Đừng nói rằng cuối cùng kẻ có tội cũng bị vạch trần. Đó là một sự ăn may mà trong xã hội này, những điều may mắn không phải lúc nào cũng tồn tại. Chẳng có tên tội phạm nào lại năm lần bảy lượt mời người khác vào nhà một cách hiên ngang khi đống bằng chứng phạm tội của y được giăng khắp nơi trong phòng như thế.
Những tình tiết vô lý đã tố cáo sự thiếu quyết liệt từ nhà sản xuất ngay từ khâu lên kịch bản. Và theo đó, khán giả hụt hẫng cũng là thường.
Tất nhiên, bài viết này chẳng có ý định cổ xúy bạn quay lưng với một bộ phim Việt. Hãy mua vé và và xem Sói trắng để có cho mình những bình luận khách quan nhất và để những người trong cuộc nhận ra rằng, làm phim, nhất là phim mang tính cộng đồng nhất định không được cẩu thả.
*Bài viết thể hiện góc nhìn cá nhân
Bông Hoa