Phiên đáo hạn phái sinh, niềm tin vào thị trường có thời điểm bị lung lay
Định vị thị trường
Bối cảnh từ chứng khoán thế giới cũng như khu vực đều chưa xuất hiện những yếu tố bất lợi. Sau phiên giao dịch thị trường Mỹ lập kỷ lục mới, các chỉ số tại châu Á chủ yếu giao dịch trong biên độ hẹp với TWSE (+0,19%), SET (+0,65%), STI (+0,98%) tăng điểm còn NIKKEI 225 (-0,69%), KOSPI (-0,9%) giảm điểm không đáng kể.
Thị trường Việt Nam trong khi đó bị chi phối bởi những vận động của phiên đáo hạn phái sinh tháng 10/2024. Đã có những thời điểm, tâm lý nhà đầu tư ít nhiều bị lung lay khi VN-Index giảm về gần 1.270 điểm. Dù vậy, tới cuối phiên, nhóm cổ phiếu Ngân hàng đã kịp thời đưa sắc xanh trở lại với chỉ số.
Chất xúc tác
Trước phiên đáo hạn phái sinh, nhà đầu tư đã chuyển bớt sang kỳ hạn tháng 11/2024 khiến cho khối lượng mở (OI) của HĐTL VN30F2410 xuống còn hơn 26.000 đơn vị. Tuy nhiên, vận động của VN30F2410 cũng như rổ VN30 vẫn là tâm điểm.
Cả 2 đều cùng nhau "đánh võng" trong phiên giao dịch tạo ra những cảm xúc trái chiều. Tuy nhiên, chốt phiên, chênh lệch giữa HĐTL và VN30 là -4,59 điểm cho thấy nhà đầu tư trên thị trường phái sinh thực tế cũng không thể theo kịp vận động của VN30 khi chỉ số này đóng cửa cao nhất phiên.
Với thị trường cơ sở, quy mô đã có sự cải thiện nhanh chóng trong khoảng thời gian cuối phiên. Khớp lệnh của toàn HOSE đã tăng 28% so với phiên hôm qua, đạt 617 triệu đơn vị.
Khối ngoại đang có chuỗi bán ròng 5 phiên liên tiếp. |
Nhóm nhà đầu tư nước ngoài dù vẫn bán ròng nhưng không phải là tác nhân giúp gia tăng thanh khoản của thị trường. Tỷ trọng giao dịch của khối này trong giao dịch 2 chiều vẫn chỉ chiếm dưới 10%.
Theo thống kê, khối ngoại bán ròng gần 400 tỷ đồng với các mã FUESSVFL (-125 tỷ đồng), HDB (-122 tỷ đồng), DBC (-71,34 tỷ đồng) bị rút tiền mạnh nhất. Chiều ngược lại, STB (+176 tỷ đồng), NTL (+85 tỷ đồng) lại thu hút được sự quan tâm.
Vận động thị trường
Vận động thực tế của chỉ số VN-Index trong quãng đầu phiên giao dịch khá tương đồng các phiên trước khi chỉ số đã có lúc xanh nhẹ. Từ cuối phiên sáng, chỉ số mới đổi màu và đã có lúc bị nhúng về gần 1.270 điểm trong phiên chiều.
Đây là trạng thái gây ra khá nhiều căng thẳng với nhà đầu tư khi chỉ số đã đánh mất xu hướng tăng ngắn hạn trong ngày hôm qua. Nếu tình trạng này không được khắc phục nhanh chóng, niềm tin hoàn toàn có thể bị đánh mất.
Chỉ từ sau 14h, nhóm Bluechips mới có sự khẩn trương hỗ trợ điểm số với Ngân hàng làm tâm điểm. Các mã STB (+3%), TPB (+2,3%), ACB (+1,6%), MBB (+1,6%), BID (+0,9%), CTG (+0,7%) đã xuất hiện đúng lúc và cùng nhau đóng cửa ở mức cao nhất phiên.
Từ đó, nhiều mã lớn khác như PLX (+1%), SSI (+1,3%), MSN (+0,7%), HPG (+0,6%) cũng có điểm tựa để đảo chiều tăng giá. Tổng cộng rổ VN30 có 23/30 mã tăng giá khi đóng cửa.
Nhiều nhóm ngành cũng có chuyển biến tốt như Bất động sản, Chứng khoán, Hóa chất. Trong đó, nhóm Bất động sản thậm chí còn đi trước cả thị trường khi có nhiều mã hồi phục mạnh trước khi xuất hiện nhịp giải cứu từ Ngân hàng. Các mã DXG (+7%), PDR (+6,9%), NHA (+6,82%) đã tăng trần trong khi DIG (+5,3%), SCR (+4,7%), HDC (+4,3%), NTL (+3%) đều tăng trên 2%.
Nhóm Chứng khoán trong khi đó lại bám sát theo vận động của chỉ số hơn và đóng cửa với hàng loạt các mã tăng trên 1% như VCI (+2,7%), VND (+1,7%), BSI (+1,2%), HCM (+1%) và MBS (+1,4%) trên HNX.
Tổng cộng, sắc xanh đã phủ hơn 50% số mã khi đóng cửa. VN-Index cũng đã kịp thời lấy lại xu hướng tăng ngắn hạn sau khi tăng 7,04 điểm lên 1.286,52 điểm (+0,55%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 15.695 tỷ đồng, tương đương 685,24 triệu đơn vị.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index có sự đảo chiều khẩn trương theo sau VN-Index, lần lượt tăng 0,81% và 0,41%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.900 tỷ đồng trong đó MSR xuất hiện giao dịch thỏa thuận trên UPCoM lên tới gần 1.500 tỷ đồng.