Phát triển tiềm năng du lịch tàu biển tại Cảng Chân Mây
Du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn
Trao đổi với PV báo Thời Đại, ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây chia sẻ: Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam mà các nước đang phát triển trên thế giới, du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương (trong đó có Thừa Thiên-Huế-PV) đã mang lại một nguồn thu nhập lớn cho quốc gia. Với những ưu thế đó, du lịch bằng tàu biển là loại hình du lịch đang có xu thế phát triển mạnh vào những năm gần đây và có giá trị doanh thu cao hơn 30 đến 40% so với loại hình du lịch đường hàng không và đường bộ.
Con đường “tơ lụa” vào cảng biển nước sâu Chân Mây Huế.
Qua đó, nhiều năm trở lại đây, du lịch tàu biển có xu thế chuyển dịch mạnh sang khu vực Châu Á, các hãng tàu lớn trên thế giới thường đưa khách đi theo tuyến Châu Âu - Châu Mỹ - Địa Trung Hải đã bắt đầu khai thác tuyến du lịch sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), chiến lược phát triển du lịch tàu biển đến năm 2020 của thế giới sẽ có xu thế phát triển mạnh đến vùng Đông Á, trong đó có Việt Nam.
Nhiều Công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh sẵn sàng chờ đón du khách quốc tế tham quan những điểm khu di sản Huế và Đà Nẵng-Hội An.
Trước những tiềm năng lợi thế với bờ biển có chiều dài hơn 3.200km cùng hàng nghìn đảo nhỏ, kết hợp với hệ sinh thái đa dạng cùng nhiều di sản vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú; đồng thời tuyến đường giao thông hàng hải thuận lợi… Việt Nam đang trở thành thị trường khai thác tiềm năng của nhiều hãng du lịch tàu biển trên thế giới để dừng chân tham quan trải nghiệm. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ khác của nhà nước như giảm lệ phí visa cho du khách nhập cảnh Việt Nam bằng tàu biển, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, quy định biểu giá hành khách qua cảng…, đã mở ra một cơ hội mới về phát triển dịch vụ du lịch tàu biển tại Việt Nam nói chung và Cảng Chân Mây Huế nói riêng là nơi hội đủ điều kiện, tiềm năng để phát triển trở thành cảng công nghiệp du lịch tàu biển xứng tầm ở khu vực miền Trung và của cả nước.
Nhiều con tàu “khổng lồ” 5 sao lần lượt cập Cảng Chân Mây đã khẳng định vị thế một trong những cảng biển xứng tầm ở khu vực và của cả nước.
Khẳng định vị thế cảng biển du lịch!
Những lợi thế về đón tàu biển tại Cảng Chân Mây đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rất khả quan trong thời gian qua. Theo đó, với vị trí hàng hải thuận lợi kết nối với Singapore, Philippines và Hong Kong. Đáng chú ý, Cảng Chân Mây nằm ở vị trí trung tâm, trên dải đất miền Trung của Việt Nam, giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung (Huế - Đà Nẵng), các trung tâm di sản thế giới như Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Quần thể di tích Cố đô Huế (hay còn gọi khu di sản Huế-PV) và khu du lịch trọng điểm quốc gia (Cảnh Dương - Lăng Cô - Hải Vân và Vườn quốc gia Bạch Mã). Đồng thời, đây là cửa ngõ hướng ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất đối với các vùng miền khu vực Hành lang kinh tế Đông-Tây. Hơn nữa, cảng biển Chân Mây có điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi, có độ sâu -12.5m không bị bồi lấp và đảm bảo cho nhiều tàu du lịch cở lớn cập cảng an toàn.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính như một thành phố thu nhỏ trên con tàu đã cập bến cảng biển Chân Mây.
“Trước những lợi thế đó, ngay từ khi đi vào hoạt động Cảng Chân Mây đã được Tập đoàn Star Cruises chọn lựa để đưa du thuyền 5 sao Super Star Leo (đăng ký quốc tịch Panama-PV) từ Singapore với 1.300 du khách và 1.300 sĩ quan, thuyền viên cập Cảng Chân Mây ngày 24/3/2004 và sau này rất nhiều hãng tàu biển “khổng lồ” khác như Skysea Cruise Line; Princess Cruises; Oceania Cruises; Costa Crociere; Crystal Cruises; Norwegian Cruise Line; Hapag Lloyd và Cruise & Maritime Voyages…, đã chọn cảng biển Chân Mây là điểm đến hấp dẫn để đưa hàng trăm nghìn lượt khách quốc tế đến với Cố đố Huế và con số này đang tăng đều theo hàng năm”, ông Huỳnh Văn Toàn khẳng đinh.
Phi Hoàng