Phát huy vai trò của báo chí giải pháp trong phát triển bền vững
Hội thảo là một phần trong sáng kiến thường niên Sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững năm 2023-2024 do Goethe-Institut Hà Nội tổ chức, phối hợp với 3 tổ chức xã hội dân sự (CSO): GreenViet, GreenHub và Think Playgrounds. Kết thúc hội thảo, 3 nhà báo sẽ được trao một chuyến đi thực tế đến một tổ chức xã hội dân sự mà họ lựa chọn để thực hành báo chí giải pháp trong phát triển bền vững.
Phát biểu tại hội thảo, ông Oliver Brandt, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội cho biết, các vấn phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, quản lý chất thải và phát triển đô thị đang là vấn đề nhức nhối với Việt Nam và Đức. Sự hiểu biết của công chúng về phát triển bền vững thường hạn chế, chưa có kết nối về thực tiễn về cuộc sống hằng ngày. Ông Oliver Brandt hy vọng qua hội thảo, các nhà báo có thể làm cho công chúng quan tâm tìm hiểu cũng như giải pháp về phát triển bền vững.
"Chúng tôi tin rằng, những bài báo, thước phim tài liệu có thể cho chúng ta động lực tìm ra những giải pháp mới từ những câu chuyện cụ thể để tạo ra những hứng thú cho công chúng để tạo ra những giải pháp bền vững", Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội chia sẻ.
Ông Oliver Brandt, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội phát biểu tại hội thảo. |
Với nhiều năm kinh nghiệm đưa tin các dự án dài hạn về các vấn đề bền vững tại Việt Nam, các nhà báo Đinh Đức Hoàng và Nhung Nguyễn chia sẻ kinh nghiệm của họ về báo chí giải pháp - một sự thay đổi toàn cầu trong báo chí tập trung vào cách mọi người đang cố gắng giải quyết vấn đề và những gì chúng ta có thể học hỏi từ những thành công và thất bại của họ.
Theo diễn giả Nhung Nguyễn, báo chí giải pháp là cách đưa tin về các nỗ lực đang được thực hiện để giải quyết các vấn đề xã hội. Trong báo chí giải pháp, các nhà báo đưa tin về các vấn đề và giải pháp đang diễn ra một cách chặt chẽ, dựa vào bằng chứng, mà không ca tụng chúng.
Báo chí giải pháp có thể được nhìn nhận là những bài điều tra về giải pháp, được thực hiện với tiêu chuẩn báo chí cao nhất: chúng ta thực hiện đầy đủ các thao tác, nguyên tắc khi như khi làm báo chí vấn đề, với các câu chuyện, nhân vật, bằng chứng, dự liệu, nhận định chuyên gia và phản biện đa chiều…
“Nếu báo chí tập trung về vấn đề thường xoay quanh các câu hỏi như ai, cái gì, vì sao, khi nào, ở đâu, bằng cách nào, báo chí giải pháp đặt thêm một câu hỏi khác: What's next - rồi sao? Chuyện gì xảy ra tiếp theo sau những vấn đề đó?”, Nhung Nguyễn cho biết.
Các diễn giả chia sẻ tại chương trình. |
Đạo diễn phim tài liệu Nguyễn Tài Văn đưa ra góc nhìn về các câu chuyện về việc đưa tin tận tâm, đưa cho khán giả một cái nhìn công tâm và tổng quan nhất về các giải pháp phát triển bền vững trong xã hội.
Hội thảo mong muốn tạo ra cầu nối giữa các thực hành tài liệu hóa khác nhau, bao gồm phim tài liệu và báo chí, đồng thời mở rộng các thảo luận chuyên môn trong ngành truyền thông, giúp công chúng hình dung ra một thế giới công bằng và bền vững hơn.