Pháo tự hành ZSU-57-2 Việt Nam có thể "tái ngũ" dưới vai trò xe yểm trợ hỏa lực?
ZSU-57-2 là hệ thống pháo phòng không tự hành do Liên Xô thiết kế từ năm 1947, công việc nghiên cứu hoàn thành trong năm 1954 và vũ khí này được chế tạo hàng loạt trong giai đoạn 1957 - 1960 với tổng số hơn 2.000 tổ hợp đã xuất xưởng.
Cấu hình cơ bản của ZSU-57-2 gồm có 2 khẩu pháo cao xạ S-60 cỡ 57 mm có chiều dài nòng gấp 76 lần đường kính (L/76) với cơ số 300 viên đạn đặt trong tháp pháo kín kích thước khá lớn.
Khung gầm của tổ hợp vũ khí này chính là phiên bản giản lược từ xe tăng chiến đấu chủ lực T-54 với giáp mỏng hơn (chỉ từ 8 - 15 mm) dẫn tới trọng lượng nhẹ, chỉ cần 4 hàng bánh chịu nặng.
Pháo S-60 có tốc độ bắn tối đa 120 phát/phút/nòng, tầm bắn hiệu quả 6.000 m, nhưng do thiếu radar điều khiển hỏa lực và độ chính xác khi tác xạ lúc di chuyển rất hạn chế mà nó bị nhận xét là một vũ khí không thành công.
Quân đội nhân dân Việt Nam được Liên Xô viện trợ một lượng nhỏ ZSU-57-2 vào giai đoạn giữa của cuộc Kháng chiến chống Mỹ nhưng nó đã sớm bị thay thế bởi loại ZSU-23-4 Shilka ưu việt hơn. Hiện nay pháo phòng không tự hành ZSU-57-2 của Việt Nam chỉ được nhìn thấy trong bảo tàng, số còn lại được cho là đang trong tình trạng niêm cất bảo quản.
Pháo phòng không ZSU-57-2 của Việt Nam được trưng bày trong bảo tàng
Mặc dù không phải là một vũ khí phòng không hiệu quả nhưng liệu ZSU-57-2 có thể được "gọi tái ngũ" dưới một vai trò mới là xe yểm trợ hỏa lực cho bộ binh?
Nhịp bắn và độ chính xác của ZSU-57-2 khó mà đánh bại được các loại trực thăng vũ trang hay máy bay chiến đấu phản lực ngày nay, tuy nhiên sức mạnh của nó vẫn là rất đáng kể.
Đặc biệt hơn, tháp pháo của ZSU-57-2 nhẹ nên cho tốc độ xoay khá nhanh, góc ngẩng lớn thích hợp cho việc bắn phá các mục tiêu trên cao mà pháo xe tăng khó hoặc không với tới được.
Cơ số đạn lớn của ZSU-57-2 giúp cho nó tạo ra mật độ hỏa lực áp đảo, bảo vệ an toàn cho đội hình thiết giáp trong tác chiến đô thị trước bộ binh ẩn nấp ở trên cao. Ngoài ra nó cũng tỏ ra là một vũ khí lợi hại khi hạ nòng bắn trực xạ chế áp lô cốt, hỏa điểm
Đây cũng chính là phương thức sơ khai khi Quân đội Nga tiến vào thủ phủ Grozny của nước Cộng hòa Chechnya khi xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT chưa ra đời. Những khẩu pháo phòng không tự hành đã đóng vai trò rất tốt trong việc dập tắt cụm cứ điểm của phiến quân.
Xe chiến đấu bộ binh BMP-3 lắp tháp pháo AU-220M gắn pháo tự động 57 mm
Hiện tại Quân đội Nga đang thực hiện chủ trương hạ cỡ nòng pháo trên xe tăng PT-76 hay xe chiến đấu bộ binh BMP-3 từ 76,2 mm và 100 mm xuống còn 57 mm cũng vì mục đích trên, cho thấy ý tưởng tận dụng pháo S-60 của ZSU-57-2 là không hề lạc hậu.
Nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam thời gian qua đã thu về nhiều thành tựu trong các đề án cải tiến vũ khí trang bị cũ, nếu tích hợp được cơ cấu nạp đạn dạng dây băng cho pháo S-60 đi kèm với gắn kết thêm thiết bị ngắm bắn quang học thì vũ khí trên vẫn tỏ ra cực kỳ đáng sợ.
Lớp giáp mỏng của nó không phải điểm yếu lớn, vì trong đội hình tiến quân thì phương tiện trên vẫn đi sau xe tăng chiến đấu chủ lực. Nếu phục hồi được một lượng pháo phòng không tự hành ZSU-57-2 còn niêm cất trong kho thì rõ ràng đây sẽ là sự bổ sung đáng giá cho Lục quân Việt Nam.
Pháo phòng không tự hành ZSU-57-2 hạ nòng bắn mục tiêu mặt đất
Hải Dương