Phân tích tác động của hiện tượng El Niño đối với thương mại và nông nghiệp ASEAN
Thế giới lên phương án ứng phó với El Nino Các nhà khoa học thuộc Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết hình thái khí hậu El Nino đã chính thức quay lại và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống của người dân nhiều quốc gia trên thế giới. Chính phủ của một số quốc gia “dễ bị tổn thương” đang khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động cho mình. |
Kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại 3.000 tỷ USD do ảnh hưởng của El Nino Hiện tượng El Nino cùng với tác động của biến đổi khi hậu khiến nhiệt độ toàn cầu tăng bất thường và xu hướng này còn tiếp diễn… El Nino năm nay có thể gây thiệt hại lên tới 3.000 tỷ USD đối với kinh tế thế giới. |
Mới đây, ngân hàng HSBC Việt Nam công bố báo cáo phân tích về tác động của hiện tượng El Niño lên tình hình kinh tế toàn cầu trong năm 2023 và 2024.
Theo HSBC, các đợt nắng nóng diễn ra trên khắp ASEAN báo hiệu sự quay trở lại của El Niño sau 3 năm. Đây là một hiện tượng khí hậu gây ra hạn hán và thiếu hụt mưa. Trước đó, hiện tượng El Niño nghiêm trọng vào năm 2015-2016 đã tàn phá nền kinh tế, nhưng từ đó các nhà hoạch định chính sách đã rút kinh nghiệm và đưa ra những cảnh báo sớm cho lần này.
Cho đến nay, ASEAN chỉ mới chứng kiến hiện tượng El Niño mức độ nhẹ, nhưng các nhà chức trách trên toàn khu vực dự đoán hiện tượng sẽ mạnh lên vào nửa cuối năm 2023 và kéo dài xuyên suốt năm 2024.
Những ngành nghề nào dễ bị tổn thương?
El Niño tạo ra mối đe dọa trực tiếp với ngành nông nghiệp của ASEAN. Mặc dù chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong GDP và thương mại, nhưng tác động có thể xảy ra đối với lĩnh vực này là không thể phớt lờ, vì đây là lĩnh vực cung cấp nhiều việc làm và là nguồn thu nhập chính của hộ gia đình.
Ba sản phẩm chính của ASEAN dễ bị tổn thương nhất do El Niño là gạo (Thái Lan và Việt Nam), dầu cọ (Malaysia và Indonesia) và cà phê (Việt Nam và Indonesia). Tuy nhiên, tác động của El Niño không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tình trạng thiếu nước và năng lượng đã bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất chất bán dẫn ở Malaysia và Việt Nam, khiến các nhà chức trách phải dùng đến các biện pháp như công nghệ làm mưa nhân tạo để tăng lượng mưa cũng như cắt giảm phần nào điện năng tại các nhà máy.
Rủi ro lạm phát có thể kiểm soát
Trước đây, ASEAN thường trải qua lạm phát cao trong suốt các đợt El Niño. May thay, điều này đã thay đổi trong những năm gần đây, phần lớn nhờ vào việc quản lý lạm phát lương thực tốt hơn. Những cải thiện này bao gồm việc tăng cường phối hợp mạng lưới thực phẩm địa phương, cơ sở hạ tầng tốt hơn và các phương án thay thế để dự trữ nguồn cung thực phẩm, chẳng hạn như đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu.
Mặc dù El Niño mang đến những rủi ro đáng kể làm gia tăng lạm phát ASEAN, nhưng điều này không có nghĩa là sẽ chắc chắn làm chệch hướng những nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách nhằm đưa lạm phát xuống vùng an toàn. Theo quan điểm của HSBC, cần phải theo dõi mức độ nghiêm trọng của El Niño - nhưng, với những cải cách nhất quán và các biện pháp can thiệp kịp thời, lạm phát dường như không phải là mối lo ngại sắp xảy ra trong thời gian này.
Biểu đồ 1. Chỉ số Niño đại dương (ONI) cho thấy sự gia tăng cường độ dao động của nhiệt độ đại dương so với đợt El Niño có cường độ mạnh nhất gần đây vào năm 2015
El Niño và ENSO là gì?
Các điều kiện El Niño xảy ra khi nước ấm di chuyển từ phía tây (khu vực Indonesia) sang phía đông (khu vực Peru) của vùng Thái Bình Dương tại Xích đạo, đồng thời kèm theo thay đổi hướng gió mậu dịch. Đây là một hiện tượng tự nhiên xảy ra bất thường mỗi 2 đến 7 năm và có thể kéo dài từ 9 tháng đến vài năm.
Biến đổi khí hậu hay khí thải nhà kính (GHG) không gây ra El Niño; tuy nhiên, biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm một số tác động của El Niño khi nhiệt lượng tỏa ra nhiều hơn thông qua sự nóng lên toàn cầu. Ngược lại với El Niño là La Niña (làm mát). Cả El Niño và La Niña là một phần của El Niño - Dao động Nam (ENSO), một chu kỳ khí hậu toàn cầu quan trọng.
Sau ba năm bị ảnh hưởng bởi La Niña, El Niño đang quay trở lại khu vực ASEAN. Vào ngày 8/6/2023, Cơ quan Quản Lý Khí Quyển và Đại Dương Quốc Gia Hoa Kỳ (NOAA) đã tuyên bố về sự xuất hiện của tình trạng El Niño trong tháng 5. NOAA dự kiến tình trạng này sẽ gia tăng vào mùa đông 2023-24 ở Bắc bán cầu (tháng 12/2023 đến tháng 2/2024).
Ngoài ra, 84% khả năng tình trạng El Niño lần này sẽ vượt quá mức trung bình tại thời điểm đạt đỉnh và 56% khả năng tình trạng El Niño sẽ diễn ra với cường độ mạnh.
Đợt El Niño gần nhất diễn ra vào năm 2019 và giữ ở mức trung bình sau khi đạt đỉnh vào năm 2015. Lần này, từ bán đảo Đông Dương đến quần đảo Malay, El Niño đã đổ bộ vào khu vực ASEAN. Các quan chức trên toàn khu vực đã đưa ra cảnh báo về sự khởi đầu của một đợt El Niño yếu, nhiều nguồn tin cho rằng hiện tượng này sẽ mạnh lên vào nửa cuối năm 2023 và thậm chí kéo dài đến năm 2024 (Biểu đồ 2).
Thương mại: lĩnh vực dễ tổn thương
Lĩnh vực nông nghiệp của ASEAN chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ El Niño. Khi nhiều quốc gia đã tiến lên trong chuỗi giá trị, quy mô tuyệt đối của ngành nông nghiệp trở nên nhỏ bé, chiếm khoảng 10% GDP ở mỗi quốc gia. Tuy nhiên, theo quan điểm của HSBC, không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của nông nghiệp.
Không chỉ vì ASEAN là khu vực sản xuất chính các loại nông sản khác nhau, mà tỷ lệ việc làm tập trung trong lĩnh vực này vẫn còn khá lớn. Điều này thể hiện rõ nhất ở Thái Lan, nơi thu nhập từ nông nghiệp là nguồn tiêu dùng nội địa quan trọng (Biểu đồ 3). HSBC cho rằng ba sản phẩm chính dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của El Niño là:
Gạo. Không cần phải khẳng định lại tầm quan trọng của gạo, vì đây là loại lương thực chính trong khu vực. Trong lịch sử, các đợt El Niño thường gây ra sụt giảm sản lượng gạo cùng với các chính sách thương mại tương đối hạn chế làm trầm trọng thêm tình trạng này. Trong những năm qua, các nhà hoạch định chính sách ASEAN đã nỗ lực tăng cường an ninh lương thực, tập trung vào việc tăng năng suất lúa gạo.
Tuy nhiên, phần lớn khu vực này vẫn có mức độ phụ thuộc cao vào nhập khẩu ngũ cốc. Hai trường hợp ngoại lệ trong ASEAN là Thái Lan và Việt Nam, hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba, cả hai quốc gia này cộng lại chiếm gần 30% thị phần của thế giới, sau Ấn Độ với 40%.
Đợt El Niño năm 2015-2016 đã khiến sản lượng tại hai thị trường này giảm hơn 10%, nhắc các nhà hoạch định chính sách nhớ về tính nghiêm trọng của tình hình. Tại Thái Lan, nông dân được khuyên chỉ nên trồng một vụ lúa để thích ứng với lượng mưa thấp và tình trạng thiếu hụt nước.
Hậu quả là xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam dự kiến sẽ giảm lần lượt là 12% và 7%, theo ước tính của USDA. Điều này sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các nước khác trong khu vực, vì hầu hết các quốc gia ASEAN phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu gạo từ hai nước này. Tuy nhiên, khả năng phục hồi dự kiến của Ấn Độ có thể bù đắp phần nào hạn chế này.
Dầu cọ. Khi nói về các mặt hàng, ASEAN nổi tiếng với sự thống trị thị trường dầu cọ toàn cầu. Tổng sản lượng của Indonesia và Malaysia chiếm 85% lượng dầu cọ của thế giới (tiếp theo là Thái Lan với 4% thị phần), và dầu cọ cũng chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu ở mỗi quốc gia.
Trong khi El Niño vừa mới bắt đầu, chính quyền ở cả hai quốc gia đã cảnh báo về khả năng gián đoạn thu hoạch dầu cọ. Indonesia đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp ở bảy tỉnh, chủ yếu là các khu vực sản xuất dầu cọ.
Cà phê. Không giống như hai loại hàng hóa trên, cà phê là một mặt hàng “thứ yếu”, nhưng tác động sẽ lan rộng đối với người tiêu dùng toàn cầu, nhất là những người xem cà phê là một nhu cầu thiết yếu hàng ngày.
Mặc dù chiếm tỷ lệ không đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu (dưới 1%) – tương tự như dầu cọ – Việt Nam và Indonesia cung cấp 25% lượng cà phê của thế giới, chủ yếu là hạt Robusta, được biết đến với vị đắng và độ axit cao hơn.
Trước đó, sản lượng cà phê ở cả hai nền kinh tế này đã giảm 10% trong năm 2015-16, gợi ra câu hỏi về tác động của El Niño lần này. Đặc biệt, USDA dự báo sản lượng cà phê Robusta tại Indonesia niên vụ 2023/24 sẽ giảm 20% do mùa khô đến sớm, ảnh hưởng đến hơn 60% diện tích cà phê. Những người đam mê các loại cà phê Nanyang truyền thống ở ASEAN, hay được gọi là Kopi, được làm từ hạt Robusta, nên chú ý đến điều này.
Nhưng El Niño có tác động vượt ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Một tác động phụ khác là sự gián đoạn sản xuất công nghiệp do thiếu năng lượng. Lấy Việt Nam và Malaysia làm ví dụ, vì rủi ro từ El Niño xuất hiện ở cả hai đất nước này.
Vào đầu tháng 6, các tỉnh phía bắc của Việt Nam, nơi đặt cơ sở sản xuất của nhiều “gã khổng lồ” điện tử bao gồm Samsung và Foxconn, đã phải đối mặt với tình trạng thiếu điện. Mất điện là do thiếu hụt thủy điện, nguồn cung cấp điện chính ở miền bắc, vì nắng nóng và hạn hán do El Niño gây ra đã khiến nước trong các hồ chứa cạn kiệt, thậm chí mực nước ở các đập lớn ở miền bắc cũng giảm đến mực nước chết.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thời gian gần đây do mưa vừa, mực nước tại tất cả các hồ chứa trên cả nước đều vượt ngưỡng phát điện an toàn. Sau khi một số nhà sản xuất thiết bị điện tử cắt giảm sản xuất, tình trạng mất điện gần đây đã bắt đầu giảm bớt, cho phép các nhà máy kéo dài thời gian hoạt động.
Tuy nhiên, rủi ro năng lượng do El Niño gây ra cần được theo dõi chặt chẽ hơn, vì nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sản xuất khó khăn của Việt Nam, đặc biệt là vào thời điểm nước này đang phải đối mặt với thách thức khi số lượng đơn hàng xuất khẩu sụt giảm.
Việt Nam đang trở thành một đại diện quan trọng trong ngành nông nghiệp toàn cầu Theo HSBC, để ngành nông nghiệp tiếp tục tỏa sáng, phát triển và đóng góp vào sự phát triển bền vững cũng như mục tiêu cân bằng phát thải của Việt Nam, Chính phủ đóng một vai trò hết sức quan trọng. |
Hơn 3 tỷ người đang sinh sống ở các khu vực nông nghiệp bị thiếu nước Từ ngày 1 - 7/7, tại trụ sở của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) diễn ra Phiên họp lần thứ 43 của Hội nghị cấp Bộ trưởng của FAO, với chương trình bầu Tổng Giám đốc FAO nhiệm kỳ 2023 - 2027 và các hội nghị bàn tròn cấp cao xoay quanh chủ đề quản lý tổng hợp tài nguyên nước. |