PGBank ra sao hậu thay chủ mới?
Ngày 26/8 tới, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển - PGBank sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 nhằm thông qua một số nội dung quan trọng bao gồm chuyển trụ sở ngân hàng và bầu bổ sung hai thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025 để thay thế cho ông Nguyễn Thành Lâm và bà Đinh Thị Huyền Thanh vừa được miễn nhiệm tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4/2024 vừa qua.
Từ sau khi cổ đông sáng lập là Tập đoàn Petrolimex tiến hành thoái vốn và chuyển giao cho nhóm cổ đông mới liên quan đến TC Group vào tháng 4 năm 2023, PGBank đã có một màn “lột xác” với hàng loạt sự thay đổi lớn từ việc thay đổi trụ sở chính đến thay đổi tên thương mại cùng nhận diện thương hiệu mới.
Trong đó, dấu ấn đậm nét nhất của nhà băng trong thời gian qua phải kể đến sự thay đổi hàng loạt trong cơ cấu nhân sự thượng tầng.
Theo đó, chỉ trong vòng hơn một năm qua, ghế Chủ tịch ngân hàng này đã có tới 4 lần đổi chủ, từ ông Nguyễn Quang Định, qua ông Oliver Schwatzhaupt đến ông Nguyễn Phi Hùng và hiện tại là ông Phạm Mạnh Thắng, cựu Phó Tổng giám đốc Vietcombank. Ông Đào Phong Trúc Đại – một trong những nhân sự quan trọng của TC Group được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng.
Với Ban điều hành, sau biến động liên tục, hiện ghế Tổng giám đốc của PGBank vẫn đang được để trống, người đứng đầu Ban điều hành của PGBank là ông Trần Văn Luân - Phó Tổng giám đốc điều hành, người đã có hơn 16 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và đã gắn bó với PGBank từ năm 2007 đến nay.
Như vậy, tới thời điểm hiện tại, cơ cấu trong Hội đồng Quản trị cũng như Ban điều hành của PGBank đã gần như được thay mới hoàn toàn khi các lãnh đạo từng là làm việc tại ngân hàng MSB lần lượt ra đi và thay vào đó là các nhân sự có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các ngân hàng như Vietcombank, Eximbank, MB,…
PGBank đang kinh doanh ra sao?
Quay trở lại đầu năm 2023, sau nhiều năm trì hoãn, cổ đông lớn nhất của PGBank khi đó là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex chính thức quyết định thoái 40% vốn nắm giữ thông qua phương thức đấu giá công khai.
Đây là tín hiệu đáng mừng cho cả hai bên khi trong nhiều năm qua, doanh nghiệp này đã phải chịu áp lực lớn khi phải thoái phần vốn góp tại ngân hàng do vượt quá tỷ lệ theo quy định, cũng như các mốc lộ trình thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại các NHTM đã trôi qua và kéo dài.
Trong khi đó, về phía PGBank, kế hoạch thoái vốn bị trì hoãn tới gần chục năm đã khiến kết quả kinh doanh của ngân hàng liên tục trồi sụt khi chưa thể tìm được hướng đi rõ ràng.
Tuy nhiên, với việc tìm được đối tác mới là một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam, PGBank được kỳ vọng sẽ có sự bứt phá lớn.
Thế nhưng, trải qua một năm 2023 đầy biến động, ngân hàng đã không đạt được kết quả kinh doanh như kỳ vọng khi chỉ hoàn thành được hơn 62% kế hoạch lợi nhuận. Theo ban lãnh đạo PGBank, một trong những nguyên nhân là do ngân hàng thay đổi cơ cấu cổ đông, định hướng hoạt động nên cần thời gian rà soát, sắp xếp lại các hoạt động cho phù hợp chiến lược mới.
Sang năm 2024, PGBank tỏ ra khá tự tin khi đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng tới 58% so với kết quả đạt được trong năm trước, lên 554 tỷ đồng. Dù vậy, sau 6 tháng đầu năm, ngân hàng mới đạt 211 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương mới chỉ hoàn thành được 38% kế hoạch lợi nhuận của cả năm khi phần lớn lợi nhuận làm ra phải dành để trích lập dự phòng trong bối cảnh nợ xấu tăng cao.
Thuyết minh BCTC quý II cho thấy, chất lượng cho vay của PGBank có chiều hướng đi xuống nhanh khi tổng nợ xấu nợ bảng đã tăng tới 28,5% chỉ sau 6 tháng đầu năm, lên 1.295 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng của ngân hàng đã lên tới 3,53%, nằm trong top những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hiện ở mức khá mỏng, chỉ 31%.
Cũng cần lưu ý, đây mới chỉ là con số nợ xấu nội bảng, hiện PGBank vẫn đang còn gần 985 tỷ đồng nợ xấu dưới dạng trái phiếu đặc biệt đang nằm tại VAMC.
Về phía nhà đầu tư mới, không khó để thấy quan hệ hợp tác giữa PGBank và TC Group liên tục được thúc đẩy lên tầm cao mới trong hơn một năm vừa qua.
BCTC hợp nhất quý II/2024 của PGBank cho thấy, ngân hàng đang tăng cường rót vốn vào các lĩnh vực tài chính, bất động sản, cũng là các lĩnh vực thế mạnh trong hệ sinh thái của TC Group.
Tính đến cuối tháng 6/2024, CTCP Chứng khoán DSC - một thành viên trong mảng tài chính dịch vụ của TC Group đang vay PGBank tổng cộng 599 tỷ đồng, tăng tới 33% so với đầu năm và chiếm tới 33% tổng nợ phải trả của DSC. PGBank hiện đang là đối tác tín dụng lớn thứ hai của DSC, chỉ đứng sau ngân hàng BIDV.
Trong khi đó, một loạt các doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái của TC Group như Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng, Công ty Cổ phần sản xuất xây dựng Công nghệ Thành Công, Công ty CP Thiết bị điện - Điện tử Hyundai Thành Công Global cũng liên tục có những giao dịch liên quan phát sinh với PGBank.
Với quy mô vốn và các quỹ mới chỉ đạt 4.995 tỷ đồng đến cuối quý II, dư địa cấp tín dụng cho bất kỳ một khách hàng lớn nào sẽ đều bị hạn chế. Theo Luật Các tổ chức tín dụng vừa ban hành đầu năm 2024 và có hiệu lực ngày 1/7/2024, tỷ lệ tối đa cấp tín dụng/vốn tự có đối với một khách hàng tại ngân hàng sẽ giảm về 10% thay vì 15% trước đây trong 5 năm trong khi tỷ lệ tối đa cấp tín dụng/vốn tự có đối với một khách hàng và người liên quan sẽ giảm về 15% thay vì 25% trước đây.
Việc tăng vốn đối với PGBank, theo đó, là cực kỳ quan trọng, không những giúp ngân hàng nâng cao năng lực hoạt động, tăng sức cạnh tranh mà còn mở rộng dư địa cấp tín dụng đối với các khách hàng lớn.
Do đó, đầu năm nay, PGBank đã có đợt tăng vốn đầu tiên sau 10 năm liên tiếp là ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất ngành. Ngân hàng này đã phát hành thành công 120 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ lên mức 4.200 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ vừa qua, PGBank cũng tiếp tục thông qua phương án chào bán 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Nếu thực hiện thành công, vốn điều lệ của PGBank sẽ nâng lên 5.000 tỷ đồng. Dù vẫn nằm trong nhóm sở hữu vốn điều lệ khiêm tốn trong hệ thống nhưng với nguồn lực cùng quy mô vốn mới, PGBank được kỳ vọng sẽ có nhiều bứt phá trong hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.