Palu hỗn loạn trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau thảm hoạ kép
Đến nay, số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất và sóng thần tại tỉnh Trung Sulawesi, Indonesia được chính phủ nước này xác nhận đã lên tới gần 1.300 người. Dẫu vậy, con số cuối cùng được dự báo còn tăng đáng kể khi lực lượng cứu hộ hôm nay bắt đầu tiếp cận được những khu vực vùng sâu, vùng xa bị ảnh hưởng - vốn không thể tiếp cận được trong 3 ngày vừa qua.
Mức độ tàn phá của trận động đất và sóng thần tại Trung Sulawesi sẽ trở nên rõ ràng hơn trong ngày hôm nay khi những vùng mất liên lạc suốt 3 ngày qua bắt đầu được tiếp cận. Tính đến hiện tại, giới chức Indonesia mới chỉ xác nhận hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa kép ngày 28/9 vừa qua là Balaroa và Petobo, thuộc thành phố Palu.
Tuy nhiên, theo Hội Chữ thập Đỏ Indonesia, những báo cáo thiệt hại ban đầu hầu hết tập trung tại thành phố Palu, song khu vực Donggala, phía Bắc Palu - nơi có khoảng 300.000 người sinh sống, cũng là nơi chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi thảm họa kép. Nhiều quan chức tỏ ra lo ngại, con số thiệt mạng trong thảm họa thiên tai lần này sẽ lên tới hàng nghìn người.
Cảnh sát nỗ lực dọn dẹp đống đổ nát tại thành phố Palu.
Trước bối cảnh đó, Tổng thống Indonesia đã cho phép nước này tiếp nhận viện trợ nước ngoài để ứng phó với thảm họa, không giống như trận động đất tại Lombok mới đây. Tuy nhiên, Indonesia vẫn không ban bố đây là một thảm họa quốc gia. Theo Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani, nước này không cần phải làm điều đó vì nguồn lực của quốc gia đủ để xử lý các tác động của trận động đất và sóng thần.
Theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (UNOCHA), hiện có khoảng 190.000 người dân tại tỉnh Trung Sulawesi, gồm 46.000 trẻ em và 14.000 người cao tuổi, đang trong tình trạng cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.
Nỗi lo dịch bệnh bùng phát
Theo cảnh sát địa phương, sẽ không có thêm những người sống sót dưới các đống đổ nát ở thành phố Palu, nơi hứng chịu trận động đất mạnh 7,5 độ richer và tiếp sau đó là trận sóng thần với những cột sóng cao nhất lên tới 6 mét hôm 28/9 vừa qua.
Trong bối cảnh nhiệt độ cao và trời thường xuyên có mưa tại Palu, lực lượng cảnh sát Indonesia đang thực thi mọi nỗ lực để dọn dẹp các đống đổ nát do lo ngại bùng phát các loại dịch bệnh sau động đất.
Phát biểu với các phóng viên hôm qua (2/10), một cảnh sát tham gia dọn dẹp bày tỏ, nếu công việc dọn dẹp bị trì hoãn, các loại dịch bệnh sẽ xảy ra nên lực lượng cảnh sát phải dọn dẹp các đống đổ nát nhanh nhất có thể.
Lực lượng cứu hộ nỗ lực cứu thiếu nữ mắc kẹt dưới bùn đất.
Những ngày qua, do nguồn cung nhiên liệu hạn chế, thành phố không thể hoạt động như bình thường. Các nguồn nhiên liệu được lực lượng cảnh sát vận chuyển từ các thành phố khác đã đến Palu theo kế hoạch, nhưng hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc vận hành các máy móc hạng nặng.
Cảnh sát thành phố Palu cho biết thêm, họ đã cố gắng hoàn tất việc dọn dẹp các đống đổ nát trong thời gian 3 ngày nhưng xem ra rất khó hoàn thành mục tiêu. Trong khi những người dân thành phố đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn vẫn đang hết sức lo lắng do các đợt dư chấn tiếp tục xảy ra và tàn phá những gì còn sót lại.
Còn tại Donggala, một thành phố khác cũng bị động đất và sóng thần tàn phá năng nề, nguồn cung cấp điện và nước sinh hoạt đã bị cắt. Dự báo, các nguồn cung sẽ chỉ được nối lại trong vòng 2 tuần tới.
Cướp phá, hôi của
Người dân Palu thoát nạn sóng thần giờ đối mặt với tình trạng cạn kiệt thực phẩm, nước uống, nhiên liệu. Từng giờ trôi qua cũng đồng nghĩa với những hy vọng nhận đồ cứu trợ của họ vơi đi.
Jonathan Head, phóng viên BBC tiếp cận Palu bằng cả cách đi bộ hàng km cho biết, đường sá nơi đây hỏng và ngổn ngang vật cản khiến hàng cứu trợ chỉ đến được nhỏ giọt, nhất là các khu vực hẻo lánh. Người bản địa còn sống giờ có ra đường cũng chỉ vì mỗi việc kiếm cho ra bằng được nhu yếu phẩm cho gia đình hàng ngày. Họ đang tuyệt vọng, những cửa hàng từ to đến nhỏ trở thành mục tiêu cướp phá.
Người dân thành phố Palu lâm vào tình trạng hỗn loạn, thiếu lương thực trầm trọng.
Chiều 2/10, tức 4 ngày sau thảm họa, tại nhiều nơi trong thành phố Palu, cảnh sát đã phải lấy súng bắn chỉ thiên hay súng bắn hơi cay để cảnh cáo hành động hôi của, cướp phá các cửa hàng tư nhân. Nhưng cái đói, cái khát dường như khiến người dân chiến thắng... cái sợ. Họ vây cảnh sát, gây sức ép bằng tiếng gào và cả gạch đá, nhưng có khi vào rồi cũng chẳng buồn lấy đồ vì thực phẩm không có mà chỉ là thùng giấy hay xô nhựa.
Nhiều người tìm mọi cách để thoát ra nhưng các chuyến bay thương mại chưa được nối lại với thành phố. Dường như cửa ngõ hàng không giờ là cầu nối duy nhất cho người dân địa phương với thế giới bên ngoài.
“Giờ được bay đi đâu tôi cũng đi, tôi chờ 2 ngày rồi, không có gì để ăn, chỉ có ít nước uống nhưng cũng phải dè sẻn”, người bán thực phẩm tên Wiwid nói với phóng viên Reuters tại phòng chờ sân bay Palu.
Thương tâm nhiều ngôi mộ tập thể
Palu hôm thứ Ba còn chứng kiến cảnh tượng đau lòng. Nhiều ngôi mộ tập thể được đào lên ở khu vực ngoại ô. Những người có mặt ở đó chỉ là nhân viên lao động và đại diện chính quyền đến chứng thực cho việc chôn cất tập thể.
Có những mộ được đào đủ để chứa được 300 thi thể, dài đến 50m, nạn nhân tập hợp được đến đâu lấp đất đến đó để tránh ô nhiễm bởi mùi phân rã nồng nặc. Việc không có xe chuyên dụng khiến phải huy động xe tải chở người xấu số cũng tra tấn người dân dọc tuyến đường ra khu mộ tập thể.
Cảnh chôn cất một ngôi mộ tập thể sáng 2/10 tại Palu.
Theo thông báo mới nhất lúc 19h ngày 2/10 từ Cơ quan Cứu trợ thảm họa quốc gia, số nạn nhân động đất, sóng thần ở Palu tăng vụt lên 1.347 người. Trong số này có 34 học sinh mới được phát hiện dưới các bức tường tại Trường giáo dục nhà thờ Jonooge. Số liệu ghi nhận trường có 86 học sinh, và 52 người còn lại đến nay vẫn chưa được tìm thấy.
Quốc tế những ngày qua cũng đã lên tiếng sát cánh cùng Indonesia trong thảm họa thiên tai lần này với nhiều tuyên bố hỗ trợ tài chính được đưa ra. Mới nhất, vào sáng 3/10, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã thông báo hỗ trợ 500.000 USD cho Chính phủ và người dân Indonesia thông qua Hội chữ thập đỏ của quốc gia Đông Nam Á này. Chính phủ Việt Nam cũng thông báo viện trợ 100.000 USD cho người dân Indonesia sau thảm hoạ kép. Tính đến nay, trận động đất ngày 28/9 vừa qua đã gây ra 170 cơn địa chấn. Sáng sớm nay (theo giờ địa phương), một trận động đất mạnh 5,9 độ richter khác cũng đã xảy ra tại khu vực ngoài khơi cách đảo Nggongi của Indonesia 37 km về phía Nam. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bất kỳ báo cáo về thương vong hay thiệt hại nào của trận động đất mới nhất này được đưa ra. |
Đ.H