PACCOM và VPDS tổ chức Hội thảo Hiệp định TPP và Cộng đồng ASEAN: Vai trò của các tổ chức nhân dân
Hội thảo “Hiệp định TPP và Cộng đồng ASEAN: Vai trò của các tổ chức nhân dân” nhằm chia sẻ thông tin về cơ hội và thách thức cũng như phát huy vai trò của các tổ chức nhân dân Việt Nam cho phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập TPP và cộng đồng kinh tế ASEAN đã chính thức được thành lập ngày 31/12/2015.
Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương phát biểu tham luận
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương nhấn mạnh: Việc 12 nước, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam chính thức ký kết Hiệp định TPP ngày 4/2/2016 đã đánh dấu thêm một bước tiến nữa trên hành trình hướng tới khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương. Đây là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, được kỳ vọng trở thành hình mẫu cho phát triển thương mại khu vực và thế giới với yêu cầu cao hơn trong bối cảnh lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Ông Lương Hoàng Thái giới thiệu khái quát quá trình hình thành Hiệp định TPP. Theo đó, ngày 3/6/2005 Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (P4) được ký kết giữa 4 nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore. Từ năm 2008 – 2013, từ 4 nước ban đầu, P4 đã thu hút thêm 8 nước tham gia; trong đó, năm 2008 có Mỹ, Australia, Peru; năm 2010 có Malaysia, Việt Nam; năm 2012 có Mexico, Canada; năm 2013 là Nhật Bản; nâng tổng số thành viên lên 12 nước. Ngày 5/10/2015, tại phiên họp Hội nghị Bộ trưởng TPP tại Atlanta (Mỹ), đại diện 12 nước đã tìm được tiếng nói chung và đạt được thỏa thuận cuối cùng, chính thức kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có quy mô lớn nhất trong lịch sử.
Quang cảnh Hội thảo
Ông Lương Ngọc Thái cho rằng, Hiệp định TPP có nhiều cơ hội và thách thức như: Cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, tăng đầu tư trong nước và nước ngoài; hình thành chuỗi cung ứng mới với một số ngành sản xuất mới xuất hiện, một số ngành cũ có thể phát triển ở cấp độ cao hơn; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nông nghiệp có thể bị thu hẹp và chuyển dịch dần sang công nghiệp, dịch vụ…
Trao đổi về Cộng đồng kinh tế ASEAN, ông Lương Ngọc Thái cho biết, ngày 31/12/2015 cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập và đi vào hoạt động. AEC 2015 được ký kết bởi lãnh đạo của 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). AEC là một trong ba trụ cột của cộng đồng ASEAN, cùng với cộng đồng chính trị – an ninh và văn hóa – xã hội.
Theo ông Thái, AEC 2015 có nhiều cơ hội cho Việt Nam như: mang thêm thị trường cho hàng hoá xuất khẩu; cung cấp hàng hoá đầu vào chi phí hiệu quả hơn cho sản xuất, giúp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; góp phần thu hút đầu tư để xây dựng mạnh lưới sản xuất, nâng cao năng suất, tăng sức cạnh tranh, khả năng chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tuy nhiên, AEC 2015 cũng có thách thức khả năng tận dụng cơ hội của doanh nghiệp và nền kinh tế; cạm tranh mạnh do nền kinh tế các nước ASEAN có cơ cấu tương đồng.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu
Về tiềm năng hợp tác giữa các tổ chức nhân dân và các doanh nghiệp trước những cơ hội của TPP, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp và tổ chức nhân dân với một xã hội phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường. Lợi ích của chính doanh nghiệp: quan hệ lao động thuận hoà, bền vững môi trường, giá trị xã hội của doanh nghiệp…Lợi ích của người dân: việc làm chất lượng cao và ổn định, môi trường làm việc, giá trị cuộc sống…Xu thế hội nhập: các giá trị mới, doanh nghiệp và cộng đồng…
Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn cũng dự báo những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi nghiên cứu TPP như: cam kết không dễ để đọc, để hiểu. Cam kết phức tạp về nội dung và cách thể hiện, với 30 chương, từ 1.200 – 6.000 trang văn bản với ngôn ngữ hàn lâm và rất nhiều thoả hiệp. Hướng dẫn đã có nhưng còn quá ít, chỉ mới tóm tắt mang tính chính sách một vài Chương của TPP, chưa có các hướng dẫn TPP cụ thể trong các lĩnh vực…
PGS. TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Tham luận về tác động của TPP và AEC trong vấn đề lao động, công đoàn; PGS. TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, chúng ta cam kết, Hiệp định thương mại tự do với các điều khoản về lao động, công đoàn là một kênh đưa đến những thay đổi về lao động, công đoàn ở các nước tham gia. Mục tiêu là đảm bảo quyền lao động và quyền công đoàn theo tiêu chuẩn lao động quốc tế của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Sự thay đổi này là thách thức lớn đối với Công đoàn Việt Nam trong việc thay đổi mô hình hoạt động để tập trung hơn vào việc bảo vệ các lợi ích thiết thực của người lao động…
Ông Vũ Quang Thọ nhấn mạnh, lợi thế chủ yếu nhất hiện tại là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận được sự quan tâm, hỗ trợ các nguồn lực, từ sự lãnh đạo toàn diện của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương; sự ủng hộ của xã hội về tiếng nói trong chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Bên cạnh đó, việc thực thi các Hiệp định FTA và TPP cũng đặt ra một số vấn đề như: việc cho phép các công đoàn cơ sở được thành lập và sau đó, các công đoàn cơ sử này được phép liên kết ngang với nhau (theo lộ trình 5 năm sau khi TPP có hiệu lực) là mô hình và hoạt động mới của Công đoàn nước ta.
ông Vũ Ngọc Bình – Chuyên gia nghiên cứu độc lập về giới và quyền con người phát biểu tham luận
Hiệp định TPP, nhìn từ góc độ giới và quyền con người: Một số vấn đề cơ bản Việt Nam cần quan tâm, theo ông Vũ Ngọc Bình – Chuyên gia nghiên cứu độc lập về giới và quyền con người, những khoảng trống trong chương trình nghị sự của khu vực ASEAN liên quan đến bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ từ năm 2015 trở đi: chưa có mục tiêu riêng về bình đẳng giới; chưa đặt được đồng thuận có công ước riêng về lao động di cư…Đặc biệt, các vấn đề: bình đẳng giới; phòng chống bạo lực với phụ nữ; thương mại công bằng; cơ hội vận động chính sách; biến đổi khí hậu… cần được quan tâm.
PGS.TS Phạm Bích San – Chủ tịch Viện Nghiên cứu và Tư vấn Phát triển (RCD)
Theo PGS.TS Phạm Bích San – Chủ tịch Viện Nghiên cứu và Tư vấn Phát triển (RCD), giữa các tổ chức xã hội Việt Nam với các tổ chức xã hội TPP có độ vênh về: mức độ phát triển cao của đa số các nước tham gia TPP; khả năng bảo vệ hữu hiệu quyền lợi của người lao động; trình độ tổ chức cao và hoạt động có tính chuyên nghiệp; có khả năng tham gia vào các hoạt động quốc tế có tổ chức…Ngoài ra, giữa các tổ chức xã hội Việt Nam với các tổ chức xã hội ASEAN cũng có độ vênh định hướng đề cao vai trò của các tổ chức xã hội công lập trong quan hệ với ngoài công lập…
PGS.TS Phạm Bích San cho rằng, vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong xã hội hiện đại cần đáp ứng nhu cầu xã hội bên ngoài các quan hệ nhà nước, thị trường; góp phần tạo sự ổn định của xã hội; giảm bớt gạnh nặng chi phí nhà nước…
Tổng kết Hội thảo, ông Phan Anh Sơn – Trưởng ban PACCOM, Viện trưởng VPDS nhận định, Việt Nam tham gia Hiệp định TPP và Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập vào cuối năm 2015 có ảnh hưởng, tác động ít nhiều đến các tổ chức nhân dân, người dân, doanh nghiệp Việt Nam. Ông Phan Anh Sơn đề nghị các đại biểu, sau Hội thảo này căn cứ vào những thông tin được biết, tình hình thực tế của Việt Nam và nguồn lực của tổ chức nhân dân để xây dựng kế hoạch, bền vững, giúp Việt Nam tham gia vào Hiệp định TPP và Cộng đồng ASEAN thuận lợi.
Đại Sơn