Orbis chăm sóc mắt toàn diện cho bệnh nhân đái tháo đường
Dự án do Tổ chức Orbis Quốc tế và Quỹ Tiểu đường Thế giới (World Diabetes Foundation) đồng tài trợ được triển khai từ tháng 10/2016 đến tháng 9/2020 với sự phối hợp của Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Mắt Tiền Giang, Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang, và Bệnh viện huyện Cai Lậy - Tiền Giang.
PGS. TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị
Mô hình thí điểm sẽ được xây dựng dựa trên bài học thành công của tổ chức Orbis ở một số nước đang phát triển, nhằm cung cấp dịch vụ tầm soát phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhằm bảo toàn thị lực cho các bệnh nhân đái tháo đường. Các dịch vụ tầm soát và điều trị này sẽ được xây dựng trên hệ thống y tế cơ sở (nội tiết và nhãn khoa) sẵn có tại Việt Nam. Mô hình mới này sẽ được áp dụng để nhân rộng và phổ biến tại các địa phương trong toàn quốc.
Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh đang ngày càng phổ biến và có tốc độ phát triển nhanh cả ở Việt Nam và trên thế giới. Kèm theo sự phổ biến của bệnh là các biến chứng, trong đó có các biến chứng về mắt như đục thủy tinh thể, glôcôm, tật khúc xạ… nhưng biến chứng chính và nghiêm trọng nhất là bệnh võng mạc ĐTĐ. Trong số 415 triệu người đang sống chung với bệnh ĐTĐ trên thế giới năm 2015, khoảng hơn một phần ba có thể mắc biến chứng võng mạc đái tháo đường.
PGS. TS Trần Anh Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh (đại diện đơn vị chính thực hiện dự án)
Bác Tuấn, một cán bộ hưu trí sống tại khu đô thị Times City, Hà Nội, bị bệnh Đái tháo đường nhiều năm nay chia sẻ: “Tôi phát hiện mình mắc bệnh đái tháo đường một cách rất vô tình. Năm 2005, tôi bị sốt xuất huyết và khi phải thử máu tôi mới biết mình bị đái tháo đường. Bác sĩ bảo tôi có thể đã bị đái tháo đường trước đó nhiều năm mà không biết. Cuộc sống của tôi, thậm chí của cả những thành viên trong gia đình tôi đều thay đổi theo chế độ ăn kiêng của người đái tháo đường.
Một lần đi họp cán bộ hưu trí cơ quan cũ gặp bà bạn cũng bị đái tháo đường như tôi, bà ấy nói rằng cách đây không lâu, thấy mắt mờ và đi khám mới phát hiện ra là đây là biến chứng do bệnh đái tháo đường mà không thể phục hồi được. Sau đó tôi có tìm hiểu trên báo đài nhưng không có nhiều thông tin về bệnh mắt này. Lúc đó tôi tự đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt thì mới được biết rằng biến chứng mờ mắt do bệnh đái tháo đường gây ra và có thể gây mù. Nghe lời bác sĩ, từ đó tôi chủ động đi khám mắt mỗi năm một lần để có thể phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường ở mắt. Bác sĩ cho biết “Có một số biến chứng về mắt ở bệnh nhân đái tháo đường mà không được điều trị trong vòng 72 giờ thì người bệnh có nguy cơ sẽ bị mù vĩnh viễn.”
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh đái tháo đường nhanh nhất thế giới và vẫn đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng ở hầu khắp mọi miền trên cả nước. Ước tính có hơn ba triệu người Việt Nam mắc bệnh đái tháo đường và con số này dự kiến sẽ tăng gấp năm lần vào năm 2030. Kết quả cuộc khảo sát quốc gia năm 2012 của Việt Nam cho thấy, tỷ lệ mắc đái tháo đường trong độ tuổi 30-69 đã tăng gấp đôi lên 5,7% kể từ thập kỷ đầu tiên của thế kỷ mới. Cũng theo khảo sát này, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với 7,2% dân số mắc bệnh. Khoảng gần 6% người lớn tuổi ở Việt Nam mắc bệnh lý đái tháo đường có nguy cơ mất thị lực do các biến chứng đáy mắt của bệnh võng mạc đái tháo đường. Đây là một thách thức mới đối với công tác phòng chống mù lòa ở Việt Nam và trên thế giới, đã được đề cập trong Chiến lược phòng chống mù lòa quốc gia giai đoạn 2015 - 2020.
Bà Trần Thị Thanh Hương, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Orbis trao biển tài trợ cho PGS. TS Trần Anh Tuấn
Đứng trước thực trạng trên, mô hình hiệu quả tầm soát bệnh Võng mạc đái tháo đường với sự phối hợp mang tính hệ thống giữa chuyên ngành mắt và chuyên ngành nội tiết ở Việt Nam là vô cùng cấp thiết nhằm giúp phát hiện và điều trị sớm tránh mù lòa cho các bệnh nhân.
Phát biểu tại sự kiện, bà Trần Thị Thanh Hương, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Orbis tại Việt Nam cho biết: “Quản lí bệnh võng mạc đái tháo đường là một thách thức mới trong công tác phòng chống mù lòa ở Việt nam và thế giới. Với số lượng bệnh nhân đái tháo đường lên tới 370 triệu người tăng gấp 10 lần trong 30 năm qua, ước tính đến năm 2030 cần phải khám để phát hiện các biến chứng mắt cho 1.5 triệu bệnh nhân mỗi ngày, con số này tăng 54% so với trước đây trong khi ước số lượng bác sĩ chuyên khoa mắt chỉ tăng 2%.
Trong bối cảnh này, Orbis cũng như nhiều tổ chức phi chính phủ, chính phủ, các tổ chức quốc tế đã và đang nỗ lực tìm kiếm mô hình giúp tầm soát và quản lí sự gia tăng nhanh chóng bệnh nhân đái tháo đường trong khả năng hạn chế số lượng nhân viên y tế chăm sóc mắt.
Cách tiếp cận của chúng tôi là xây dựng mang lưới các đơn vị chẩn đoán hình ảnh đáy mắt tại đơn vị nội tiết, đọc kết quả tại chỗ và phân loại mức độ của bệnh bằng các thiết bị đơn giản và giá thành thấp – nhằm giảm áp lực về khám sàng lọc cho ngành mắt cũng như đảm bảo tính nhân rộng của dịch vụ này. Bên cạnh đó , tổ chức Orbis cũng đang hợp tác với các đối tác chiến lược để có những đột phá trong kỹ thuật giúp việc khám sàng lọc số lượng bệnh nhân lớn hơn với chi phí thấp hơn".
"Orbis rất tự hào Việt Nam là nước thứ hai mà Orbis đã đầu tư chương trình quản lí bệnh võng mạc đái tháo đường. Chúng ta may mắn được tiếp thu những kinh nghiệm bài học thành công trên thế giới trong triển khai mô hình quản lí VMĐTĐ tại Việt Nam – và quan trọng hơn là bài học thành công từ dự án chăm sóc mắt cho bệnh nhân đái tháo đường tại Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sẽ được sử dụng để triển khai rộng rãi hơn tại nhiều tỉnh thành và các quốc gia khác", bà Hương nói.
Hoàng Vũ