Ông Tập một lần nữa chứng minh chọn đúng "hổ tướng" trong cuộc chiến chống tham nhũng?
Ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc khóa 18, Trưởng ban tổ chức trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐSCSTQ) khóa 18, đã được bầu làm Ủy viên thường vụ Bộ chính trị khóa 19 hôm 25/10 và giữ chức Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI), thay thế ông Vương Kỳ Sơn.
Cuộc chiến chống tham nhũng 5 năm qua
Tiếp nhận chức Bí thư CCDI từ sau Đại hội 18 của ĐCSTQ tháng 11/2012, ông Vương Kỳ Sơn được ông Tập Cận Bình trao "bảo kiếm chống tham nhũng", với chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" ở cấp trung ương và "đánh ruồi tham diệt chuột hại" ở cấp thấp hơn.
Trong 5 năm qua, ông Vương đã xoay chuyển được cơ bản tình trạng tham nhũng vốn diễn ra nghiêm trọng trước đó. Số liệu của Ủy ban Ban kiểm tra kỉ luật trung ương cho biết tính tới tháng 8/2017 cho thấy hơn 280 cán bộ cấp cao bị xử lý kỉ luật , có 43 ủy viên trung ương và ủy viên dự khuyết Khóa 18, trong đó có Ủy viên Bộ chính trị Tôn Chính Tài, có 9 người thuộc CCDI cũng bị xử lý.
Báo cáo chính trị của ông Tập Cận Bình ngày 18/10 trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ nêu, ban lãnh đạo Trung Quốc đánh giá cuộc chiến chống tham nhũng thời gian qua đạt được thắng lợi mang tính giai đoạn và vẫn là cuộc đấu tranh trường kỳ.
Hội nghị đầu tiên của Ban thường vụ CCDI khóa 19, họp ngày 29/10/2017, 5 ngày sau khi ông Triệu Lạc Tế (thứ hai từ trái) tiếp quản chức vụ từ ông Vương Kỳ Sơn (Ảnh: Xinhua)
Trung Quốc chống tham nhũng trong thời gian tới
Phần 13 trong báo cáo của ông Tập ngày 18/10 có tiêu đề “Kiên định không lay chuyển trị đảng nghiêm minh toàn diện”, cho biết ĐCSTQ hiện tồn tại “3 không thuần” là tư tưởng không thuần, tổ chức không thuần, tác phong không thuần.
Theo báo cáo, ĐCSTQ đang đứng trước “4 thử thách” là: thử thách chấp chính, thử thách cải cách mở cửa, thử thách của kinh tế thị trường, thử thách tác động từ môi trường bên ngoài; đồng thời cũng đứng trước “4 nguy cơ”, gồm: nguy cơ tinh thần trì trệ, nguy cơ năng lực không đầy đủ, nguy cơ xa rời quần chúng, nguy cơ tiêu cực tham nhũng.
Báo cáo thừa nhận tham nhũng vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với ĐCSTQ, "kiên trì và tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng vẫn mãi mãi trên con đường dài".
Báo cáo nêu ra "4 kiên trì" trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, gồm: Kiên trì không có vùng cấm, bao trùm tất cả, không dung thứ; Kiên trì chế tài nặng, cường độ cao, răn đe lâu dài; Kiên trì nhất loạt xử lý đối với hành vi đưa lộ hối và nhân hối lộ; Kiên trì phòng chống Nhóm lợi ích hình thành trong nội bộ đảng.
Đồng thời, ông Tập đề xuất nhanh chóng đưa các vấn đề chống tham nhũng vào quá trình lập pháp.
Báo cáo đặt mục tiêu là phải giành được thắng lợi mang tính áp đảo trước tình trạng tham nhũng. Thúc đẩy xây dựng lập pháp chống tham nhũng, xây dựng một diễn đàn tố cáo, thẩm tra bao trùm toàn bộ hệ thống kiểm tra và giám sát kỉ luật.
Ông Tập nhấn mạnh cần răn đe để các quan chức không dám tham nhũng, xây dựng mạng lưới ngăn chặn để không thể tham nhũng, tăng cường tính tự giác để không nghĩ tới tham nhũng.
Ông Triệu Lạc Tế (ngoài cùng bên phải) ra mắt công chúng cùng Tổng bí thư Tập Cận Bình (giữa) và các thành viên khác trong Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc khóa 19, ngày 25/10/2017 (Ảnh: Xinhua)
Đội ngũ chống tham nhũng mới
CCDI đã có đội ngũ lãnh đạo mới sau Đại hội 19. Các cấp phó dưới quyền Bí thư Triệu Lạc Tế là Dương Hiểu Độ, Trương Thăng Dân, Lưu Kim Quốc, Dương Hiểu Siêu, Lý Thư Lỗi, Từ Lệnh Nghĩa, Tiêu Bồi, và Trần Tiểu Giang đều là những nhân vật cứng rắn.
Khi ông Vương Kỳ Sơn từ vai trò Phó thủ tướng phụ trách kinh tế-tài chính được trao nhiệm vụ dẫn dắt chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập khởi xướng, dư luận Trung Quốc đã tỏ ra hoài nghi.
Nhưng sau 5 năm, các quan điểm ghi nhận ông Tập Cận Bình biết sử dụng người theo đúng sở trưởng của họ. Ông Triệu Lạc Tế hiện nay cũng được kỳ vọng sẽ đưa chiến dịch chống tham nhũng lên cấp độ mới.
Ông Triệu sinh năm 1957, gia nhập ĐCSTQ từ năm 1975 và có hơn 30 năm công tác tại tỉnh Thanh Hải. Năm 2000 ông trở thành Tỉnh trưởng Thanh Hải khi 43 tuổi, là tỉnh trưởng trẻ nhất Trung Quốc. Năm 2003 khi 46 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thanh Hải.
Sau Đại hội 18 năm 2012, ông Triệu Lạc Tế trở thành Trưởng ban tổ chức trung ương Trung Quốc, nắm vai trò bố trí và sắp xếp quan chức. Trong khi chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" được ông Vương Kỳ Sơn tiến hành rầm rộ, công tác điều chỉnh, tái cơ cấu bộ máy ở các địa phương có lãnh đạo "ngã ngựa" là nhiệm vụ quan trọng của ông Triệu để bảo đảm các nơi có được sự ổn định để phát triển.
Đến nay, với kinh nghiệm trong lĩnh vực tổ chức cán bộ, đội ngũ chống tham nhũng của CCDI do ông này làm Bí thư đều là những nhân vật cứng rắn được lựa chọn kỹ càng. Cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc trong những năm tiếp theo vẫn tiến hành gay gắt với mục tiêu "gột rửa sạch những ảnh hưởng còn rơi rớt lại của các 'hổ lớn'".
Tuy nhiên, chống tham nhũng còn phụ thuộc vào một số yếu tố. Mạng tin Đa Chiều hồi năm 2014 cho biết, các quan chức từ địa phương tới cấp tỉnh hay trung ương đều có tâm lý lo sợ bị “dính líu tới tham nhũng”. Điều này tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế-xã hội các tỉnh thành.
Phát biểu tại cuộc họp báo trong khuôn khổ Đại hội 19 hôm 19/10 vừa qua, Phó Trưởng ban Tổ chức trung ương Trung Quốc, ông Tề Ngọc thừa nhận tình trạng quan chức trì trệ, lơ là công việc trước đây có, hiện nay vẫn có và việc giải quyết triệt để vấn đề này vẫn cần nhiều nỗ lực trong tương lai.
Thách thức lớn nhất đối với Trung Quốc là song song với chống tham nhũng cần phải đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế để hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, cụ thể là hoàn thành xây dựng xã hội khá giả và xóa đói giảm nghèo.
Hội nghị toàn thể lần thứ 1 Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương ĐCSTQ khóa 19
Nhà báo Kiều Tỉnh