Ông Phạm Nhật Vượng nhảy sang sản xuất ô tô vì... "liều"?
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có lịch sử 20 năm, với nhiều tham vọng, nhưng đến nay, công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn dừng lại ở việc lắp ráp, với tỷ lệ nội địa hóa dưới 10%.
Ngày 2/9/2017, Tập đoàn Vingroup chính thức khởi công tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Cát Hải, Hải Phòng.
Việc Vingroup quyết định bước sang lĩnh vực sản xuất ô tô và tuyên bố sau 2 năm sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên, với tỷ lệ nội địa lên đến 60% khiến nhiều người đặt dấu hỏi về sự thành công, khi mà ngành công nghiệp ô tô trong nước trải qua 20 năm, nhưng vẫn chỉ luẩn quẩn ở việc lắp ráp, với tỷ lệ nội địa hóa dưới 10%.Thế nhưng nếu nhìn vào quá khứ “đánh đâu thắng đấy” của Tập đoàn Vingroup, nhiều người sẽ phải đặt lại câu hỏi: Vì đâu, từ nhà sản xuất thực phẩm, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại thành công vang dội ở nhiều lĩnh vực đến vậy?
Bí quyết đại thành công của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, thực tế đã được chính ông tiết lộ.
Cụ thể, vào năm 2016, trong buổi trò chuyện với cán bộ Tập đoàn Viettel, ông Phạm Nhật Vượng tiết lộ mỗi khi chuyển sang làm một lĩnh vực mới, ông cũng không tự tin thành công và làm vì… “Liều”.
“Bảo tự tin thì chẳng tự tin lắm đâu. Bước sang lĩnh vực khác thì chỉ có liều thôi” – ông Vượng nói và cho biết thêm: “Nhưng làm gì thì cũng phải đam mê, nỗ lực cố gắng và nghiêm túc….”.
Trong quá khứ, việc tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm “Liều” khi bước vào kinh doanh bất động sản, nhưng lại đúng thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Cụ thể trước năm 2011 là thời điểm khi thị trường bất động sản đang trong giai đoạn bùng nổ, các dự án Vingroup đầu tư có vị trí đắc địa, trong khi nhóm đối tượng khách hàng là giới trung lưu đang cần những sản phẩm bất động sản chất lượng thật sự.
Ở lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, Vingroup phát triển hàng loạt dự án trong bối cảnh ngành du lịch trong nước bùng nổ, giới đầu tư lại đang cần đầu tư vào một kênh đầu tư có lợi tức lớn và ít rủi ro hơn chứng khoán hay các kênh đầu tư nhiều rủi ro khác.
Trong khi đó, ở lĩnh vực bán lẻ, giáo dục, y tế, nông nghiệp, Vingroup có những đầu tư bài bản và đầu tư lớn rất lớn. Thậm chí một số lĩnh vực Vingroup coi là phi lợi nhuận để phục vụ khách hàng, khiến dịch vụ của Vingroup nhanh chóng chiếm lĩnh niềm tin người dân.
“Dấn thân” vào lĩnh vực sản xuất ô tô, Vingroup cũng đang gặp nhiều yếu tố thuận lợi, khi nhiều chính sách nhà nước vẫn hướng đến việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển ngành công nghiệp ô tô; thị trường trong nước rất lớn, khi tỷ lệ sở hữu ô tô trên đầu người tại Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực.
Đặc biệt, với uy tín của mình, Vingroup đã được nhiều đối tác uy tín hợp tác, đồng thời nhanh chóng huy động được hàng trăm triệu đô la cho tham vọng sản xuất ô tô nội địa.
Để thành công vang dội ở nhiều lĩnh vực khác nhau, ngoài bản lĩnh thì Chủ tịch tập đoàn Vingroup cũng là người có... "máu liều"
Mặc dù ở lĩnh vực sản xuất ô tô, Vinfast của Vingroup đang gặp nhiều thuận lợi, nhưng nếu chỉ “Liều” mà không có một chiến lược đúng đắn, thì Vingroup rất có thể sẽ đi vào “vết xe đổ” của Công ty sản xuất ô tô Xuân Kiên, đơn vị sở hữu thương hiệu ô tô Việt Nam đình đám một thời, nhưng nay đã phá sản.
Liên quan đến việc Vingroup nhảy sang lĩnh vực sản xuất ô tô, hãng tin Bloomberg đã có những phân tích cảnh báo đáng chú ý đối với Vinfast.
Cụ thể, theo Bloomberg, tham vọng của Vingroup cũng giống như những nỗ lực của các công ty ở Trung Quốc và Malaysia khi cố gắng tạo ra các thương hiệu đậm chất “cây nhà lá vườn” nhưng rẻ hơn để thu hút người tiêu dùng trong khu vực.
Cũng trên Bloomberg, Steve Man, một nhà phân tích ngành công nghiệp ô tô còn chỉ ra những thách thức mà Vingroup sẽ phải đối mặt, như việc vật lộn để giành giật khách hàng với các hãng ô tô nổi tiếng thế giới.
Trong khi đó, ông Michel Tosto, người đứng đầu tổ chức bán hàng và môi giới tại Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng: Dự án sản xuất xe hơi của Vingroup là một thách thức "rất khó khăn". Vì vậy, ông Tosto khuyên công ty này nên liên doanh hợp tác với một nhà sản xuất nước ngoài.
"Họ (Vingroup) không có chuyên môn cũng không đủ vốn cho lĩnh vực này. Đó là một không gian cạnh tranh khốc liệt do các thương hiệu nước ngoài chi phối”, ông Michel Tosto nói.
Sản xuất ô tô trở thành một trong 7 lĩnh vực kinh doanh mũi nhọn của Tập đoàn Vingroup.
Được biết, quy mô tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast của Vingroup lên đến 3,5 tỷ USD. Dự án này bước đầu đã được tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới Credit Suisse thu xếp cho vay lên tới 800 triệu USD.
Để thực hiện tham vọng sản xuất xe ô tô, Vinfast đã có kế hoạch hợp tác với nhiều ông lớn trong lĩnh vực công nghệ cùng chiến dịch “săn đầu người” đầy quyết đoán cho những vị trí trọng yếu.
Như vậy, việc bước sang lĩnh vực sản xuất ô tô, ngoài “Liều” ra, tỷ phú phạm Nhật Vượng dường như đã có những tính toán hết sức bài bản. Bởi Credit Suisse không đơn giản trong việc rót đến 800 triệu USD cho một dự án làm liều và có quá nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, khác với bất động sản, giáo dục, nông nghiệp… ô tô là một sản phẩm công nghệ cao, có tính cạnh tranh rất lớn và đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, trong dài hạn. Vì vậy, trong trường hợp này, Credit Suisse dường như đã cùng Vinfast của Vingroup “cưỡi trên lưng hổ” được dẫn dắt bởi vị tỷ phú làm gì cũng thắng vì … "liều"!
Nguyễn Thúy
Theo Báo Thời Đại