Ông Đinh La Thăng cũng từng nói "giá mà..." trước Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Sáng 18/12, tại Hội thảo Mặt trận tổ quốc Việt Nam với công tác phòng chống tham nhũng, bà Nguyễn Thị Bích Ngà - Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng vấn đề đấu tranh phòng chống tham nhũng "ở dưới cơ sở không đơn giản chút nào".
"Qua xem xét các vụ việc với một số cán bộ, cấp cao cũng có, đứng đầu tỉnh cũng có, tôi có cảm giác là họ trơ trẽn. Khi họp, tôi phát biểu tại sao lại có một Bí thư làm việc như thế, không thấy ngượng và có vẻ trơ quá", báo VnExpress ghi lời bà Ngà.
Theo bà Ngà, việc phát hiện hành vi vi phạm, hành vi tham nhũng phải từ quần chúng nhân dân, còn trong tổ chức thì "một trong những biểu hiện suy thoái là dĩ hoà vi quý".
Vì vậy, phải làm sao để cho nhân dân, để mỗi con người, sống phải có tự trọng, sĩ diện, phát huy truyền thống dòng họ thế nào, sống với làng xóm ra sao.
Tham nhũng thường thấy ở người có chức, có quyền, nhưng để họ tham nhũng được thì bộ phận xung quanh phải cùng hoà vào thì mới làm được. Cho nên phải phát động phong trào toàn dân cùng chống tham nhũng, không phải là hô khẩu hiệu.
"Có một người nói vấn đề tâm linh nhiều khi cũng sợ đấy, nếu nhận ra vấn đề tâm linh từ sớm có khi cũng chưa chắc đã tham nhũng, bây giờ mới thấy nhân quả thì cũng đã muộn rồi", báo Người lao động ghi lời nữ ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Bà Ngà cho hay: "Những việc chúng ta làm tích cực trong 2 năm vừa qua là rất hiệu quả. Tuy nhiên, qua một số vụ việc, đặt ra câu hỏi làm thế nào để kịp thời phát hiện tham nhũng?
Nhiều đồng chí cấp cao trong đó có cả đồng chí Đinh La Thăng khi đứng trước UB Kiểm tra TƯ cũng nói giá mà các đồng chí kiểm tra phát hiện sớm thì hậu quả không nặng nề và đúng như vậy".
Uỷ viên UB Kiểm tra TƯ cho rằng, việc kịp thời phát hiện tham nhũng rất quan trọng, phải thông qua giám sát của Mặt trận. Chúng ta có quy chế, dân chủ ở cơ sở, người đứng đầu không thực hiện chúng ta phải biết nhắc nhở, đấu tranh chưa chuyển biến thì phải dùng cấp trên để nhắc...
Còn việc làm thế nào để mà các cơ quan Nhà nước, công quyền đấu tranh trực diện, theo bà Ngà không cần đi vào những công việc cao siêu lắm.
Mặt trận không đặt ra việc phát hiện 15-20 dự án thất thoát hàng nghìn tỷ mà tập trung cho việc nhũng nhiễu ở cơ sở, đơn vị. Việc này đúng là muôn hình vạn trạng, rất khó phát giác nên phải rất tập trung, như vậy sẽ hiệu quả, báo Vietnamnet ghi nhận phát biểu của bà Ngà tại buổi hội thảo.
Vào ngày 8/1/2018, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm.
Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 11 bị cáo bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 (có khung hình phạt từ 10 đến 20 năm tù).
8 bị cáo bị truy tố về tội Tham ô tài sản theo Khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999 (có khung hình phạt từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình)
Riêng Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng GĐ của PVC; Vũ Đức Thuận, Tổng GĐ của PVC bị truy tố cả hai tội danh Tham ô tài sản theo khoản 4 điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 165 Bộ luật Hình sự.
Tổng hợp
Bảo Bình