Ông cụ bị gãy chân và câu nói của chiến sĩ CSCĐ khiến mọi người ấm lòng
Mỗi một câu chuyện đẹp, đầy nhân văn sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội đều hút một lượng lớn sự quan tâm và truyền cảm hứng cho người đọc thêm tin yêu vào cuộc sống bộn bề này. Và câu chuyện các chiến sĩ CSCĐ giúp đỡ ông cụ giữa đêm lạnh dưới đây là một ví dụ như thế.
Dưới đây là nội dung câu chuyện được chia sẻ:
"Tôi xin được kể mọi người nghe 1 câu chuyện cảm động, vừa diễn ra và nó cho chúng ta thấy lòng tốt luôn hiện hữu trong xã hội này, luôn thường trực trong bất kỳ ai.
Cách đây 5 phút, có 6 anh cơ động trở 1 bác vào phòng bảo vệ của Bệnh viện Phụ sản Thanh Hoá khi tôi, em trai và mấy anh em bảo vệ đang ngồi uống nước chè. (Em dâu tôi sắp sinh em bé).
Bác này (quên chưa kịp hỏi tên) xuống thành phố chụp X – quang chân gãy và lỡ xe nên không về được, bác ở Như Thanh. Các anh cơ động thấy bác trên đường nên dừng lại ngỏ ý muốn giúp đỡ. Và chở bác về đây. Mong muốn để bác nghỉ lại mai bắt xe bus về.
Tuy nhiên, đây là cơ quan nhà nước nên không thể để bác ở lại, và mọi người cũng muốn hỏi rõ vấn đề để có cách nào giúp đỡ bác được tốt hơn là việc để bác ở lại đây, lạnh lẽo và mệt mỏi. Hơn nữa con cháu có thể đang rất lo lắng cho bác trong cái thời tiết lạnh giá như thế này.
Rồi bác bắt đầu kể, bác xuống đi chụp, tiền còn có hơn 100k, xe thì bị lỡ chuyến, chân thì đau, đi taxi về nhà con cháu trả thì sợ tốn tiền, điện thoại không có và cũng không nhớ số ai...
Lúc ấy, em trai tôi thấy vậy bảo biếu bác 100k và kêu gọi mọi người cùng các anh cơ động cho bác người 50k, người 100k...Và gọi taxi đưa bác về (anh taxi này cũng ủng hộ bác 100k trừ vào tiền xe).
Ông cụ gãy chân được mọi người tận tình giúp đỡ.
Bác cảm động và đòi xin số mọi người để sau này cảm ơn, đặc biệt là anh cơ động đã giúp đỡ bác nhiệt tình. Nhưng không ai cho số...
Bác lên xe với nụ cười đầy ân huệ.
Và mọi người ở lại chào nhau, nói lời cảm ơn nhau như chính họ mới được nhận 1 ân huệ nào đó, rồi ai trở về việc của người ấy....
Cuộc sống vẫn tiếp diễn, tôi và em trai lại chờ tin thằng cháu trai sắp ra đời mẹ tròn con vuông.
Có lẽ với 1 người khoảng ngoài 60 như bác, bác đã từng trải qua nhiều phép màu như thế, nhưng với hầu hết những người trẻ còn lại, như tôi, tôi thấy thật ấm áp. Lòng tốt của mỗi người quả thực như 1 phép màu và ẩn sâu trong trái tim của chúng ta.
Như lời anh cơ động đã nói: "Bác ơi, bác đừng lo. Xung quanh bác còn nhiều người tốt lắm, và mọi người sẽ giúp bác"
Không phải ai là cơ động cũng xấu và chưa hẳn ai là người bình thường cũng tốt các bạn nhé.
Hãy chia sẻ để lan toả điều tốt đẹp nhé".
Liên lạc với đồng chí CSCĐ đã giúp đỡ ông cụ nhiệt tình trong câu chuyện, chúng tôi được biết, anh là Trung úy Lê Văn Dương, hiện đang công tác tại Phòng Cảnh sát Cơ động – Công an Tỉnh Thanh Hóa.
Đêm đó, anh cùng 5 đồng chí khác trong tổ tuần tra đang thực hiện nhiệm vụ thì bắt gặp ông cụ đang loanh quanh ở khu vực Cầu Voi, phường Đông Vệ (Tp Thanh Hóa).
Đêm đã khuya, thấy ông cụ bị thương ở chân, tay thì chống nạng, anh Dương cùng các đồng chí khác ngỏ ý giúp đỡ và đưa ông cụ về Bệnh viện Phụ sản (cách đó khoảng 200m), xin cho ông cụ ngủ nhờ trong phòng bảo vệ của bệnh viện.
Biết ông cụ cả tối chưa ăn gì, anh Dương liền mua 2 chiếc bánh mì và 1 chai nước biếu cụ lót dạ.
Tuy nhiên việc ngủ lại phòng bảo vệ của bệnh viện cũng gặp nhiều bất tiện nên mọi người vì thế nghĩ cách khác để giúp đỡ ông. Sau cùng, người 50 nghìn, người 100 nghìn, các đồng chí CSCĐ và những người xung quanh chung tay giúp đỡ, gọi taxi đưa ông về nhà.
Lúc đầu, ông cụ ngại không dám nhận tiền. Để động viên ông yên tâm đón nhận sự giúp đỡ của mọi người, anh Dương thủ thỉ: "Bác ơi, bác đừng lo. Xung quanh bác còn nhiều người tốt lắm, và mọi người sẽ giúp bác". Câu nói tuy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa, khiến những người chứng kiến không khỏi xúc động.
Các đồng chí CSCĐ cùng người dân giúp đỡ ông cụ bị gãy chân.
Anh Dương bộc bạch: "Thật sự là rất vui khi giúp đỡ được bác. Mình cảm nhận được tình người, sự đồng cảm của con người dành cho nhau. Mình rất chân trọng những tình cảm đó. Tuy nhỏ nhưng rất thiêng liêng và ai cũng có thể làm được".
Tình cảm cho đi, không mong được báo đáp, anh Dương và mọi người đã từ chối khi ông cụ hỏi xin số điện thoại để sau này trả ơn. Việc làm của các anh tuy nhỏ nhưng cũng đủ khiến ai đó ấm lòng giữa đêm lạnh.
Ảnh: facebooker Lâm Nguyễn
Bích Ngọc