Nút thắt "cục nợ" được xử lý, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) chính thức nộp hồ sơ niêm yết lên HOSE
BSR là đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất với tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD |
Theo thông tin từ Công ty CP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (mã BSR), ngày 21/8/2024, BSR đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 3,1 tỷ cổ phiếu BSR lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), tương ứng số vốn điều lệ hiện tại hơn 31.004 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 12/8/2024, HĐQT của BSR đã thông qua nghị quyết về việc triển khai niêm yết cổ phiếu BSR tại HOSE. Theo đó, BSR sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông để lập sổ đăng ký cổ đông với Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, chuẩn bị, nộp hồ sơ và thực hiện các thủ tục liên quan để niêm yết cổ phiếu BSR trên HOSE trong năm 2024.
Gỡ được "nút thắt" cuối cùng trong kế hoạch chuyển niêm yết sang HOSE
Kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE đã được BSR ấp ủ nhiều năm nhưng do còn vướng một vài tiêu chí nên chưa thực hiện được. Cụ thể, từ tháng 1/2018 BSR đã tổ chức IPO thành công và cổ phiếu BSR được đưa vào giao dịch tại sàn UPCOM thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) từ tháng 3/2018.
Trong giai đoạn từ năm 2020-2023, BSR chưa thể niêm yết cổ phiếu tại HOSE do mới đáp ứng đủ 8/9 tiêu chí (vốn điều lệ; được ĐHĐCĐ chấp thuận thông qua; thời gian niêm yết trên sàn UPCOM tối thiểu 2 năm; kết quả kinh doanh 2 năm gần nhất có lãi và ROE năm gần nhất trên 5%; có tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 cổ đông (không phải cổ đông lớn) nắm giữ; cam kết của cổ đông nội bộ về nắm giữ cổ phiếu; không bị xử lý vi phạm trong thời gian 2 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết; có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký niêm yết).
BSR chỉ còn 1 tiêu chí không đáp ứng đó là về các khoản nợ quá hạn, liên quan đến công ty con là Công ty CP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF). Theo báo cáo tài chính, BSR đã tiến hành trích lập dự phòng toàn bộ đối với các khoản công nợ nêu trên đảm bảo loại bỏ hoàn toàn các rủi ro đối với tình hình tài chính của công ty.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, BSR khẳng định đang đôn đốc hoàn thiện các thủ tục để nộp đơn phá sản BSR-BF tại Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời tích cực làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoàn thiện các thủ tục cuối cùng nhằm mục tiêu đưa cổ phiếu BSR niêm yết tại HOSE sớm nhất.
Vào ngày 15/8 vừa qua, BSR đã công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét. Kết luận của kiểm toán viên tại báo cáo này nêu rõ ngày 27/5/2024, tòa án đã ban hành Quyết định số 01/2024/QĐ-MTTPS mở thủ tục phá sản đối với BSR-BF nên đã chấm dứt quyền kiểm soát của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn tại BSR-BF và theo đó, báo cáo tài chính của BSR-BF được chấm dứt hợp nhất vào báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của BSR từ ngày này. Điều này đồng nghĩa với việc BSR giải quyết được tiêu chí: các khoản nợ quá hạn và đủ điều kiện niêm yết trên HOSE.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán DSC cho biết việc BSR đã thành công xóa khoản nợ quá hạn của BSR-BF (tương đương 1.127 tỷ đồng) bằng cách điều chỉnh khoản đầu tư vào BSR-BF từ khoản đầu tư vào công ty con thành góp vốn vào đơn vị khác trong báo cáo tài chính quý II/2024 đã giúp toàn bộ các vướng mắc liên quan đến việc niêm yết cổ phiếu BSR trên HOSE được giải quyết.
DSC kỳ vọng BSR sẽ được chấp thuận niêm yết trên HOSE trong nửa cuối năm 2024, sẽ nâng cao tính minh bạch cũng như cải thiện tính thanh khoản của cổ phiếu.
Diễn biến cổ phiếu BSR từ đầu năm đến nay |
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên ngày 21/8, thị giá cổ phiếu BSR dừng tại 24.300 đồng/cổ phiếu với thanh khoản gần 15 triệu đơn vị. Thị giá này cũng gần như là mức cao nhất 2 năm gần đây của cổ phiếu BSR và với thị giá này, vốn hóa thị trường của BSR đang ở mức 75.342 tỷ đồng.
Nếu được chấp thuận chuyển sàn sang niêm yết tại HOSE, BSR được kỳ vọng trở thành một cổ phiếu Blue-chip và có thể lọt vào rổ VN30 trong tương lai không xa.
Doanh thu nửa cuối năm kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại
Về hoạt động kinh doanh, quý II/2024 BSR doanh thu và lợi nhuận của BSR giảm lần lượt 27,4% và 42,8% so với cùng kỳ, đạt 24.428 tỷ đồng và 768 tỷ đồng chủ yếu do sản lượng tiêu thụ giảm hơn 30% so với cùng kỳ do nhà máy phải tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng vào tháng 4; crack spread khu vực thu hẹp từ mức bình quân 13,7 USD/bbl trong quý II/2023 xuống trung bình còn 12 USD/bbl trong quý II/2024 và giá dầu giảm khiến chi phí trích lập dự phòng hàng tồn kho tăng nhẹ 65 tỷ đồng trong quý.
Biên lợi nhuận gộp trong kỳ cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ quý III/2022 do giá dầu thô cũng như crack spread giảm mạnh. Bù lại lợi nhuận sau thuế được nâng đỡ một phần bởi khoản đánh giá lại chi phí từ việc thay đổi phương pháp hợp nhất công ty con BSR-BF, tương đương 390 tỷ đồng. Dù vậy kết quả kinh doanh quý II của BSR nhìn chung vẫn khá ảm đạm so với các quý gần đây.
Tính chung 6 tháng đầu năm, công ty đạt mức doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 55.118 tỷ đồng và 1.884 tỷ đồng, hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu và vượt 64% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho năm 2024.
Với kết quả trên, DSC tiếp tục giữ mức dự phóng kết quả kinh doanh năm 2024 của BSR với doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 126.957 tỷ (giảm 14% so với năm 2023) và 6.456 tỷ (giảm 25% so với năm 2023) trên cơ sở một số luận điểm là BSR sẽ quay trở lại hoạt động 100% công suất thậm chí đạt 115% trong 6 tháng cuối năm 2024, tuy nhiên giá dầu sẽ khó tăng mạnh, dẫn đến crack spread khó nới rộng.
Về tình hình tài chính, DSC đánh giá sức đề kháng của BSR trước các tác động tài chính vẫn rất tốt khi công ty sở hữu khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lên tới gần 40.000 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của BSR - Nguồn BSR, DSC |
Đồng quan điểm, Chứng khoán Dầu khí (PSI) cũng dự báo BSR sẽ tăng sản lượng trong 6 tháng cuối năm để bù đắp cho lượng sản phẩm đã bị hao hụt trong thời gian bảo dưỡng tổng thể nhà máy, vì thế doanh thu nửa cuối năm được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh so với 6 tháng đầu năm.
BSR cũng đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 50.000 tỷ đồng nhằm cân đối nguồn vốn cho dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Dự án đặt mục tiêu hoàn thành vào tháng 3/2028, kỳ vọng nâng công suất chế biến dầu thô của BSR lên 171.000 thùng/ngày, tương đương 15%. Hiện phương án tăng vốn đang được báo cáo với cổ đông lớn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, ngày 14/8 vừa qua, HĐQT của BSR cũng vừa thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 7% (tương ứng 700 đồng/cổ phiếu). Với 3,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, BSR dự kiến sẽ chi ra khoảng 2.170 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Nguồn vốn thực hiện trích từ lợi nhuận sau thuế năm 2023. Thời gian thực hiện là ngày 11/11/2024, ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông là 15/10/2024.