Nước Anh đang cố gắng bảo vệ thuộc địa cuối cùng ở châu Phi
Giai đoạn thập niên 1940-1970 là thời kỳ các đế chế, cường quốc xâm chiếm thuộc địa, mở rộng nguồn tài nguyên khai thác cũng như thị trường. Nổi tiếng nhất trong thời kỳ này phải nói đến Đế quốc Anh với câu nói tự hào: "Mặt trời không bao giờ tắt trên đế quốc" để nói đến sự rộng lớn của các thuộc địa trên toàn cầu.
Tuy nhiên hiện nay đã là năm 2018 và khái niệm thuộc địa giờ đây gần như đã bị quên lãng. Thay vì tốn tiền của mang quân đội đi xâm chiếm, các quốc gia thích dùng kinh tế, thương mại và các chiến lược mềm để tiết kiệm nguồn lực nhưng vẫn đạt được lợi ích. Hơn nữa, dân trí của người dân đã được nâng cao và chẳng quốc gia nào muốn tiêu tốn sinh mệnh những người con của mình vào cuộc chiến vô bổ.
Trớ trêu thay, hiện Anh đang phải chật vật để bảo vệ thuộc địa cuối cùng của mình ở châu Phi. Trên thực tế, đây là một cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Anh và nước Mauritius đối với chủ quyền của hòn đảo Chagos, nằm ở nam Ấn Độ dương gần khu vực Malpes.
Vào năm 1965, Đế quốc Anh mua lại hòn đảo này ngay trước khi Mauritius tuyên bố giành độc lập 3 năm sau đó. Điều này có nghĩa là khi Mauritius giành độc lập vào năm 1968, đảo Chagos đã thuộc chủ quyền của đế quốc Anh.
Vấn đề ở đây là có khoảng 2.000 người thổ dân sinh sống trên đảo Chagos và lãnh thổ này đóng vai trò quan trọng cho nền văn hóa Mauritius. Khi mua lại được hòn đảo, đế quốc Anh đã xua đuổi những người thổ dân nơi đây nhằm xây căn cứ quân sự.
Kể từ năm 1971, hòn đảo này chỉ còn lại những nhân viên quân sự cùng lao công hợp đồng xây dựng sinh sống.
Trong tháng 9 này, Hội đồng tòa án quốc tế (ICI) sẽ thảo luận về số phận của hòn đảo Chagos và nghe tham luận từ các quốc gia. Phía Anh có 3 nước ủng hộ quyền thống trị của họ với Chagos là Mỹ, Israel và Australia.
Về phía ngược lại, Mauritius có sự hậu thuẫn của 17 nước như Đức, Thái Lan, Nam Phi, Argentina, Ấn Độ…
Suốt nhiều năm kể từ khi bị đuổi khỏi quê hương, những người dân của Chagos đã liên tục vận động hành lang để có thể quay lại sinh sống nơi đây. Tuy nhiên các nỗ lực của họ không có nhiều tiến triển khi Anh đã quân sự hóa khu vực trong khi Tòa án quốc tế chưa có một phán quyết chính thức nào.
Đại diện Hội đồng cố vấn pháp luật của chính phủ Anh, ông Robert Buckland thừa nhận việc ép buộc những người dân của đảo Chagos phải rời bỏ quê hương là một hành động sai trái và đáng xấu hổ nhưng quốc gia của ông đã thanh toán 3 triệu Bảng Anh khi mua lại Chagos, đó là chưa kể đến khoản tiền hỗ trợ 4 triệu Bảng Anh (5,2 triệu USD) và 1 triệu Bảng Anh tiền đất vào năm 1982 cho chính phủ Mauritius.
Đảo Chagos
AB