Nửa triệu người Hong Kong biểu tình lớn nhất trong 15 năm
Các con phố của Hong Kong chật kín người biểu tình. Ảnh: Reuters |
Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ năm 2003, khi hơn 500.000 người đã xuống đường nhằm phản đối dự luật dẫn độ mới của Hong Kong.
Cuộc biểu tình đã làm tăng áp lực lên chính quyền của Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga và những người ủng hộ bà ở Bắc Kinh.
"Bà ấy cần phải từ chức ngay", nhà lập pháp kỳ cựu của Đảng Dân chủ James To nói với đám đông bên ngoài trụ sở chính phủ vào tối Chủ nhật. "Toàn bộ Hong Kong chống lại bà ấy", ông nói thêm.
Người biểu tình cầm những tấm biểu ngữ. Họ cho rằng dự luật nhằm dành cho Trung Quốc đại lục. |
Cuộc biểu tình bắt đầu từ công viên Victoria lúc gần 15h00 chiều kéo dài đến nửa đêm, rất nhiều người biểu tình cầm biểu ngữ tham gia. Những tiếng hô "Không dẫn độ sang Trung Quốc" vang lên trên khắp đường phố. Số khác kêu gọi đặc khu trưởng Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải từ chức.
Người biểu tình gồm đủ mọi tầng lớp, từ sinh viên đến công chức, từ gia đình mang theo trẻ nhỏ trên xe đẩy đến những người già.
Chính phủ đã phải huy động hơn 2000 cảnh sát để đối phó tình hình. Cảnh sát buộc phải đóng cửa các ga tàu Wanchai và Mongkok nhằm nỗ kiểm soát đám đông trong vòng một giờ kể từ khi cuộc tuần hành bắt đầu. Rất nhiều người bị kẹt ở các ga tàu điện ngầm, chờ tham gia. Cuộc tuần hành kết thúc vào lúc 22h (giờ địa phương).
Tuy nhiên, sau đó, một nhóm người vẫn ở lại và cố gắng xông vào trụ sở chính phủ. Một vài người ném chai nước vào cảnh sát khiến lực lượng cảnh sát phải sử dụng đến dùi cui và hơi cay để ngăn cản bạo lực. Nhiều cảnh sát và người biểu tình đã bị thương, phải nhập viện.
Đến tối, dòng người biểu tình vẫn rất đông. Ảnh: reuters |
Chỉ đến khi cảnh sát chống bạo động xuất hiện, tình hình mới được kiểm soát, đám đông nhanh chóng bị giải tán vào lúc 12h30, rạng sáng 10/6.
Trước đó, chính phủ Hong Kong đã dự thảo đạo luật mới nhằm đơn giản hóa thủ tục cho phép dẫn độ nghi phạm bị truy nã. Theo đó, tuỳ theo từng vụ việc, chính quyền Hong Kong sẽ xem xét liệu có nên dẫn độ các nghi phạm tới những nước mà Hong Kong không có thoả thuận dẫn độ chính thức hay không. Ví dụ như Trung Quốc đại lục, hay cả Macau và Đài Loan. Hiện tại, Hong Kong có thoả thuận dẫn độ với 20 quốc gia.
Dự thảo luật này sẽ được bỏ phiếu thông qua thành luật vào cuối tháng 6/2019.
Theo Reuters, người dân hay thậm chí cả thẩm phán cấp cao của Hong Kong cũng lo ngại về sự công bằng và minh bạch của tòa án Trung Quốc đại lục.
Giới chuyên gia cho rằng dự luật mới sẽ khiến tất cả những ai ở Hong Kong đứng trước nguy cơ bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ vì lý do chính trị hoặc sơ suất vi phạm về kinh doanh, đồng thời làm tổn hại tới hệ thống pháp lý của Hong Kong.
Cuộc biểu tình đã trở nên bạo lực khi nhóm người cố xông vào trụ sở chính phủ. Ảnh: Reuters |
Một sinh viên trong cuộc biểu tình cho hay: "Hong Kong là một trong hai đặc khu theo quy chế "một quốc gia, hai chế độ" của Trung Quốc, với nền tư pháp độc lập. Luật dẫn độ sẽ đe dọa trực tiếp đến các giá trị cốt lõi và luật pháp của Hong Kong. Nó sẽ xóa đi bức tường độc lập của nền tư pháp Hong Kong".
Trong khi đó, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho rằng người biểu tình đã hiểu sai mục đích của dự luật. Dự luật mới không phải chỉ dành cho Trung Quốc đại lục mà được thực thi công bằng với tất cả lãnh thổ tài phán. Đồng thời, bà cho biết chính quyền Hong Kong sẽ thúc đẩy quá trình thông qua dự luật này.
Hiện nay, Trung Quốc đang lo ngại rằng Hong Kong đang trở thành điểm tị nạn hoặc trung chuyển cho các quan chức tham nhũng và doanh nhân trốn khỏi Trung Quốc đại lục. Vì vậy, một số quan chức cấp cao của Trung Quốc rất ủng hộ dự luật và cho rằng dự luật sẽ cải thiện hệ thống tư pháp của Hong Kong.
Cảnh sát phải sử dụng đến dùi cui và hơi cay nhằm kiểm soát tình hình. Ảnh: reuters |
Về phía Mỹ và các nước châu Âu bày tỏ phản đối dự luật này. Các quan chức Mỹ và châu Âu đã chỉ trích dự luật, cho rằng nó ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh doanh quốc tế và nhân quyền do thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến luật pháp của Hong Kong.
Theo CNN cho biết, Đài Loan khẳng định sẽ từ chối hợp tác với luật mới nếu luật này khiến công dân của họ đứng trước nguy cơ bị dẫn độ sang Trung Quốc đại lục.