Nóng: Trung Quốc đã cài chíp gián điệp vào máy chủ của Apple và Amazon
Nếu những thông tin mà Bloomberg vừa công bố là đúng thì vấn đề an ninh tại các trung tâm dữ liệu của cả Amazon và Apple là vô cùng nghiêm trọng, không loại trừ các cơ quan thuộc chính phủ thậm chí cả Bộ Quốc phòng Mỹ cũng trở thành nạn nhân.
Theo lời của bài báo trên, các bo mạch (phần cứng) mà Amazon, Apple và nhiều công ty khác đã lắp đặt tại các trung tâm dữ liệu của họ, chúng đã được nhập từ Công ty Supermicro của Trung Quốc, trong đó ẩn giấu một con chip rất nhỏ, chỉ tương đương đầu bút chì và đây chính là một con chíp gián điệp của Trung Quốc.
Con chíp gián điệp cài đặt vào máy chủ của Apple và Amazon chỉ bé như đầu bút chì. Ảnh minh họa.
Theo Bloomberg, Trung Quốc có thể đã sử dụng các chip này để theo dõi các công ty nhờ thông tin được truyền qua mạng lưới của họ. Đây được xem là vụ "tấn công phần cứng" có quy mô lớn nhất của Trung Quốc mà chính quyền Mỹ vừa phát hiện.
Vụ việc tấn công bằng phần cứng này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, và rất nhiều thông tin giá trị khác của các công ty hàng đầu tại Mỹ - các chuyên gia an ninh nhận định.
Tuy nhiên, cả Apple và Amazon đều kịch liệt bác bỏ tính chân thực của bài báo trên.
“Chúng tôi vô cùng thất vọng khi trong cuộc phỏng vấn, phóng viên của Bloomberg cũng không dám chắc rằng các nguồn tin của họ hoàn toàn đúng. Chúng tôi cho rằng, họ đang nhầm lẫn với báo cáo năm 2016 khi chúng tôi phát hiện ra một trình điều khiển bị gắn chip gián điệp trên một server của Supermicro. Vụ việc sau đó đã được xác định là ngẫu nhiên và không phải là một cuộc tấn công có mục tiêu vào Apple”, Apple mạnh mẽ phản pháo.
Còn phía Amazon, trên Amazon Web Services cũng tuyên bố: "Không tìm thấy bằng chứng nào về các chip nguy hiểm hoặc lỗi điều khiển trên phần cứng."
Cả Apple và Amazon đã sử dụng các sản phẩm của Supermicro tại các trung tâm dữ liệu của họ cho đến năm 2015 và 2016, khi cả hai công ty đột ngột nâng cấp phần cứng và thông báo chuyển đổi nhà cung cấp khác với lý do được đồn thổi rằng việc loại bỏ các hệ thống do Supermicro cung cấp là do cả hai công ty này đều phát hiện ra chip gián điệp siêu nhỏ trên hệ thống của họ.
Amazon cũng dừng hoạt động kinh doanh máy chủ tại Trung Quốc vào năm ngoái với lý do "rủi ro về an ninh mạng".
Thông tin từ bài báo của Bloomberg ngay lập tức đã dấy lên nhiều nghi vấn và hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra. Chẳng hạn, nếu những cáo buộc về chip gián điệp Trung Quốc là chính xác, tại sao Apple và Amazon lại phải phủ nhận điều đó?
Về việc này có hai cách lý giải. Một, có thể do hai “ông lớn” lo ngại giá ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, hoặc một lý do khác phải kể đến đó là cả hai sẽ phải đối mặt với cuộc điều tra của chính phủ Mỹ, trong bối cảnh các vụ bê bối về rò rỉ dữ liệu của các ông lớn làng công nghệ, chưa kể đây là thời điểm “nhạy cảm” khi cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra hết sức khốc liệt giữa 2 nền kinh tế đứng đầu thế giới.
An An