Nỗi lo xăng tăng giá khi mỗi lít gánh thuế bảo vệ môi trường tối đa 8.000 đồng
Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng là cần thiết
Hiện mức thuế bảo vệ môi trường của xăng và nhiên liệu bay đang áp dụng là 3.000 đồng/lít. Nhưng mới đây, theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường mới được Bộ Tài chính công bố, mức thuế có thể ở mức 3.000-8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 3.000-6.000 đồng/lít, dầu diesel 1.500-4.000 đồng/lít. Xăng E5, E10 có thể có khung mức thuế từ 2.700 đến 7.200 đồng/lít và 2.500-6.800 đồng/lít…
Xăng sẽ tăng cùng với việc tăng thuế bảo vệ môi trường. (Ảnh minh họa)
Theo Bộ Tài chính việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường trên với xăng là cần thiết và phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, dự thảo trên đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi của các ban ngành từ trung ương đến địa phương cũng như các tổ chức, doanh nghiệp và người dân nên Bộ Tài chính chưa trình Chính phủ xem xét, thảo luận.
Theo quy định, trước khi trình dự thảo Luật Thuế Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ Tài chính phải hoàn thiện trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đánh giá toàn diện các tác động tích cực, tiêu cực của chính sách đến kinh tế - xã hội trong trước mắt và lâu dài,... để báo cáo Chính phủ xem xét, thảo luận trước khi trình Quốc hội quyết định.
Nỗi lo xăng tăng giá
Việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng lên 3.000 - 8.000 đồng/ lít theo Dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng, nhất là với lái xe, nhà kinh doanh, cho đến doanh nghiệp, nhà kinh tế... Những người sử dụng phương tiện môtô, ôtô, đến lái taixi và kinh doanh xăng dầu đều có chung suy nghĩ, việc tăng tối đa thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng đồng nghĩa với việc xăng cũng tăng giá thêm 8.000 đồng. Lái xe taxi lo ngại, xăng tăng thì giá xe cũng phải tăng theo và lượng khách sẽ giảm nhanh chóng.
Không chỉ lái xe, doanh nghiệp vận tải lo lắng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng cũng làm các nhà nghiên cứu kinh tế vào cuộc. Theo VietnamNet, 9 giờ sáng ngày 5/2, tại một quán café trên phố Liễu Giai (Hà Nội), khoảng 10 nhà nghiên cứu kinh tế của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện Chiến lược phát triển, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, các chuyên gia tư vấn độc lập,... đã có một buổi họp mặt để bàn về vấn đề này.
Các nhà nghiên cứu cùng thảo luận để xây dựng một “nhóm nghiên cứu tình nguyện” đánh giá các tác động cụ thể của việc tăng thuế bảo vệ môi trường đến người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế cũng như môi trường; lộ trình áp dụng thế nào; lợi ích các bên như ngân sách, người dân, doanh nghiệp ra sao,... với những con số được định lượng. Kết quả nghiên cứu này sẽ được gửi tới các cơ quan thẩm quyền để góp thêm tiếng nói có trách nhiệm cho một vấn đề quan trọng.
Minh Hà (t/h)