Nỗi đau đớn của phụ nữ Nepal trong kỳ kinh nguyệt: Không được ngủ tại nhà, có người chảy máu tới chết
Nepal là một quốc gia với địa hình bậc thang, trải từ dãy núi cao Himalaya xuống vùng đồng bằng phía nam. Lưng chừng đất nước, tại vùng núi xa nhất phía tây, cuộc sống của người dân thay đổi mỗi ngày. Với Ishwari Joshi, cô bắt đầu những nghi thức tồn tại từ bao đời nay mà mẹ và bà cô từng làm: Dọn khỏi nhà khi đến kỳ kinh nguyệt.
Trong văn hóa Nepal, tập tục này được gọi là "chhaupadi" - cái tên nói về việc người phụ nữ trở nên không sạch sẽ khi bị chảy máu, ám chỉ về kỳ kinh nguyệt.
"Tôi có kinh lần đầu khi 15 tuổi. Lúc đó, tôi phải dọn ra ngoài ở trong suốt 9 ngày".
Những người phụ nữ sẽ dọn ra khỏi nhà trong kỳ kinh nguyệt.
Chúng tôi không được ngủ ở nhà
Ngôi làng của Ishwari, Dhamilekh nằm trên một đỉnh đồi, hướng nhìn về phía những dãy núi xanh và thung lũng xanh tươi. Chỉ có khoảng 100 gia đình sống ở đây, quây quần với những ngôi nhà 3 tầng trát bùn đơn sơ. Gia súc ở dưới cùng, gia đình sống ở tầng giữa còn tầng trên cùng để nấu nướng.
Khi một người phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt, cô ấy sẽ phải rời khỏi gia đình và sống trong một chiếc lều. Chật hẹp và đơn sơ, chẳng có giường chiếu gì, nó được chia sẻ với những người phụ nữ từ các gia đình khác. Ở đây, họ không thể nấu nướng, ăn uống đủ chất dinh dưỡng và cũng không được phép uống hay tắm chung nguồn nước với người dân trong làng. Do điều kiện sống tồi tàn, bẩn thỉu, nhiều phụ nữ đã tử vong vì nhiễm trùng máu.
Những người phụ nữ có kinh phải đi rất xa để sử dụng nguồn nước không chung với dân làng. Họ bị cấm chạm vào cây cối, gia súc và cả đàn ông.
"Họ nói rằng nếu chúng tôi chạm vào con bò, con bò sẽ không cho sữa nữa", Nirmala, bạn của Ishwari cho biết.
"Chúng tôi chưa bao giờ thấy điều đó, nhưng người già trong làng bảo vậy nên đành phải nghe theo".
Họ phải ở trong những túp lều tránh xa gia đình, vật nuôi và nguồn nước của làng.
Kalpana Joshi, 45 tuổi quay lại căn lều trong kỳ kinh nguyệt. Cô nói với những người phụ nữ trẻ khác rằng chẳng có gì đáng sợ cả. Các cô gái lần đầu ra đây, họ sợ bị thú hoang hay những gã say rượu tấn công.
Sau 4 ngày ở trong lều, những người phụ nữ sẽ phải tắm rửa tại một con suối cách nhà một giờ đi bộ và sẽ được "tẩy trần" bằng nước đái bò. Lúc đó thì họ mới có thể về nhà.
Nhiều người nói rằng, trước đây những quy tắc chhaupadi còn nghiêm ngặt hơn rất nhiều. Phụ nữ có kinh sẽ bị đầy ải đến những vùng xa xôi hơn bây giờ rất nhiều. Tuy nhiên, dù có vẻ "dễ thở" hơn so với trước kia, tập tục này vẫn khiến phụ nữ Nepal kinh sợ.
"Tôi nói với bố mẹ tôi rằng tôi sẽ không ra khỏi nhà, tại sao tôi phải ra?", Laxmi, 22 tuổi cho biết. "Cha mẹ tôi giận dữ nhưng các anh tôi hiểu điều đó nên họ cũng không phiền nếu tôi ở nhà".
Có những người phụ nữ đã thiệt mạng vì hủ tục này.
Laxmi biết rằng việc cô phản đối sẽ không có tác dụng gì lắm khi cô lấy chồng và sẽ chuyển tới nhà chồng.
"Nếu gia đình chồng cứ khăng khăng như vậy, tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi bị ép phải ngủ ở ngoài nhà", Laxmi ngẫm nghĩ.
Chảy máu trong kỳ kinh nguyệt: thứ máu dơ bẩn, độc hại
Đó là những gì người ta nghĩ về máu của phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt.
Tại làng Dhamilekh, những người đàn ông đi làm xa và để lại phần lớn phụ nữ ở làng làm các công việc đồng áng, chăn thả gia súc. Tuy vậy, bất chấp việc thiếu lao động, họ vẫn tin rằng duy trì chhaupadi là điều cần thiết.
"Tôi từng bị ốm vì vợ chạm vào người mình khi cô ấy tới kỳ kinh nguyệt", ông Shankar Joshi, 74 tuổi cho biết.
Nhiều người đàn ông coi máu của phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt là thứ dơ bẩn.
"Tôi nghĩ rằng việc duy trì truyền thống này sẽ giúp giữ vệ sinh môi trường và an toàn trong gia đình", Yagya, một thanh niên trong làng chia sẻ.
"Máu của phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt là thứ dơ bẩn", anh nói thêm.
Không ai biết rõ chính xác truyền thống này có từ bao giờ. Có người cho rằng nó xuất phát từ đạo Hindu. Người dân làng Dhamilekh, cũng như 80% dân số Nepal là tín đồ của đạo Hindu.
"Nếu một người phụ nữ không tự cách ly bản thân mình, những thứ bẩn thỉu trong người cô ấy có thể truyền qua chồng mình khi quan hệ. Điều đó sẽ dẫn đến nhiều bệnh tật trong gia đình", Narayan Prasad Pokharel - một tu sĩ cho biết.
Thậm chí hàng năm còn có những nghi thức tôn giáo để phụ nữ "chuộc tội" vì làm vấy bẩn môi trường hay những người đàn ông xung quanh. Trong nghi lễ Rishi Panchami, những người phụ nữ sẽ nhịn ăn và tắm trên dòng sông thiêng.
Phụ nữ tẩy trần trên dòng sông.
Tuy bắt nguồn từ các yếu tố tôn giáo, chhaupadi đang trở nên phổ biến trong xã hội. Có nhiều nơi, họ ép những người phụ nữ làm vậy chỉ bởi vì tại nơi họ sinh sống, nhiều thế hệ trước cũng tiến hành hủ tục này, dù cộng đồng có rất nhiều người theo đạo Phật hay các tôn giáo khác.
Vào năm 2015, tòa án tối cao Nepal đã quyết định cấm hủ tục này. Tuy nhiên, tại các vùng nông thôn, vùng núi, mọi thứ chuyển biến hết sức chậm chạp.
Những cô gái thành thị
Tại thủ đô Kathmandu, nơi các bé gái được học về vấn đề kinh nguyệt tại trường học và có thể mua băng vệ sinh dễ dàng tại các cửa hàng, những tưởng hủ tục này sẽ biến mất nhưng không, nó vẫn còn tồn tại.
"Mẹ tôi nói tôi không được chạm vào cây cối, đặc biệt là cây ăn quả khi đến kỳ kinh nguyệt", Nirmala - một thiếu nữ sống tại Kathmandu cho biết.
Với Divya, cô bị cha mẹ cấm tham gia các hoạt động tôn giáo trong kỳ kinh nguyệt.
Phụ nữ thành thị không còn bị trói buộc bởi hủ tục này.
"Tôi cảm thấy rất buồn. Tại sao tôi lại bị cấm đoán như vậy. Đó là lẽ tự nhiên mà mọi phụ nữ đều trải qua thôi mà", Divya chia sẻ.
Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, đặc biệt tại thành thị; các cô gái trẻ không còn bị trói buộc bởi những hủ tục như vậy nữa. Họ đã có thể tự tin với bản thân và thoải mái làm những điều mình muốn.
Thiêu rụi những túp lều chhaupadi
Trong suốt 2 năm vừa qua, cơ quan địa phương và nhiều tổ chức phi chính phủ đã tổ chức các chiến dịch thiêu rụi những căn lều chhaupadi tại Majihigaun, một khu vực hẻo lánh tại Nepal. Devaki Joshi, một người dân làng cho biết:
"Ngày xưa, mọi người không được tắm và giặt trong khi có kinh nguyệt. Chính vì thế, cơ thể họ dễ nhiễm trùng và dẫn đến tử vong. Tuy nhiên giờ đây, mọi thứ đang dần thay đổi".
Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận sự thay đổi này, ngay cả bản thân những người phụ nữ. Cách cửa hàng của chị Devaki không xa, Chiutari Sunar ngồi bên ngoài nhà với mẹ chồng.
Những hủ tục như vậy cần được xóa bỏ.
"Chúng tôi vẫn sẽ duy trì truyền thống này", cô vừa nói rồi chỉ về phía túp lều gần chuồng trâu. Đó là nơi cô sẽ ở trong kỳ kinh nguyệt khi túp lều cũ đã bị phá bỏ.
"Trong nhà tôi, khi phụ nữ hành kinh, chúng tôi không thể đi vào nhà, dù chính quyền có nói gì đi chăng nữa. Đây là điều cực kỳ quan trọng mà phụ nữ cần ghi nhớ".
Nhiều người phụ nữ khác trong làng cũng không muốn thay đổi. Sẽ cần có một khoảng thời gian trước khi hủ tục này biến mất hoàn toàn. Nhân viên xã hội Pema Lhaki cho biết thay đổi thái độ của mọi người không chỉ nằm ở việc nói cho mọi người biết chhaupadi là một điều gì đó xấu xí. Chị muốn những thiếu nữ Nepal cảm thấy hạnh phúc, tôn trọng bản thân trong những kỳ kinh nguyệt.
"Ai nói đó là điều dơ bẩn? Nó mang lại cuộc sống cho chúng ta. Tôi muốn phụ nữ biết rằng kỳ kinh nguyệt cũng mang một sức mạnh tiềm tàng", chị Pema cho biết.
"Dòng máu đó, nó không dơ bẩn. Nó có nhiều ý nghĩa với cuộc sống này".
"Dòng máu đó, nó không dơ bẩn. Nó có nhiều ý nghĩa với cuộc sống này".
Skye