Nikkei: Việt Nam giống như ánh nắng sáng chói trong bầu trời u ám của Trade War
Theo tờ Asian Nikkei Review, Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh thương mại toàn cầu căng thẳng do xung đột giữa 2 cường quốc Mỹ-Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thuộc hàng nhanh trên thế giới trong khi dân số trẻ và nền chính trị ổn định.
Hơn nữa, hàng loạt những tập đoàn lớn như Samsung hay Nestle đang đổ tiền vào Việt Nam để xây nhà máy, qua đó thúc đẩy điều kiện sống cũng như thị trường tiêu dùng, lao động. Vào tháng 5 vừa qua, Fitch Ratings đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ "BB-" lên "BB" với triển vọng "ổn định" do dự trữ ngoại hối tăng kèm tăng trưởng kinh tế tốt.
Tuy nhiên, tờ Nikkei cũng cho rằng Việt Nam vẫn sẽ gặp rủi ro trước nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng như những động thái nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Chính phủ Việt Nam đã có những động thái nhằm đối phó với các khả năng tiêu cực ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên động thái đánh thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế lớn thứ 6 tại Đông Nam Á này. Theo nhiều dự đoán, tăng trưởng của Việt Nam trong quý II/2018 sẽ thấp hơn mức 7,5% của quý I.
Nguyên nhân chính của tình trạng này ngoài sự suy giảm đầu tư công và sản lượng ngành khai khoáng đi ngang thì tác động từ ngành xuất khẩu là khá rõ ràng. Nhiều chuyên gia cho rằng dù xuất khẩu trong tháng 1-6/2018 cao hơn 16% so với cùng kỳ năm trước nhưng việc Mỹ đánh thuế sắt và nhôm tương ứng 25% và 10% sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam chịu ảnh hưởng trong thời gian tới.
Cũng tương tự như nhiều quốc gia Châu Á khác, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của các nước xung quanh.
Không riêng gì Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam là Hàn Quốc cũng đang gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc quý IV/2017 ở mức âm lần đầu tiên trong suốt 9 năm. Tồi tệ hơn, tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc tháng 6/2018 giảm xuống còn 0,1%, thấp hơn rất nhiều mức tăng 13,2% của tháng 5/2018.
Khó khăn của kinh tế Hàn Quốc tác động không nhỏ đến Việt Nam do đây là nhà đầu tư dài hạn lớn. Hàng loạt các tập đoàn lớn như Samsung, Lotte hay LG đã đổ hàng chục tỷ USD vào Việt Nam nhằm dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc do gia tăng chi phí lao động. Riêng Samsung đã đổ hơn 17 tỷ USD cho 8 nhà máy sản xuất smartphone tại Việt Nam.
Năm 2017, Samsung đóng góp 54 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tương ứng 28% GDP. Khi xung đột thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng đến Hàn Quốc, chắc chắn dòng vốn đầu tư vào Việt Nam cũng chịu thiệt hại.
Kịch bản tích cực
Tuy có rủi ro nhưng nhiều chuyên gia cũng đánh giá Việt Nam có cơ hội khi Mỹ-Trung xung đột thương mại. Ngay từ trước những động thái tăng thuế của Tổng thống Trump, các nhà đầu tư từ Châu Âu, Nhật bản hay Hàn Quốc đã tìm phương án dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc do chi phí lao động quá cao. Việt Nam và Đông Nam Á trở thành một lựa chọn không tồi cho sự dịch chuyển này.
Dẫu vậy, Nikkei cho rằng Việt Nam sẽ còn phải làm rất nhiều để tái cấu trúc nhằm thu hút các nhà đầu tư, từ việc củng cố hệ thống tài chính, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu cho đến mở cửa thị trường vốn. Đặc biệt, Việt Nam cần đầu tư mạnh hơn nữa cho giáo dục nhằm tận dụng sự bùng nổ của xu thế startup hiện nay.
Hiện nay, khoảng 25% tổng dân số 92 triệu người của Việt Nam là dưới 15 tuổi và với việc đẩy mạnh giáo dục cũng như truyền bá tinh thần khởi nghiệp, Nikkei cho rằng Việt Nam có thể gián tiếp nâng cao được tiêu chuẩn sống của người dân trong tương lai. Tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam trong 12 năm qua là 6,3% và thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 2.385 USD, cao gấp 6 lần so với năm 2000.
Dẫu vậy con số này vẫn còn thấp so với thu nhập bình quân đầu người 9.000 USD của Trung Quốc và liệu Việt Nam có lâm vào bẫy thu nhập trung bình khi đạt 10.000 USD/người hay không vẫn còn là câu hỏi. Tờ Nikkei cho rằng Việt Nam cần duy trì tăng trưởng ổn định nhưng cũng phải giảm sự bất bình đẳng trong xã hội.
Một trong những khuyến nghị của Nikkei là Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc vào các chính sách tiền tệ của chính phủ. Ví dụ tỷ lệ lạm phát 4,7% hiện nay thì có tới 4% là do chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ và nếu lãi suất tái cấp vốn 6,25% hiện nay còn bị cắt giảm tiếp thì tình hình được dự đoán sẽ còn phức tạp hơn.
AB