Nikkei - Nhật Bản: Việt Nam đứng thứ 8 trên bảng xếp hạng chỉ số phục hồi COVID-19
Bảng xếp hàng trên Nikkei (Ảnh: Doanh nghiệp và tiếp thị). |
Theo Nikkei Asia, Việt Nam và Campuchia là hai ví dụ điển hình về sự thăng tiến vượt bậc trên bảng xếp hạng.
Cả hai nước đều có những thành công ban đầu trong việc kiểm soát dịch COVID-19 một năm sau khi dịch bùng phát.
Tuy nhiên, sau đó, Việt Nam và Campuchia đã bị tác động nặng nề bởi biến thể Delta vào giữa năm 2021. Điều này đã buộc hai nước phải thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để khống chế dịch COVID-19, trong đó có phong tỏa.
Tuy nhiên, cả hai nước đã thành công trong việc thực hiện chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó Việt Nam đạt 30 điểm tuyệt đối cho các nỗ lực triển khai chương trình tiêm chủng trong tháng 10/2022, trong khi Campuchia đạt 29 điểm.
Cả hai nước đều đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế liên quan tới dịch COVID-19 và mở cửa hoàn toàn cho du khách nước ngoài.
Các tiến bộ trong việc khống chế dịch COVID-19 đã giúp triển vọng kinh tế của Việt Nam và Campuchia trở nên tươi sáng hơn. Trong báo cáo mới nhất của mình, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay từ 5,3% lên 7,2% và của Campuchia từ 4,5% lên 4,8%.
Trong khu vực châu Á, Trung Quốc, nước đã từng đứng đầu bảng xếp hạng, đứng ở vị trí thứ 46. Trong khi đó, Qatar - quốc gia sẽ đăng cai vòng chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2022 - lại chia sẻ vị trí top đầu cùng với Bahrain và Rwanda.
Đây là lần cuối cùng Nikkei công bố chỉ số này bởi vì nhiều nước đã thay đổi cơ chế xét nghiệm và báo cáo về các ca mắc COVID-19 và một số nguồn dữ liệu không còn được cập nhật thường xuyên, khiến cho việc thu thập dữ liệu chính xác trở nên khó khăn hơn.
Đây là tháng thứ 4 liên tiếp Việt Nam nằm trong top 10 của bảng xếp hạng này.
Nikkei lần đầu công bố bảng xếp hạng chỉ số phục hồi COVID-19 vào tháng 7/2021.
Chỉ số này phản ánh năng lực kiểm soát lây nhiễm, những tiến bộ trong việc tiêm vaccine phòng COVID-19 và việc duy trì các hoạt động xã hội.
Chỉ số này càng cao thể hiện quốc gia/vùng lãnh thổ đó càng tiến gần tới sự phục hồi với tỷ lệ nhiễm mới và tử vong thấp, tỷ lệ bao phủ vaccine cao và có các biện pháp giãn cách xã hội ít nghiêm ngặt hơn.
Vào thời điểm mới công bố tháng 7/2021, Việt Nam đứng ở vị trí 100 trên bảng xếp hạng.
Tuy nhiên, theo Nikkei Asia, kể từ tháng 5/2022 tới nay, Việt Nam đã thăng tiến vượt bậc trên bảng xếp hạng và lọt vào top 10 cách đây 4 tháng.
Ngoài Việt Nam, một số quốc gia Đông Nam Á khác cũng có sự cải thiện đáng kể, trong đó đáng chú ý Campuchia đứng ở vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng với 76,5 điểm, cao nhất ở Đông Nam Á, ngay trước Việt Nam.