Những "ông Bụt" vai áo xanh Bài 4: Em lớn lên cùng bánh mì bộ đội
Những "ông Bụt" vai áo xanh Bài 2: Đổi đời cho 9 đứa trẻ “người rừng” 9 đứa trẻ một gia đình, người Pa Cô sống ở chân cột mốc biên giới Việt Lào. Chúng không biết tiếng phổ thông, không biết chữ, không ngủ giường, không ăn bằng đũa bát... Đám trẻ như thể “người rừng” đã được đổi đời và trở thành những công dân, học sinh khỏe mạnh, vui tươi, được học hành, no ấm và hát những bài ca hi vọng. Bởi vì chúng được những “người cha” là các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng A Vao, huyện Đakrong tỉnh Quảng Trị nhận làm con nuôi từ năm 2018. |
Những “ông Bụt” vai áo xanh Trong cổ tích, những em bé gặp khó khăn thường được Bụt cứu giúp. Nhưng giờ đây, có nhiều em bé được chở che, nâng đỡ và dìu đến những ước mơ ngọt ngào mà không phải là Bụt. Đó là anh lính cụ Hồ mang quân hàm và sắc áo xanh - Những người lính biên phòng Việt Nam đến với các em nhỏ Việt Nam, Lào, Campuchia bằng chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi Đồn Biên phòng”. |
Niềm vui của các em học sinh khi được BĐBP phát bánh mì |
Hành quân xuống bản với… bánh mì
Buổi sáng yên tĩnh cuối mùa xuân ở sườn dãy Trường Sơn, chợt thức giấc bởi tiếng kèn báo thức của đồn biên phòng La Lay. Cả doanh trại lập tức sực tỉnh. Sau khi tập thể dục và vệ sinh cá nhân, đội trưởng Hồ Văn Thủ và Chính trị viên phó Lê Xuân Trường nhảy lên chiếc xe bán tải lao vun vút về thôn A Đeng (xã A Ngo, huyện Đakrông). Họ dừng lại tại lò bánh mì duy nhất của vùng, nhanh chóng đặt những chiếc bánh vừa ra lò còn nóng hổi vào túi chất lên thùng xe, rồi chiếc xe lại vun vút nhằm phía điểm trường A Đeng, trường Tiểu học và THCS A Ngo, lao tới.
Bộ đội BP cùng thày cô chuẩn bị bánh mì cho các em học sinh |
Tại đây, các đồng đội đã cùng với các thày cô kê bàn, trải khăn đợi sẵn. Những túi bánh được đưa ra, sau khi đeo găng tay nilon họ hối hả người nào việc nấy: cắt bánh, mở nắp những lon sữa đặc.
Dưới sân, những đứa trẻ đủ các độ tuổi đã đông dần đang đứng chờ sẵn. Thày Hiệu trưởng Hoàng Quang Cẩn và các thày cô giáo hướng dẫn các em đứng theo hàng. Trong lúc chờ đợi thày bắt nhịp cho các em hát bài Lớp chúng mình. Thày Cẩn cũng giục một tổ học sinh vừa tranh thủ trực nhật dọn vệ sinh buổi sáng, nhanh chóng đi rửa tay trước khi ăn bánh.
Chồng bánh mì hơn 200 chiếc đã được cắt và tẩm sữa xếp ngay ngắn trên bàn. Các chiến sĩ biên phòng và các thày cô giáo nhanh chóng trao cho các em học sinh đứng hàng trên cùng. Cháu nào nhận bánh xong nhanh chóng rời hàng để người sau tiến lên nhận. Chỉ trong ít phút chồng bánh đã vơi đi gần hết. Khắp sân trường những đứa trẻ tụm 5 tụm 3 ăn bánh.
Mấy cậu bé háu ăn, “hiệu quả” hơn cả đã nhanh chóng ăn hết phần bánh của mình lại chạy đến trước chiếc bàn khoanh tay xin. Lượt bánh thứ hai cũng nhanh chóng được phát cho các em nhỏ.
Học sinh xếp hàng chờ BĐBP phát bánh mì trước khi vào lớp |
Chính trị viên phó Lê Xuân Trường bảo, kinh phí có hạn nên "nguyên tắc" thì mỗi cháu chỉ được 1 chiếc. Nhưng anh em biết bao giờ cũng có một số cháu háu ăn hơn hay cứ hiểu là đói nhiều hơn nên lần nào cũng mua dư thêm vài chục chiếc. Cũng muốn cho tất cả các cháu được ăn thoải mái nhưng kinh phí cũng hạn hẹp nên đành vậy.
Clip: BĐBP Đồn Biên phòng La Lay phát bánh mì tại Trường THCS A Ngo
Ổ bánh mì biên giới là một trong những hoạt động thường xuyên của Đồn biên phòng La Lay nhằm hỗ trợ các em nhỏ đến trường. Hoạt động được thực hiện hàng tuần nhưng ở gần Đồn có 2 xã và có tới 14 điểm trường nên việc phát bánh sẽ được thực hiện luân phiên ở các điểm trường này.
Chính trị viên phó Lê Xuân Trường (Đồn BP La Lay) "Đi phát bánh thế này nhìn các cháu ăn ngon lành vui lắm nhưng nhiều lúc cũng thương lắm. Có lần tại một điểm trường, một cháu trai nhận được bánh nhưng ăn xong trong chưa đầy... một phút. Thấy cháu vẫn còn đói các chú lấy thêm bánh “dự phòng”. Nhưng chiếc thứ hai rồi thứ ba cũng được cậu bé “xử lý” trong thời gian tương tự. Hôm đó, cậu bé ăn một mạch 4 chiếc bánh. Ăn xong cậu chạy vào lớp lấy nước uống một hơi rồi ngồi vuốt bụng và thở". |
Vừa ngon vừa vui là bánh mì bộ đội
Thày Cẩn, Hiệu trưởng trường cho biết xã A Ngo có 95 % là dân tộc Pa Cô. Các gia đình đồng bào dân tộc thường chỉ ăn hai bữa chính. Bữa chính đầu tiên trong ngày thường diễn ra lúc 8h, khi các em đã đến trường nên gia đình sẽ phần cơm để các cháu trưa về ăn. Chính vì vậy hầu hết các cháu đi học mà không được ăn sáng. Ổ bánh mì biên giới đã góp phần làm ấm lòng các học sinh dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Với hoạt động này các chiến sĩ Biên phòng cũng tạo được ảnh hưởng tốt với các cháu học sinh. Các thày cô thường giải thích cho các cháu nghe về các chú bộ đội Biên phòng về biên giới đất nước.
Cháu Hồ Văn Hưng học sinh lớp 3C cho biết, lần đầu tiên cháu được ăn bánh mì là của các chú bộ đội Biên phòng. Cháu rất mong đến ngày các chú đến phát bánh vì không chỉ được ăn bánh mì của bộ đội mà các cháu còn được gặp được nghe các chú kể chuyện.
Cán bộ chiến sĩ Biên phòng phát bánh mì cho các cháu |
Tại buổi phát bánh mì hôm ấy có một “sự cố” nho nhỏ nhưng cũng rất cảm động và đáng yêu. Sau khi tất cả các học sinh được nhận bánh và đều ăn, có duy nhất một bé gái đứng ở sân trường với đôi tay không. Ban đầu khi thày cô giáo và các chiến sĩ Biên phòng hỏi, có phải cháu chưa nhận được bánh thì cô bé chỉ bẽn lẽn lắc đầu.
Cháu Hồ Thị Nhất học lớp 5C nhà ở thôn A Đeng |
Phải mất một lúc gặng hỏi mọi người mới vỡ lẽ, ngay sau khi nhận được bánh, cô bé đã mang vào lớp, cất vào trong cặp để phần đến trưa sẽ mang về cho em. Cô bé tên là Hồ Thị Nhất học lớp 5C nhà ở thôn A Đeng. Khi đã hết ngại ngùng, Nhất mới khe khẽ kể: “Em cháu mới 1 tuổi, nó chưa được ăn bánh mì sữa của các chú bộ đội Biên phòng bao giờ nên cháu phần mang về cho nó.”
Thiếu úy Hồ Văn Thủ nhanh chóng lấy cho bé chiếc bánh khác rồi bảo: “Cháu biết nghĩ và phần cho em là rất tốt không ai trách cháu đâu, cháu cầm thêm chiếc bánh này ăn để lấy sức học nhé.”
Niềm vui của các cháu học sinh khi nhận bánh mì bộ đội |
Chỉ là bánh mì sữa nhưng là niềm hạnh phúc của các cháu nhỏ học sinh ở các xã biên giới tỉnh Quảng Trị |
Thày Hoàng Quang Cẩn Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS A Ngo "Bộ đội biên phòng có nhiều hoạt động hỗ trợ học sinh. Các cháu học sinh ở đây hầu hết là không có bữa sáng. Dù vài tuần mới có một lần được nhận bánh mì của các chú BĐBP nhưng các cháu rất háo hức. Đây cũng là cơ sở thực tế để chúng tôi giảng cho học sinh hiểu hơn về BĐBP và biên giới quốc gia...". |
Những "ông Bụt" vai áo xanh Bài 2: Đổi đời cho 9 đứa trẻ “người rừng” 9 đứa trẻ một gia đình, người Pa Cô sống ở chân cột mốc biên giới Việt Lào. Chúng không biết tiếng phổ thông, không biết chữ, không ngủ giường, không ăn bằng đũa bát... Đám trẻ như thể “người rừng” đã được đổi đời và trở thành những công dân, học sinh khỏe mạnh, vui tươi, được học hành, no ấm và hát những bài ca hi vọng. Bởi vì chúng được những “người cha” là các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng A Vao, huyện Đakrong tỉnh Quảng Trị nhận làm con nuôi từ năm 2018. |
Những “ông Bụt” vai áo xanh Trong cổ tích, những em bé gặp khó khăn thường được Bụt cứu giúp. Nhưng giờ đây, có nhiều em bé được chở che, nâng đỡ và dìu đến những ước mơ ngọt ngào mà không phải là Bụt. Đó là anh lính cụ Hồ mang quân hàm và sắc áo xanh - Những người lính biên phòng Việt Nam đến với các em nhỏ Việt Nam, Lào, Campuchia bằng chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi Đồn Biên phòng”. |
Quảng Trị: Bộ đội Biên phòng khánh thành công trình nước sạch cho trường mầm non Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (BPCKQT) La Lay (Quảng Trị) vừa triển khai mô hình "nước sạch học đường" cho các cháu nhỏ tại trường mầm non xã A Bung huyện Đakrông. |