Những màn chống gian lận thi cử "bá đạo trên từng hạt gạo" tại các trường học khắp thế giới
Ấn Độ
Tại Ấn Độ, gian lận thi cử là một vấn nạn cực kỳ nhức nhối khiến quan chức giáo dục nước này luôn trong trạng thái căng thẳng, đau đầu. Để giải quyết vấn nạn này, nhiều trường đại học tại Ấn Độ đã phải lắp đặt những chiếc máy dò kim loại nhằm ngăn chặn thí sinh mang theo các loại phao cứu trợ.
Thậm chí, nhiều ngôi trường khác còn liệt kê danh sách các loại áo không được mặc đến phòng thi bao gồm các loại quần áo tối màu, áo dài tay, phù hiệu, giày, tất. Mới đây nhất, một trường học ở bang Kerala đã gây chú ý khi bắt một nữ sinh phải cởi áo ngực có gọng kim loại và một nữ sinh khác phải giật cả cúc quần trước khi bước vào phòng thi.
Một nữ sinh Ấn Độ đã phải cởi áo ngực trước khi vào phòng thi do gọng áo làm bằng kim loại.
Trước đó, trong kỳ thi tuyển vào quân đội ở bang Bihar vào tháng 3/2016, 1.159 nam sinh đã phải mặc duy nhất chiếc quần đùi ngồi rồi tham gia kỳ thi ở ngoài trời. Mỗi thí sinh ngồi cách nhau tới 2,5 m. Không chỉ vậy, khá nhiều lính còn liên tục tuần tra, giám sát các thí sinh trong thời gian làm bài.
Các thí sinh có thể lăn lê bò trườn như nào tùy ý.
Thái Lan
Không chỉ có Ấn Độ, rất nhiều hình thức chống gian lận thi cử "bá đạo" cũng từng được áp dụng tại nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Cụ thể vào tháng 12/2016, một thầy giáo tại tỉnh Songkhla, Thái Lan đã nảy ra ý tưởng ngăn chặn các hành vi gian lận, nhìn bài khi thi cử của học sinh. Theo đó, các thí sinh trung học buộc phải che ô và ngồi dưới đó làm bài.
Các học sinh phải che ô khi làm bài thi.
Theo lý giải của thầy giáo này, việc che ô sẽ khiến các học sinh không thể nhìn bài nhau. Hơn nữa, những chiếc ô đầy màu sắc sẽ giúp không khí của buổi thi bớt căng thẳng, tăng hiệu quả thi cử hơn rất nhiều.
Trước đó, vào năm 2013, tạp chí Telegraph từng đăng tải bài viết cho biết trường Đại học Kasetsart (Bangkok, Thái Lan) đã yêu cầu sinh viên của mình đội những chiếc mũ chống gian lận làm bằng bìa các tông trong các kỳ thi giữa và cuối kỳ.
Những chiếc thùng đa năng.
Hình ảnh sau khi được đăng tải đã dấy lên làn sóng phản đối của một bộ phận dư luận. Đáp lại sự phản đối của mọi người, Ban giám hiệu nhà trường cho biết, đây là biện pháp do các em học sinh và giáo viên cùng nhau đề ra để chống gian lận trong thi cử. "Tất cả các học sinh đều cảm thấy rất thú vị khi áp dụng thử phương pháp chống gian lận thi cử mới lạ này", ban giám hiệu nhà trường khẳng định.
Sau vụ việc gây lùm xùm này, một số trường ở Thái Lan sau đó vẫn mượn ý tưởng chiếc mũ chống gian lận với những phiên bản khác nhau.
Phiên bản những chiếc mũ "thần thánh".
Bỉ
Giáo viên tại Đại học Thomas More ở thành phố Antwerp, Bỉ đã từng sử dụng thiết bị bay không người lái gắn camera GoPro để giám sát thí sinh trong các kỳ thi. Với thiết bị tân tiến này, giáo viên chỉ cần ngồi một chỗ và điều khiển thiết bị bay để giám sát mọi hành vi, cử chỉ của các thí sinh. Mặc dù vậy, phương pháp này vẫn có hạn chế bởi mỗi lần, thiết bị này chỉ bay được 15 phút và cánh quạt của nó có thể thổi bay giấy thi của các thí sinh.
Trung Quốc
Trung Quốc có lẽ là quốc gia có nhiều phương pháp chống gian lận thi cử "bá đạo" nhất trên thế giới.
Nếu xét về mặt thô sơ có thể kể đến những chiếc mũ được làm bằng báo, khoét một lỗ tròn ở giữa. Những chiếc mũ này đã trở thành món đồ chống gian lận đắc lực tại Trường trung học thực nghiệm Trừ Châu thuộc thành phố Trừ Châu, tỉnh An Huy, Trung Quốc.
Theo các thầy cô giáo, những chiếc mũ này sẽ làm giảm tầm nhìn khiến các em không thể "liếc ngang liếc dọc" sang bài của bạn, đồng thời giúp giáo viên xác định được những học trò có ý định gian lận một cách rất dễ dàng.
Còn kể về các thiết bị tinh vi, hiện đại thì nhiều trường Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống camera theo dõi đến từng ngóc ngách, lớp học.
Hệ thống camera theo dõi tối tân.
Ngoài ra, những chiếc máy quét cầm tay để theo dõi tín hiệu vô tuyến hay các loại máy dò kim loại cũng được sử dụng triệt để trong các kỳ thi.
Các nhân viên kỹ thuật sử dụng máy quét cầm tay để theo dõi tín hiệu vô tuyến bên ngoài trường thi tuyển sinh đại học ở thị trấn Hứa Xương, tỉnh Hà Nam.
Tại thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, máy dò kim loại cũng được sử dụng rất nhiều.
Nhân viên kỹ thuật sử dụng máy quét sóng vô tuyến xung quanh trường thi ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam.
Còn đây là hình ảnh được cho là tại 1 kỳ thi tại Úc. Các thí sinh đã phải nộp hết điện thoại trước khi bước vào buổi thi.
Trang Đỗ