Những điểm mới trong Điều lệ Khoá VI của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
Trụ sở Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. |
Theo đó, điều 2 của Điều lệ khoá VI nêu rõ: "Liên hiệp Hữu nghị hoạt động theo Điều lệ do Đại hội đại biểu toàn quốc thông qua và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, không vì mục đích lợi nhuận, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật".
Bên cạnh đó, Điều lệ khoá VI được sử dụng thống nhất đối với Cơ quan Thường trực Liên hiệp Hữu nghị và Liên hiệp Hữu nghị các địa phương. Đây cũng là sự khác biết với Điều lệ khoá V khi chỉ được sử dụng cho Cơ quan Thường trực Liên hiệp Hữu nghị.
Về bố cục, nếu như Điều lệ khoá V có 8 chương, 25 điều thì Điều lệ khoá VI đã có sự phát triển với Phần mở đầu, 09 chương, 32 điều. Cụ thể, Chương I: Tôn chỉ, mục đích và phạm vi hoạt động (gồm 3 điều); Chương II: Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn (gồm 2 điều); Chương III: Hệ thống tổ chức (gồm 7 điều); Chương IV: Cơ quan lãnh đạo và Cơ quan Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (gồm 6 điều); Chương V: Cơ quan lãnh đạo tổ chức thành viên ở Trung ương (gồm 4 điều); Chương VI: Cơ quan lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm 4 điều); Chương VII: Tài chính và tài sản (gồm 2 điều); Chương VIII: Khen thưởng và Kỷ luật (gồm 2 điều) và Chương IX: Điều khoản thi hành (gồm 02 điều).
Như vậy, so với Điều lệ khóa V, Điều lệ khóa VI bổ sung thêm 2 chương mới đó là: Chương V: Cơ quan lãnh đạo tổ chức thành viên ở trung ương và Chương VI: cơ quan lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Một số nội dung cụ thể được thay đổi
Ngoài những thay đổi lớn về bố cục, Điều lệ khoá VI so với Điều lệ khóa V cũng có những nội dung thay đổi cụ thể.
Theo đó, tại Điều 1 của Điều lệ khoá VI nêu rõ: "Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách về đối ngoại nhân dân trong lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; có vai trò nòng cốt trong hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác vận động phi chính phủ nước ngoài; là tổ chức làm công tác chính trị đối ngoại và là bộ phận cấu thành của lực lượng đối ngoại chuyên trách của nước ta".
Về Nguyên tắc tổ chức hoạt động được quy định tại Điều 5, so với các điều lệ trước đó, Điều lệ khoá VI khẳng định: Liên hiệp được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, không vì mục đích lợi nhuận và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ của Liên hiệp. Liên hiệp và các tổ chức thành viên ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đảm bảo về kinh phí, cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động; các tổ chức thành viên của Liên hiệp hoạt động trong phạm vi cả nước được hỗ trợ kinh phí gắn với nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.
Về chức năng nhiệm vụ, so với nội dung được nêu ở Điều lệ V là "Tham gia vận động, đấu tranh dư luận trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền; …" thì tại Điều lệ VI, chức năng nhiệm vụ của Liên hiệp Hữu nghị đã có những sự bổ sung, làm rõ: "Tham gia vận động, đấu tranh dư luận bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, đặc biệt là trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, chủ quyền quốc gia…".
Đặc biệt, Điều lệ khoá VI còn có thêm những nội dung mới đề xuất như tại Điều 6, Chương III quy định về Hệ thống tổ chức: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam gồm Cơ quan Thường trực, các tổ chức thành viên ở trung ương và các tổ chức thành viên ở địa phương.
Điều 13 về Nguyên tắc hoạt động cũng nêu rõ: Các cơ quan lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam được bầu và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số.
Đối với Đại hội đại biểu toàn quốc được quy định tại Điều 14, Điều lệ VI nêu rõ: Đại hội đại biểu toàn quốc được triệu tập thường kỳ 05 năm một lần và có thể triệu tập bất thường khi có yêu cầu của ít nhất 2/3 (hai phần ba) tổng số Ủy viên Đoàn Chủ tịch hoặc của ít nhất 1/2 (một phần hai) tổng số tổ chức thành viên.
Về phần điều lệ quy định đối với Đoàn Chủ tịch, nếu như Điều lệ V chỉ nêu Đoàn Chủ tịch gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, các Phó Chủ tịch ... thì tại Điều lệ VI nội dung này đã được cụ thể hoá: Đoàn Chủ tịch gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký, các Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Chủ tịch các tổ chức thành viên; Trưởng các ban, đơn vị trong Cơ quan Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đại diện một số cơ quan, tổ chức nhân dân và một số cá nhân tiêu biểu. Số lượng, cơ cấu và thể thức bầu Đoàn Chủ tịch do Đại hội đại biểu toàn quốc quy định
Nguyên tắc hoạt động của Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch được quy định tại Điều 16 cũng nêu rõ: Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch họp thường kỳ 06 (sáu) tháng một lần, họp bất thường khi có yêu cầu của Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam hoặc của trên 1/2 (một phần hai) tổng số Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch.
Đối với điều lệ dành cho Ban Kiểm tra, Điều lệ VI cũng bổ sung rất chi tiết: Ban Kiểm tra do Đại hội đại biểu toàn quốc bầu. Ban Kiểm tra gồm Trưởng ban và các Ủy viên. Trưởng ban Ban Kiểm tra là một trong số các Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch.
Ban Kiểm tra có nhiệm vụ và quyền hạn: a) Bầu Trưởng ban Ban Kiểm tra; b) Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm việc chấp hành Điều lệ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, việc thực hiện nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc, của các hội nghị Đoàn Chủ tịch và Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch; c) Kiểm tra việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; d) Hướng dẫn và chỉ đạo hoạt động của Ban Kiểm tra của các tổ chức thành viên; đ) Giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; e) Kiến nghị với Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch các hình thức kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
Ban Kiểm tra họp thường kỳ mỗi năm một lần, họp bất thường theo yêu cầu của Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam hoặc đề nghị của Trưởng ban Ban Kiểm tra.
Về nguồn tài chính và tài sản được quy định tại Điều 27, Điều lệ khóa VI quy định: Nguồn tài chính và tài sản của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên gồm:
Do ngân sách Nhà nước cấp; Tài trợ của các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; Các khoản thu hợp pháp khác.
Điều 29 quy định về hoạt động khen thưởng của Liên hiệp hữu nghị cũng có những bổ sung so với Điều lệ khóa V : Các tổ chức và cá nhân có nhiều đóng góp cho việc thực hiện tôn chỉ, mục đích và hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, tổ chức thành viên ở trung ương và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương được khen thưởng hoặc đề nghị Nhà nước khen thưởng...
Ban Chấp hành các tổ chức thành viên ở trung ương và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương quy định hình thức, thẩm quyền, quy trình khen thưởng của tổ chức thành viên theo quy định của pháp luật, phù hợp với Điều lệ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, điều lệ tổ chức thành viên ở trung ương và quy chế tổ chức và hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương.
Khoản 3 của Điều 30 quy định về Kỷ luật cũng là nội dung mới bổ sung so với các điều lệ trước đó. Cụ thể: Ban Chấp hành các tổ chức thành viên ở trung ương và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương quy định hình thức, thẩm quyền, quy trình kỷ luật của tổ chức thành viên theo quy định của pháp luật, phù hợp với Điều lệ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, điều lệ tổ chức thành viên ở trung ương và quy chế tổ chức và hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương.