Những căn bệnh thường gặp trong thời tiết nồm ẩm
Thời tiết nồm ẩm, mưa phùn là điều kiện thuận lợi để nhiều bệnh bùng phát. (Ảnh: Internet)
Thời tiết nồm ẩm kéo dài mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Thời điểm này cũng là điều kiện thuận lợi dễ phát tán mầm bệnh trong không khí, lan truyền bệnh từ người này sang người khác. Trẻ em và người già, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi có sức đề kháng kém là đối tượng hay mắc bệnh nhất. Dưới đây là các căn bệnh thường gặp khi thời tiết nồm:
Bệnh đường hô hấp
Thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể chưa kịp thích ứng, hệ thống miễn dịch hoạt động yếu. Độ ẩm cao, thậm chí lên tới 100%, hơi nước nhiều tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển, vi khuẩn sinh sôi, nảy nở, ổ dịch cũng phát triển mạnh hơn. Chính vì thế, thời tiết này nguy cơ mắc các dịch cúm, dịch liên quan đến virus bùng phát nhiều.
Bệnh sởi
(Ảnh minh họa: Internet)
Sởi là căn bệnh xảy ra theo mùa, thường là đầu mùa xuân nó diễn ra theo từng nhóm và mức độ lây lan nhanh chóng tạo ra dịch bệnh, nếu không có biện pháp phòng ngừa và chữa trị kịp thời có nguy cơ tử vong cao.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp ở trẻ em. Với người lớn, nếu không có miễn dịch phòng bệnh cũng có thể mắc phải với các triệu chứng phổ biến như sốt, phát ban, ho, chảy nước mũi… Bệnh thường lây qua đường hô hấp, khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện…
Tuy là bệnh lành tính nhưng nếu không chăm sóc bệnh nhân sởi đúng cách sẽ dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản, viêm tai, viêm màng não… thậm chí có thể gây tử vong. Hiện nay giải pháp duy nhất để phòng ngừa căn bệnh này là tiêm phòng dịch bệnh.
Bệnh thủy đậu
Thủy đậu là bệnh do vi-rút Varicella Zoster gây nên với các biểu hiện đặc trưng là những nốt tròn mọc khắp cơ thể, gây ngứa rồi chuyển thành những mụn nước và khô sau 5 - 7 ngày.
Bệnh thủy đậu có nguy cơ lây nhiễm cao từ người này sang người khác, nhất là trong điều kiện thời tiết đang nồm, ẩm ướt, chúng ta dễ dàng tiếp xúc với nguồn bệnh qua đường hô hấp là chủ yếu. Thủy đậu nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Nhiễm khuẩn ngoài da, ảnh hưởng đến thai nhi khi thai phụ mắc bệnh…
Tay chân miệng
(Ảnh minh họa: Internet)
Bệnh tay chân miệng do vi trùng đường ruột Ente'virus (E71) và Coxcakieruses gây nên. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, từ người sang người nên các yếu tố sinh hoạt tập thể như ở trường học khiến nguy cơ lây bệnh tăng cao, đặc biệt là trong các đợt bùng phát bệnh.
Triệu chứng ban đầu đối với trẻ mắc triệu chứng bao gồm: sốt nhẹ, đau họng, đau miệng, chảy nước miếng, hay khóc, bỏ bú và biếng ăn hơn. Khi đó, trong miệng trẻ đã có thể có những vết loét đỏ như vết lở miệng, xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi… Quan sát tiếp có thể thấy những vết phát ban dạng phỏng nước, hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông trẻ.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay chưa có vắc-xin phòng chống tay chân miệng, điều quan trọng nhất là chúng ta cần phòng tránh, đồng thời luôn theo dõi và phát hiện sớm để có biện pháp điều trị kịp thời.
Cúm mùa
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Để tránh bị mắc bệnh cúm gia cầm và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh này, chúng ta cần bảo vệ cơ thể, giữ ấm, tăng sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng, ngủ nghỉ thích hợp, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài…
Sốt vi-rút
(Ảnh minh họa: Internet)
Thời tiết thay đổi, mưa nhiều, độ ẩm tăng cao, tiết trời nồm nhiều ngày là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của dịch sốt vi-rút. Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh sốt vi-rút. Bệnh này dễ gây thành dịch nên khi trẻ bị sốt vi-rút cần cách ly, giữ ấm và đưa đi chữa trị kịp thời.
Sốt vi-rút không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Nếu tình trạng nhẹ có thể tự khỏi, với điều kiện là được chăm sóc tốt về vệ sinh, dinh dưỡng, môi trường sống. Phụ huynh cần lưu ý đảm bảo sức khỏe cho trẻ trong thời tiết nồm ẩm như thế này.
Bệnh lý về da
Những ngày thời tiết nồm ẩm, sáng ra hay có mưa phùn, chiều tối lại chuyển lạnh, không khí ẩm ướt đã khiến nhiều căn bệnh về da phát triển. Đa phần người bệnh chủ yếu bị dị ứng thời tiết, viêm da dị ứng, mề đay, viêm da tiếp xúc do côn trùng, nấm da do mặc quần áo ẩm ướt…
Không những thế, độ ẩm không khí cao còn khiến cho các vi khuẩn, bụi bẩn xâm nhập và phát triển, là điều kiện thích hợp cho nhiều loại ký sinh trùng trên da người phát triển. Chúng gây khó chịu, ngứa ngáy, gây tổn thương da. Nồm ẩm muỗi xuất hiện nhiều, yếu tố dị ứng trong môi trường tăng lên rõ rệt như hoa nở nhiều, côn trùng, ong bướm cũng nhiều tạo ra nhiều chất gây dị ứng.
Bệnh tiêu chảy cấp
Tiêu chảy thường xảy ra theo mùa và theo địa dư. Ở vùng nhiệt đới, tiêu chảy do vi khuẩn gây nên, xảy ra cao điểm vào mùa mưa và nóng. Đường lây truyền “siêu tốc” nhất là đường phân - miệng. Nếu trẻ khỏe mạnh ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm virus, vi khuẩn từ trẻ bị tiêu chảy thì cũng sẽ bị mắc tiêu chảy.
Đặc biệt, chính cách chăm sóc thiếu khoa học của phụ huynh cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ em. Ví dụ như, bình sữa, núm vú trẻ em hay đồ chơi nếu không được vệ sinh sạch sẽ, lại gặp phải thời tiết nồm ẩm kéo dài rất dễ hình thành nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh, từ đó khiến trẻ dễ dàng bị tiêu chảy và nhiều bệnh khác.
Linh Anh (t/h)