Những cách tuyên truyền bầu cử độc đáo ở Gia Lai
Tuyên truyền bầu cử bằng tiếng dân tộc thiểu số từ 5 giờ sáng
Xã Đăc Talay, huyện Mang yang có trên 80% dân số là người Ba Na. Hai ngày một lần, cán bộ xã lại đi xe máy, đưa loa truyền thanh lưu động và phát tài liệu tuyên truyền cho người dân. Tờ rơi về bầu cử cũng như băng âm thanh được thể hiện bằng hai thứ tiếng Ba Na và phổ thông để mọi người dễ hiểu.
Anh Đinh Gôn - cán bộ xã Đăc Talay, cho biết: “Bà con ở đây đi làm từ sáng sớm, chiều tầm 5-6 giờ mới về. Thường thường thì chúng tôi đi a lô bằng loa từ 5 giờ để bà con có thể nghe nhiều. Tuyên truyền bằng tiếng địa phương. Chúng tôi tuyên truyền như vậy bà con mới hiểu, nhận thức được bằng tiếng của mình”
Ông Đinh Đình Chi, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin &Truyền thông huyện Kbang cho biết, với đặc thù gần 46% dân số của huyện là đồng bào dân tộc thiểu số, việc tuyên truyền cho đối tượng này bằng nhiều hình thức, phù hợp với văn hóa từng dân tộc. Một mặt đơn vị tuyên truyền về công tác bầu cử qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, mặt khác là bằng cổ động trực quan và thông tin lưu động.
Tuyên truyền bầu cử trong vùng dân tộc thiểu số, tỉnh Gia Lai. |
Đi từng buồng giam để tuyên truyền bầu cử
Trại tạm giam công an tỉnh Gia Lai rộng 40 ha, hiện đang quản lý 448 người, trong đó có 404 người tạm giam và 44 phạm nhân đã có án nhằm phục vụ những người tạm giam, tạm giữ (khoảng 15% theo quy định).
Bầu cử ở trại tạm giam có những khó khăn riêng vì theo quy định, những người chưa có án phải ở tại buồng giam để tránh thông cung và việc tuyên truyền sẽ do các cán bộ quản giáo phụ trách, diễn ra tại từng buồng giam. Có buồng giam chỉ vài người, có buồng giam vài chục người.
Trung tá Chu Ngọc Điến, Phó đội trưởng phụ trách đội quản giáo của trại cho biết: "Sau khi nhận được kế hoạch bầu cử của công an tỉnh, các cán bộ quản giáo đã trực tiếp xuống từng buồng giam để phổ biến cho người tạm giữ, tạm giam biết quyền được bầu cử của họ. Qua tuyên truyền nhiều lần thì thấy rằng, người bị tạm giam tạm giữ cơ bản nắm được quyền của mình và thể hiện thái độ hợp tác, chấp hành. Dù việc tuyên truyền gặp khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng khắc phục”.
Phạm nhân đang lao động, cải tạo tại Trại tạm giam Công an tỉnh Gia Lai. |
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “ăn- ở - lao động cùng bà con”
Đều đặn mỗi ngày hai lượt, các cán bộ thuộc Đội vận động quần chúng thuộc Đồn Biên phòng xã Ia Nan, huyện Đức Cơ rong ruổi khắp các đường làng, ngõ xóm để phát loa tuyên truyền về bầu cử. Trên cơ sở những tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền bầu cử, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng tiến hành biên soạn lại cho dễ hiểu, dễ nhớ hơn bằng thứ tiếng dân tộc trong vùng và tiếng Kinh.
Xác định công tác tuyên truyền về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nơi vùng biên là nhiệm vụ quan trọng; vì vậy, bên cạnh việc đảm bảo an ninh vùng biên giới, phòng, chống dịch COVID-19… lực lượng biên phòng đã và đang ngày đêm vận dụng nhiều hình thức tuyên truyền để đưa các thông tin về “Ngày hội của toàn dân” đến với từng buôn, làng như: Thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “mưa dầm thấm lâu”, "ăn- ở - lao động cùng bà con"…
Xã Ia Nan với gần 2 nghìn hộ và khoảng 8 nghìn nhân khẩu có địa bàn rộng. Thời gian từ tháng 3-5 hằng năm là cao điểm của vụ thu hoạch điều nên nhiều gia đình ăn ở luôn tại rẫy. Để đảm bảo mục tiêu tất cả mọi người dân đều được biết, được tham gia bầu cử, cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã tăng cường công tác bám địa bàn, "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền người dân về công tác bầu cử.
Đội ngũ người có uy tín tham tuyên truyền, vận động người dân
Với bề dày 20 năm được bầu chọn là người có uy tín ở làng O Ngó (xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa), ông Hyang chia sẻ: “Thời điểm này, khi có chủ trương tuyên truyền về bầu cử, tôi cùng Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ vận động người dân tham gia các buổi họp làng để nghe phổ biến thông tin về bầu cử. Làng đã chọn và giới thiệu 4 người ứng cử đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2021-2026.
Bên cạnh đó, tôi truyền đạt những nội dung cơ bản nhất để bà con nắm được quyền và nghĩa vụ của cử tri, nguyên tắc bầu cử, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Đồng thời, tôi cũng dặn dò bà con phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình, không được đi bầu thay, cân nhắc kỹ bỏ cho ai, tìm người có đức, có tài để giúp đất nước, quê hương mình ngày càng phát triển”.
Không chỉ tuyên truyền trong những buổi hội họp, ông Rơ Mah Chim (người có uy tín làng Lân, xã Ia Kly, huyện Chư Prông) còn đến từng nhà, nhất là những gia đình có người đi làm ăn xa thông báo để gia đình biết đến ngày bầu cử thì về đi bỏ phiếu. “Bằng cách “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tất cả cử tri trong làng đã hiểu ý nghĩa của việc bầu cử và có trách nhiệm trực tiếp đi bỏ phiếu để bầu ra người có đức, có tài. Cử tri đủ 18 tuổi trở lên đều được tham gia bầu cử”-ông Rơ Mah Chim nói.
Ban Nhân dân thôn và người có uy tín làng Krăi (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) trao đổi với người dân về công tác bầu cử. (Ảnh: Đinh Yến) |
Bà Phạm Thị Lan - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết: Toàn tỉnh hiện có 955 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 771 người là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2019-2024.
“Người có uy tín gương mẫu, tiên phong trong mọi lĩnh vực và nắm bắt tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, những ngày này, người có uy tín ở tỉnh ta cũng đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số hiểu và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình khi tham gia bầu cử”, bà Lan chia sẻ.