Những bác sỹ không có Tết
Vào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) – một trong những bệnh viện hạng đặc biệt, lớn nhất cả nước những ngày Tết Nguyên đán Mậu Tuất mới thấy các y, bác sĩ dường như cũng hối hả chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) luôn trong tình trạng quá tải vì có rất đông bệnh nhân nặng từ các tuyến chuyển về. Cao điểm có năm, khoa khám và điều trị cho hơn 400 bệnh nhân/ngày.
Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) huy động cán bộ y, bác sỹ trực Tết.
PGS. TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ngày thường, công việc của các cán bộ y, bác sỹ và nhân viên tại một số khoa như: Cấp cứu, Chống độc, Thận nhân tạo đã quá vất vả, nhưng ngày Tết còn căng thẳng và áp lực hơn, bởi Tết là dịp khiến một số bệnh gia tăng như: Ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu, tại nạn giao thông, các bệnh nội khoa.
Từ trước Tết, Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc sẵn sàng cấp cứu người bệnh trong mấy ngày Tết, tránh xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu dịch phục vụ điều trị cho người bệnh. Bên cạnh đó, tổ công tác, tổ cấp cứu luôn túc trực 24/24h đề phòng thiên tai, hỏa hoạn.
“Từ nhiều năm nay, các y bác sỹ của bệnh viện đều tình nguyện đi làm những ngày Tết. Có bác sỹ không về quê, sẵn sàng trực chiến tại bệnh viện để cứu người. Bệnh viện không phải dùng mệnh lệnh để yêu cầu cán bộ y bác sỹ trực Tết. Năm nay, Khoa khám bệnh cũng sẵn sàng chi viện, hỗ trợ các y bác sỹ sang các khoa Cấp cứu, Chống độc, Thận nhân tạo để phục vụ, cứu chữa người bệnh”- PGS. TS Nguyễn Quốc Anh cho biết.
PGS.TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
5 năm làm việc tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) nhưng chưa năm nào, bác sỹ Đinh Thu Hương được đón giao thừa, ăn Tết cùng gia đình. Từ chiều 30 Tết là thời điểm bệnh nhân chuyển đến nhiều nhất. Các trường hợp nhập viện đều là những người bệnh nặng như: viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não, cần được theo dõi 24/24h.
Bác sỹ Đinh Thu Hương chia sẻ: Những ngày Tết luôn là những ngày làm việc vất vả nhất trong năm. Bởi hầu hết các bệnh nhân nặng đều được dồn về khoa cấp cứu.
“Trực Tết vất vả vô cùng. Chúng tôi lúc nào cũng phải trực chiến 24/24h. Có năm tôi phải trực 2 ngày liền, rất mệt. Dù vậy nhưng khi nhìn bệnh nhân đau đớn, chống chọi với bệnh tật, chúng tôi nhiều lúc không cầm lòng, lúc ấy làm việc quên hết mệt mỏi. Trực những ngày này, các anh chị em trong viện chỉ tranh thủ ăn mỳ tôm, bánh chưng cho nhanh” - bác sỹ Đinh Thu Hương nói.
Hơn 10 năm làm việc tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bác sỹ Phạm Xuân Trường tự nhận mình là người “mát tay” nên 3 năm liên tiếp đều được chọn trực ngày 30 Tết.
“Ở đây không có nghỉ Tết, lúc nào anh em cũng phải động viên nhau làm việc, không một phút sơ sểnh vì các bệnh nhân nơi đây quá đặc biệt. Dù không được quây quần cùng gia đình cũng thấy tiếc nuối, nhưng nghề của mình là như thế và nghĩ đến khoảnh khắc đón các thiên thần nhỏ từ người mẹ, ai làm bác sỹ cũng thấy tự hào vô cùng”- bác sỹ Phạm Xuân Trường tâm sự.
Bác sỹ Phạm Xuân Trường cùng ê kíp thực hiện ca sinh mổ.
Mặc dù năm nay, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán ít ngày hơn những năm trước nhưng công tác chuẩn bị phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân vẫn được các bệnh viện đặt lên hàng đầu.
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu trong dịp Tết Nguyên đán, dù người bệnh trái tuyến hay không, các bệnh viện không được từ chối hoặc chậm trễ tiếp nhận bệnh nhân trong các trường hợp cấp cứu.
Thy Hạt