Nhớ Sài Gòn tiệm nước - càphê dĩa
Ảnh TL (minh họa)
Các hàng quán bán điểm tâm buổi sáng của người Hoa, người Việt ở Sài Gòn – Chợ Lớn đều có một danh xưng chung là: tiệm nước, rồi mới đề tên thương hiệu riêng. Có khi bất kể tên riêng của quán kẻ trên bảng hiệu bằng chữ Hoa, chữ Tây… thực khách cứ đọc thấy chữ quốc ngữ là tiệm nước thì vô không sợ lộn tiệm.
Sài Gòn dậy trễ
Cậu tôi, dân ruộng miệt Gò Công, đến Sài Gòn từ hướng Nam, khi đi qua xóm Bình Ðăng, cầu Nhị Thiên Ðường, chợ Xóm Củi, Chợ Lớn – Sài Gòn thay đổi đến mức làm cậu ngơ ngác. Sáng hôm sau, không kịp chờ đèn đường tắt, cậu tôi bộ dạng hối hả: “Dậy mày, đi tiệm nước làm một ly xây chừng, ăn hủ tíu mì, xíu mại với cậu”.
Tôi càu nhàu: “Làm gì còn tiệm nước hả cậu”.
– “Bộ dẹp hết trơn thiệt hả mậy!”
– “Ai biết đâu hà, nếu còn phải 6 giờ mới mở cửa cậu ơi”.
– “Thằng xạo! Tao không tin người Sài Gòn dạo này ngủ trưa dữ vậy”.
Nếu bạn là người Sài Gòn hoặc đã từng sống qua chốn này, bạn sẽ hiểu vì sao việc thức khuya dậy sớm của thị dân nơi đây có một phần quá khứ can hệ tới cái tiệm nước.
Trong những sớm mai, trời nổi gió hay thấm đẫm hơi sương, thỉnh thoảng cha tôi dắt tôi ra tiệm nước. Lần nào cũng vậy tôi thường dụi mắt liên tục để xua cơn ngái ngủ, để cố thu hết vào đôi mắt thơ ngây cái ánh sáng đèn điện, đèn măng xông mờ hơi nước sôi, những nhộn cảnh sinh động của cái tiệm nước ở những con đường thường là trước chợ, bến xe, bệnh viện.
Tôi say sưa lắng nghe tiếng dao thớt, giọng xí xô xí xào tiếng Tiều, tiếng Quảng của các chú phổ-ki. Tôi không hiểu vì sao những ông già bà già người Minh Hương luôn ngồi quay mặt ra đường với cái nhìn xa vắng; vì sao những người dân có mức sống khác nhau nhưng thường có cùng vẻ mặt lo âu trước một ngày mới. Và tất cả họ đều có chung phong cách là rót càphê vô cái dĩa nhỏ, đưa ngang mũi hít một hơi rồi chụm miệng thổi trước khi húp từng ngụm càphê nóng hổi.
Cái cách uống càphê trong dĩa trước sau tôi chỉ thấy có trong tiệm nước, không chỉ ở Sài Gòn mà khắp các thị trấn miền Nam. Ngày xưa, tôi không biết nguyên cớ cái thú uống càphê trong cái dĩa mà cũng không cần biết làm gì; ngày nay già tuổi đời hơn tôi hiểu khi dòng càphê sữa hay càphê đen được chảy tràn trên mặt phẳng của cái dĩa nhỏ và cạn lòng, thì hương và khói càphê sẽ cuộn lên mũi người uống càphê.
Trong không gian tiệm nước Sài Gòn ngày ấy hình ảnh sâu đậm ký ức nhất của tôi là dòng càphê ngút khói hào sảng, từ vòi cái ấm sành rót tràn miệng những cái cốc, ly xây chừng tuôn xuống cái dĩa nhỏ. Dòng càphê lênh láng ấy như lòng thật thà mở cửa từng ngày sống của người Sài Gòn – Gia Định không cần kìm giữ, như bản sắc thị dân hào sảng của cộng đồng thị dân phương Nam.
Văn hoá là sự cải thiện hay hoàn thiện bản chất các sinh hoạt cộng đồng để tạo ra diện mạo văn hoá của một thời đại. Ðối với một đô thị lớn như Sài Gòn, trong thời bình, việc đi ngủ và thức giấc là hoàn toàn tuỳ thuộc vào nền nếp của cá nhân, gia đình, chính vì thế Sài Gòn luôn có những góc không ngủ, thật ra đại bộ phận thị dân thường ngày trước có nhịp thời gian bắt đầu một ngày mới vào khoảng từ 4 – 7 giờ sáng.
Ông Năm Tàu, hành nghề cố vấn về Sài Gòn – Chợ Lớn cho các ông chủ người Ðài Loan đang làm ăn ở Việt Nam, luôn miệng than thở: “Thời nay, ngộ hết thì giờ! ngộ sống như Tây, tự pha càphê, thứ càphê bột chua lè, vừa uống vừa tranh thủ coi tivi, đọc báo. Ngộ thèm ra tiệm nước ngồi bàn chuyện thời sự, bàn chuyện thiên hạ làm ăn muốn chết!”
Chị Hai Lài bán trái cây ở Chợ Lớn, nói: “Tôi dọn hàng trễ hơn trước, 8 giờ người ta bưng đồ ăn sáng tới sạp. Có ngon lành gì đâu, tôi ưng ngồi tiệm nước ngắm cảnh rồng bay ngựa chạy trong mấy bức tranh Tàu, ngồi nghe tin giá cả, ngồi tiếp bạn hàng, nhưng do ngủ trưa trờ trưa trật như vầy sao thì giờ đâu ngồi tiệm nước nữa!” Thầy Phát, dạy trung học phổ thông, cười nheo mắt: Tôi họ Lưu, gốc Tiều, họ nhà tôi sống ở Sài Gòn mới đời thứ ba, vậy mà mấy năm nay quên mất hương vị của bánh tiêu, xíu mại, quên luôn cả cái thói quen nhìn ngắm, ngẫm nghĩ chữ nghĩa thánh hiền treo trong các tiệm nước”.
Ảnh TL (minh họa)
Nhịp thời gian mới
Dân Sài Gòn lúc này, ngày ngày hoà nhịp đời sống với bài thể dục, đi bộ hoặc tới những điểm tập dưỡng sinh, sau đó là vệ sinh cá nhân, làm một số việc nhà, ăn sáng đi làm, với họ, khoảng thời gian từ lúc thức giấc đến lúc đi làm càng ngày càng ngắn lại.
Tốc độ sống của thị dân mỗi lúc một nhanh hơn và hệ quả tất nhiên là cái khoảng không gian ban mai bình yên thư thái, trong những cái tiệm nước mà đất-nước-gió-lửa xứ này ban tặng cho họ coi như đã mất. Thôi thì việc mất đi một diện mạo văn hoá cũng là lẽ thường, rồi đây, một diện mạo khác sẽ lấp đầy để tạo nên một bản sắc văn hoá mới phù hợp với nhịp đi lên của một đô thị lớn.
Nhưng trong ý thức đi tìm một diện mạo mới để so sánh, để nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng không gian văn hoá tinh thần của cộng đồng; tôi thật chưa tìm thấy những “tiệm nước mới”, các không gian sinh hoạt văn hoá đặc trưng mà đáng lý cần phải có trong khoảng thời gian khởi động đầu mỗi ngày của đời sống người Sài Gòn – Chợ Lớn.
Lúc này, tìm đâu! Những nét văn hoá đa dạng của những cộng đồng lưu dân từng có thời đã hoà quyện với tánh cao thượng của cư dân bản xứ. Đâu rồi những buổi bình minh Sài Gòn khoáng đạt bắt đầu từ không gian tiệm nước!
Trần Tiến Dũng-TGTT