Nhìn lại chiến thắng ngày 30/4 qua 3 tác phẩm điện ảnh
Mùi cỏ cháy – chuyện về những chàng trai Hà Thành xếp bút nghiên lên đường chiến đấu
Được xây dựng dựa trên cuốn nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc cùng những tư liệu, hồi ức về chiến tranh, phim truyện nhựa “Mùi cỏ cháy” (biên kịch: Hoàng Nhuận Cầm; đạo diễn Nguyễn Hữu Mười) nói về một thế hệ sinh viên từ giã giảng đường năm 1971 và đi thẳng vào cuộc chiến 81 ngày đêm bi tráng ở Thành cổ Quảng Trị.
Từ năm 2005, công chúng chứng kiến sự xuất hiện đầy ấn tượng của nhiều cuốn nhật ký thời chiến Việt Nam như “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Tài hoa ra trận” của Hoàng Thượng Lân… Hoàng Nhuận Cầm đã tiếp nhận được nguồn cảm hứng dồi dào, nguồn thôi thúc mạnh mẽ từ những trang nhật ký máu lửa đó để viết nên “Mùi cỏ cháy”. Đó là cái nền chung tạo đà, chắp cánh cho bút lực Hoàng Nhuận Cầm.
"Mùi cỏ cháy" góp phần thể hiện lý tưởng của một thế hệ xếp bút nghiên lên đường chiến đấu theo tiếng gọi Tổ quốc
Nhưng với Hoàng Nhuận Cầm, “Mùi cỏ cháy” ra đời còn bắt nguồn từ những cảm hứng sâu thẳm, những thúc bách riết róng bên trong, bắt nguồn từ vốn sống sâu dày, từ những trải nghiệm sâu sắc của chính tác giả.
Hoàng Nhuận Cầm viết “Mùi cỏ cháy” là viết về thế hệ của mình, viết về chính mình đã giã từ giảng đường đại học để cầm súng lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Hoàng Nhuận Cầm kể về ký ức nồng nàn, bỏng cháy khi “Tiếng Tổ quốc trên môi như đạn xé”: “Những năm Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc, mỗi gia đình Việt Nam là một gia đình quân nhân. Ngày 6/9/1971, tôi và hàng nghìn sinh viên xếp bút nghiên, tình nguyện ra trận. Tôi ra đi cùng 300 sinh viên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong đó có Nguyễn Văn Thạc. Nhật ký Nguyễn Văn Thạc viết rất rõ về buổi lên đường của chúng tôi”.
Hoàng Nhuận Cầm đọc cuốn nhật ký Nguyễn Văn Thạc rất sớm do gia đình liệt sỹ gửi tặng và trong quyển nhật ký này có nhiều dòng nhắc đến ông. Hoàng Nhuận Cầm đã gọi điện cho anh trai Nguyễn Văn Thạc để nói về ý tưởng làm phim.
Phim dõi theo 4 chàng trai đất Hà Thành dọc đường ra chiến trận, mô tả một cách sinh động sự hồn nhiên trẻ thơ của những anh lính trẻ trong quân ngũ. Đó là những trò tinh nghịch trẻ con, những khoảnh khắc run sợ đào ngũ, những giây phút rụng động bên ngưỡng của tình yêu… Những ngày chiến đấu đẫm máu, họ lần lượt hy sinh bên thành cổ Quảng Trị. Bộ phim không cố gắng tái hiện toàn cảnh cái khốc liệt của trận chiến mà chấm phá một cách ấn tượng để chia sẻ những khát vọng sống của tuổi trẻ một thời.
Đó là khát vọng của Thành, một anh lính vui tính hay hát chèo, luôn ân hận vì những lỗi lầm đã làm mẹ giận trước đây. Day dứt vì khi mẹ giận lại không chịu nằm yên cho mẹ đánh, đến bây giờ ra trận anh ước mong ngày chiến thắng trở về để nằm xuống cho mẹ đánh thật đau.
Đó là khát vọng hòa bình của Thăng, người mang bóng dáng của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc. Chàng trai ấy viết trong cuốn nhật ký những dòng tiên tri: tháng 4/1975 sẽ là ngày toàn thắng. Nhưng anh đã ngã xuống trên sông Thạch Hãn khi đứng giữa làn bom nối liên lạc cho đài chỉ huy.
Đó là khát vọng tình yêu và ký ức văn hóa của Hoàng – hiện thân của tác giả kịch bản Hoàng Nhuận Cầm, với bóng dáng người yêu “phương ấy” và hình ảnh chú ve con của tuổi thơ Hà Nội. Những hình ảnh nên thơ ấy đã lan tỏa trong tâm hồn của những anh lính trẻ suốt chặng đường ra trận...
Hình ảnh cuối phim, khi chiếc xe tăng phá tung cánh cửa dinh Độc Lập, ngọn cờ giải phóng tung bay, một mình Hoàng đã đứng lại với dòng nước mắt lưng tròng đầy xúc cảm. Anh vẫn còn được sống để kể lại câu chuyện của thế hệ anh và tất cả đã được thể hiện trên phim bằng chính sự thật của cuộc đời anh.
Khúc tráng ca về những người kiến tạo con đường xăng dầu
“Những người viết huyền thoại” là bộ phim lịch sử – chiến tranh của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. Tác phẩm đã đoạt 6 giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18.
Tác phẩm điện ảnh là câu chuyện bi tráng về số phận những người tiên phong trong việc xây dựng ống dẫn dầu vào Nam. Với nhiều cung bậc cảm xúc, phim ngợi ca tinh thần Việt Nam – một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục.
"Những người viết huyền thoại" dựa trên những chiến công lịch sử của binh đoàn 559
Phim dựa trên những chiến công lịch sử của binh đoàn 559 (mật danh xây dựng chiến lược đường mòn Hồ Chí Minh). Bắt đầu từ hoàn cảnh bức bách của chiến trường miền Nam, tướng Đinh Đức Thiện (trong phim là tướng Dinh), một trong những lãnh đạo chủ chốt xây dựng chiến lược đường mòn Hồ Chí Minh đã ra lệnh cho binh đoàn hạ quyết tâm thực hiện kế hoạch của trung ương, khá sáng tạo và táo bạo: đưa đường ống dẫn dầu vào Nam.
Việc sự kiện, con người có thật được khái quát hóa rồi đưa vào thế giới nghệ thuật thường được xem là thách thức cam go đối với những người làm phim. Tuy nhiên, người xem đã tìm thấy sự thuyết phục ngay từ phần mở đầu của "Những người viết huyền thoại" khi bắt gặp trong không gian chiến trận ác liệt những nhân vật như Nghĩa (diễn viên Trương Minh Quốc Thái) – chàng chiến sĩ trẻ chiến đấu thật ngoan cường, như Hà (diễn viên Tăng Bảo Quyên đóng) – cô văn công dũng cảm, gan lì dưới làn mưa bom đạn…
Nghĩa và Hà - những nhân vật thể hiện tinh thần yêu nước của một thế hệ trẻ anh hùng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại
Tướng Dinh do diễn viên Hoàng Hải thủ vai khá chững chạc. Các nhân vật: chiến sĩ Nghĩa, cô văn công Hà luôn được đạo diễn chăm chút, khắc họa làm bật nổi tinh thần yêu nước của một thế hệ trẻ anh hùng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Và sự đối nghịch đầy cảm xúc trong bối cảnh chiến tranh ác liệt ấy, chính là mối tình đẹp, nhẹ nhàng, lãng mạn của Nghĩa – Hà. Với họ, những cảm nhận giữa sự sống và cái chết nơi chiến trường, đã làm con người nhận ra biết bao điều đáng quý, đáng yêu, trân trọng niềm tin yêu, hy vọng hướng về tương lai khi đất nước hết chiến tranh…
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng khá chú trọng công việc tạo ra những góc nhìn về chiến tranh qua mắt của nhiều nhân vật: từ vị tướng, những người mẹ, những người con trai, con gái ra trận và cả những em bé mồ côi… Nhiều góc nhìn nhưng họ đều có một điểm chung: yêu nước, sẵn sàng chiến đấu vì sự sống còn của dân tộc, của Tổ quốc, của những người thương yêu.
Giải phóng Sài Gòn: Tái hiện mốc son lịch sử của dân tộc
"Giải phóng Sài Gòn” tái hiện một sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc – cuộc Tổng tiến công và nổi dậy thống nhất đất nước. Phim cũng dựng lại 20 nhân vật lịch sử của cả hai chiến tuyến với những diễn biến, sự kiện... trong những tháng ngày gần mốc lịch sử 30/4/1975.
Phim tái hiện lại những giây phút lịch sử tháng 4/1975
“Giải phóng Sài Gòn” tái hiện những cảnh chiến đấu khốc liệt và đầy đủ các sự kiện lịch sử: cảnh Buôn Ma Thuột thất thủ; ngụy quân di tản nháo nhào ở sân bay Đà Nẵng; quân đội Sài Gòn thề cố thủ ở Xuân Lộc; xe tăng tiến vào dinh Độc Lập, cắm cờ trên nóc dinh, đánh dấu chiến thắng của quân, dân ta.
Cùng với các sự kiện ấy là các hình ảnh ấn tượng của con người trong cuộc chiến. Đó là hình ảnh quyết đoán, vĩ đại của Tổng bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tướng Văn Tiến Dũng, tướng Trần Văn Trà. Phim cũng không quên khắc họa những con người phía bên kia chiến tuyến là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Đại sứ Mỹ Mactin và tướng Weyand…
Phim còn cho thấy hình ảnh đẹp và cảm động của người lính, người dân Việt Nam giữa cuộc chiến khốc liệt: cuộc gặp gỡ bất ngờ của cha con Trần Du – Trần Bình nơi chiến trường khói bom; tình yêu trong sáng nảy nở trong bom đạn của đôi trai gái; người vợ vỡ òa trong nước mắt gặp lại chồng sau cuộc chiến…