Nhìn lại 4 vụ bạo hành trẻ tại trường mầm non khiến dư luận xót xa, bức xúc
Những vụ bạo hành trẻ em xảy ra riêng từ cuối năm 2017, đầu năm 2018 cho tới nay tại các cơ sở mầm non khiến mọi người không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ.
Phần lớn những cơ sở này đều chưa được cấp phép hoạt động hoặc hoạt động mà chưa có sự kiểm soát chặt chẽ. Điển hình như có cơ sở, bảo mẫu trông trẻ mới chỉ học hết lớp 5 như Mầm Xanh hoặc một số giáo viên đều chưa có đủ bằng cấp và kinh nghiệm trông coi, nuôi dạy trẻ.
Bảo mẫu trường mầm non ABC tại Vinh, Nghệ An kẹp trẻ vào chân để tát và đánh đập
Vào hồi tháng 4, một đoạn clip ngắn ghi lại cảnh bảo mẫu tại cơ sở mầm non ABC đóng tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã bạo hành trẻ ngay trong lớp học rất dã man. Cụ thể, hình ảnh đoạn clip ghi lại cho thấy, một bảo mẫu cố tình kẹp và giữ đứa trẻ bằng 2 chân. Sau đó liên tục giật, tát và dùng tay đánh cháu bé mặc dù cháu bé đã cố tình chạy thoát nhưng vẫn bị kéo lại và đánh đập, chưa kể còn có một số giáo viên khác đang ở bên cạnh.
Nữ giáo viên bế cháu bé vào chân tường rồi liên tục đánh vào người cháu bé (ảnh cắt từ clip).
Đoạn clip này sau đó đã nhanh chóng được lan truyền và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng thành phố Vinh đã có mặt tại cơ sở mầm non này để xác minh thông tin. Nữ giáo viên trong đoạn clip được xác định là cô Nguyễn Thị Thanh Hải (SN 1995), giáo viên dạy múa của cơ sở mầm non này.
Với cương vị là đơn vị quản lý, hiện tại UBND phường Lê Lợi (TP Vinh, Nghệ An) đã ra Quyết định đình chỉ hoạt động đối với cơ sở mầm non tư thục ABC Montessori Preschool.
Sau đó, cô Hải thừa nhận do nóng giận tức thời nên đã dùng tay "vỗ" 3 cái vào mông bé trai 2 tuổi.
Ngay lập tức, UBND phường Lê Lợi (TP Vinh, Nghệ An) với cương vị là đơn vị quản lý đã ra Quyết định đình chỉ cơ sở mầm non này.
Được biết, cơ sở này trước đó cũng đã làm hồ sơ xin UBND TP Vinh thành lập trường tư thục, nhưng qua thẩm định do không đủ điều kiện nên không được đồng ý.
Đến ngày 19/4, cơ sở này mới có giấy phép hoạt động do UBND phường cấp thì 1 ngày sau đó xảy ra chuyện. Số học sinh tại đây sẽ được liên hệ để tìm địa điểm mới cho các em để đảm bảo quyền lợi sau khi có quyết định đình chỉ cơ sở.
Bạo hành trẻ tại trường mầm non Tuổi thơ, TP.Kon Tum
Cũng trong tháng 4 năm 2018, một vụ bạo hành trẻ mầm non khác tiếp tục bị phát giác. Vụ việc xảy ra tại trường mầm non Tuổi thơ (TP. Kon Tum).
Khuôn mặt cháu bé sau khi bị cô giáo đánh
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nga đã dùng gậy học thể dục để đánh một bé trai 5 tuổi vào tay, chân, thậm chí cả vào mặt của bé. Hơn thế, nhiều nhân chứng kể lại đều cho rằng cô Nga đã xâm hại tới trẻ em ở mức độ nặng và cần phải xử lý nghiêm.
Ngay sau đó, cô Nga đã bị xử lý kỉ luật và bị điều chuyển công tác.
Cơ sở mầm non Mẹ Mười - Thanh Khê, Đà Nẵng hành hạ trẻ khi cho ăn
Cách vụ việc trên chưa được bao lâu thì ngày 21/5, những hình ảnh ghi lại cảnh hành hạ trẻ em tại cơ sở mầm non Mẹ Mười, quận Thanh Khê, Đà Nẵng lan truyền trên mạng xã hội lại một lần nữa khiến dư luận phẫn nộ.
Clip ghi lại hình ảnh một em bé cởi trần nằm trên đất và được một phụ nữ đút ăn. Người phụ nữ này liên tục đút thức ăn vào miệng đứa bé. Đứa bé ăn chậm, khóc thì người phụ nữ quăng chiếc khăn phủ lên mặt bé và đánh liên tục vào mặt.
Cảnh bảo mẫu nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười dùng 2 tay bóp vào mặt một cháu bé và xách lên
Ngoài ra còn có hình ảnh ghi lại cảnh người phụ nữ dùng 2 tay bóp vào mặt một cháu bé và xách lên... Người này nói do cháu bị ghẻ nên phải xách để đưa ra ngoài.
Vào cuộc xác minh, các cơ quan chức năng cho biết vụ việc xảy ra ở nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười, được UBND phường Chính Gián cấp quyết định thành lập theo quyết định số 101/QĐ-UBND ngày 9/5/2013, do bà Đinh Thị Hồng có bằng Cao đẳng sư phạm Mầm non làm chủ. Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra hành vi "hành hạ người khác" của bà Hồng.
Ngay khi biết sự việc, UBND phường Chính Gián đã rút giấy phép, đóng cửa cơ sở này. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã yêu cầu xử lý vụ việc.
Cơ sở mầm non Mầm Xanh hành hạ, đánh đập trẻ bằng muỗng múc canh đến cây lau nhà
Không chỉ là một sơ sở mầm non bị "bóc mẽ" vì liên tục có những hành vi đánh đập, bạo hành trẻ dã man từ miếng ăn, giấc ngủ, cơ sở Mầm Xanh còn quản lý chất lượng bảo mẫu cực kì lỏng lẻo khi 1 trong số 3 bảo mẫu liên quan đến vụ việc chưa học hết cấp 2. Ngoài ra, cơ sở này còn nhận số lượng các bé vượt ngưỡng cho phép, với sĩ số 30 - 40 bé mà chỉ có 3 giáo viên khiến chất lượng nuôi dạy trẻ không đảm bảo.
Ngày 25/7, Toà án nhân dân quận 12, TP HCM đã tuyên phạt các bị cáo: Phạm Thị Mỹ Linh 3 năm tù; Nguyễn Thị Đào 2 năm tù (nhưng cho hưởng án treo, thử thách 4 năm); Phạm Như Huỳnh 1 năm 6 tháng tù (nhưng cho hưởng án treo, thử thách 2 năm) trong phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự công khai tội danh "Hành hạ người khác" xảy ra tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh, ở Khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12 vào hồi tháng 11/2017 vừa qua.
Các bị cáo tỏ ra ân hận và xin lỗi các bé, gia đình các bé tại phiên tòa
Cáo trạng nêu rõ, bị cáo Linh vừa làm chủ, vừa trực tiếp đứng lớp cùng hai bảo mẫu là Đào và Huỳnh tại cơ sở Mầm Xanh. Cơ sở này được cấp giấy phép hoạt động và hàng tháng nhận trông giữ trên 30 cháu từ 12 tháng tuổi trở lên.
Vào khoảng tháng 10-11/2017, các bị cáo Linh, Đào, Huỳnh đã nhiều lần hành hạ các trẻ hiếu động bằng cách đánh, đạp vào người, dùng dao gõ vào đầu, lấy vá, dép đánh vào bụng hoặc bắt các cháu đội chồng ghế nhựa lên đầu...
Hình ảnh về hành vi hành hạ người khác của các bị cáo khi lan truyền trên mạng xã hội đã gây làn sóng căm phẫn trong dư luận cả nước.
Bà Linh liên tiếp đánh lên đầu các bé. Ảnh: Cắt từ clip.
Cơ quan điều tra có đủ chứng cứ xác định các bị cáo đã có hành vi đánh đập hơn 20 bé. Hội đồng xét xử đã thu thập được các video quay các hình ảnh, diễn biến này, nhưng vì có nhiều hành vi bạo lực nên không công khai tại toà.
Kết quả giám định pháp y của Bộ Y tế cho thấy, nhiều bé có tình trạng chậm phát triển tâm thần, vận động.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đã từng nhìn nhận rất thực tế rằng, camera có thể gắn ở mỗi lớp học, nhưng điều đó là chưa đủ, các bậc phụ huynh và toàn xã hội cũng phải là những chiếc camera sát sao công việc của từng giáo viên mầm non. Chỉ có như vậy, những con sâu làm rầu nồi canh mới được loại bỏ hoàn toàn, và chúng ta mới có thể bảo vệ con em mình khỏi nạn bạo hành ở trường mầm non. (Trích lời luật sư Ngọc Nữ trong cuộc trao đổi tại buổi tọa đàm "Bạo hành trẻ mầm non: Vì đâu nên nỗi" do báo Tiền Phong tổ chức).
Căn cứ theo Luật Trẻ em 2016, tại khoản 6, Điều 4 đã quy định rõ: Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Nếu một người có hành vi vi phạm khoản 6, Điều 4 Luật Trẻ em thì có thể sẽ phạm tội "Hành hạ người khác" được quy định tại Điều 110 Bộ Luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.
Cụ thể, tội "Hành hạ người khác" được xác định là người có những hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình như đánh đập và những hành động bạo lực khác một cách có hệ thống, được lặp đi lặp lại nhiều lần có thể vài ngày, vài tuần… Trong trường hợp đối xử tàn bạo với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật sẽ áp dụng khung hình phạt tù từ 1 – 3 năm.
Minh Khôi