Nhiều nhân vật cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đồng loạt từ chức
Trong số những người ra đi có những nhân vật kỳ cựu như Thứ trưởng Ngoại giao Patrick Kennedy – người đã phục vụ đất nước từ năm 1973, hai trợ lý Joyce Anne Bar và Michele Bond, cùng với đại sứ Gentry O. Smith, giám đốc Văn phòng phụ trách các phái đoàn ở nước ngoài.
Theo CNN, cả 4 người này đều đã nhận được thư từ Nhà Trắng chấp nhận đơn từ chức của họ cùng thông báo đất nước không cần đến sự phục vụ của họ nữa.
Còn theo Washington Post, trợ lý Ngoại trưởng về vấn đề an ninh ngoại giao Gregory Starr và giám đốc Cục hoạt động xây dựng ở nước ngoài Lydia Muniz đã nghỉ hưu từ ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức.
Trả lời phỏng vấn Business Insider, nhiều cựu quan chức ngoại giao và chuyên gia nghiên cứu chính sách đối ngoại đều nói rằng luân chuyển cán bộ khi sắp xếp nội các mới là chuyện thường thấy, nhưng sự ra đi đột ngột của nhiều quan chức cấp cao như hiện nay là điều chưa từng xảy ra.
Đại sứ Richard Boucher, người từng làm người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ dưới thời Colin Powell và Condoleezza Rice, cho biết đây là hiện tượng bất thường. Các quan chức kể trên đều là những người điều hành các đại sứ quán và đảm bảo cho sự an toàn của các nhà ngoại giao Mỹ trên khắp thế giới. Họ là bộ máy hỗ trợ cho nội các mới nếu như nội các mới muốn các chính sách mới của họ được tuyên truyền rộng rãi và sau đó là thực thi một cách trơn tru.
Eliot Cohen, quan chức ngoại giao cấp cao dưới thời George W. Bush và cũng là giáo sư tại ĐH Johns Hopkins, cũng nói rằng ông chưa bao giờ thấy hiện tượng này xảy ra. “Không thể mất đi nhiều người dày dặn kinh nghiệm như vậy. Chuyện này không giống như trong kinh doanh, nơi bạn có thể mang người mới đến và khiến mọi thứ đảo lộn”, ông nói.
Ví dụ, ông Patrik Kennedy là người chịu trách nhiệm về “con người, các nguồn lực, ngân sách, công nghệ, hoạt động tài chính, hậu cần, các hợp đồng và an ninh cùng nhiều vấn đề khác để đảm bảo Bộ Ngoại giao Mỹ vận hành trơn tru". Còn đại sứ O. Smith thì chịu trách nhiệm “đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của các phái đoàn ngoại giao ở nước ngoài cũng như của các phái đoàn ngoại giao mà các nước khác cử đến Mỹ”.
Thông thường thì các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ nộp đơn xin từ chức khi Tổng thống mới bắt đầu nhiệm kỳ để thể hiện sự tôn trọng. Nhưng đó chỉ là hành động mang tính biểu tượng. Một loạt nhân vật giàu kinh nghiệm thực sự ra đi là một tổn thất lớn đối với nội các mới.
Theo báo chí Mỹ, hiện chưa rõ các quan chức ngoại giao này đồng loạt từ chức là do cảm thấy không phù hợp với tân Tổng thống Mỹ Donald Trump hay họ được yêu cầu ra đi. Ngoài ra còn có giả thiết cho rằng nguyên nhân xuất phát từ mối liên hệ của những nhân vật này với bà Hillary Clinton – người từng làm Ngoại trưởng Mỹ.
Hồi tháng 10, ông Trump từng kêu gọi ông Kennedy từ chức sau khi rộ lên thông tin ông này đã gây sức ép lên FBI trong vụ điều tra bê bối email cá nhân của bà Clinton. Theo lời cáo buộc, FBI đã hạ thấp tầm nghiêm trọng của sự việc, đổi lại Bộ Ngoại giao cho phép FBI cử nhiều đặc vụ ra nước ngoài hơn.
Một số quan chức cũng đã đủ tuổi để nghỉ hưu. Nhưng dù lý do là gì đi chăng nữa, không thể phủ nhận một thực tế là nội các mới của ông Trump vẫn chưa tìm được người bổ sung vào nhiều vị trí cấp cao đang bị bỏ trống. Vấn đề sẽ trở nên rắc rối hơn nếu như các cơ quan tình báo của Mỹ bị xáo trộn. Chuyện rò rỉ thông tin sẽ gây tổn hại không chỉ cho tân Tổng thống Donald Trump mà cho cả lợi ích lâu dài của nước Mỹ.
Thanh Thanh