Nhiều dự án có thể không tiếp tục được giải ngân vốn ODA
Tính đến hết tháng 6/2017, có 810 chương trình dự án đang triển khai với số vốn ODA và vốn vay ưu đãi, còn lại chưa giải ngân khoảng 21,167 tỷ USD.
Số vốn này sẽ giải ngân theo tiến độ hiệp định từ nay đến hết năm 2026, tuy nhiên, sẽ tập trung khối lượng lớn vào giai đoạn 2017-2020 là 17,485 tỷ USD. Để bảo đảm giải ngân số vốn còn lại đã ký kết, trong giai đoạn này trung bình mỗi năm cần giải ngân được 4,37 tỷ USD.
Giải ngân 4,37 tỷ USD vốn ODA mỗi năm (Ảnh minh họa)
Trước đó, Thủ tướng yêu cầu cần đẩy mạnh giải ngân vốn ODA trong thời gian tới, đảm bảo giải ngân được hết số vốn ODA và vốn vay ưu đã đã ký kết theo tiến độ cả giai đoạn 2017 – 2020, đặc biệt là năm 2017.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh trong năm 2017, với những dự án chưa giải ngân được, chưa làm thủ tục thì phải điều chuyển vốn để làm sao giải ngân hết số vốn kế hoạch đã thông qua.
Để khắc phục những vướng mắc này, cập nhật định hướng thu hút vốn ODA và vốn vay ưu đãi phù hợp với tình hình mới, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo thực hiện một số giải pháp như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem lại từng dự án, ưu tiên các dự án hoàn thành trong năm 2017. Ngành, đơn vị nào không làm được thì báo cáo để điều chỉnh.
“Ông không làm được thì ông thôi, đừng làm. Không làm được thì sẽ cắt vốn chứ không thể cứ do dự mãi được”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Định hướng thu hút ODA, vốn vay ưu đãi thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu sớm xây dựng kế hoạch năm 2018 kèm theo kế hoạch tài chính 3 năm trong đó có kế hoạch ODA.
Bảo Quyên (TH)
Theo Báo Thời Đại