Nhiệm vụ bất khả thi: Giải cứu WTO
Tổ chức thương mại toàn cầu (WTO) từng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa và đem lại thịnh vượng cho các nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, giờ đây WTO đang bị những cường quốc kinh tế qua mặt cũng như bị lu mờ bởi hàng loạt hiệp định song phương, đa phương.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu, kể cả đối với các đồng minh của Mỹ, WTO đã tạm thời khai trừ đại diện Mỹ trong các cuộc họp của tổ chức này từ nay đến năm 2019.
Tuy vậy khi xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang với hàng chục tỷ USD thiệt hại kinh tế cho toàn thế giới, WTO dường như chỉ đứng yên và chẳng làm gì trong khi nhiệm vụ của tổ chức này là ngăn chặn xung đột cũng như chống chiến tranh thương mại.
Cái kết của WTO
Theo tờ Economist, sự rối rắm trong cấu trúc khiến WTO yếu thế khi có xung đột thương mại diễn ra. Hơn nữa việc có quá nhiều thành viên cũng khiến các tổ chức này khó đạt được những thỏa thuận chung có lợi cho các nền kinh tế.
Trên thực tế, cả Nhật Bản và Châu Âu đã từng thảo luận về việc cải tổ WTO nhưng những nhà lãnh đạo của tổ chức này muốn làm mới WTO hơn là vứt bỏ hoàn toàn chúng. Trái ngược lại, Tổng thống Trump với quan điểm nước Mỹ trên hết lại muốn thay đổi hoàn toàn, thậm chí có khả năng từ bỏ WTO nếu tổ chức này không thực hiện xứng đáng chức năng của mình.
Quan điểm của Tổng thống Trump là có cơ sở khi Trung Quốc gia nhập WTO từ năm 2001 nhưng lại áp đặt hàng loạt biện pháp bảo hộ cho nền kinh tế trong nước. Trong khi đó, hàng hóa Trung Quốc lại tận dụng toàn cầu hóa để thâm nhập vào chuỗi cung ứng trên thế giới, xuất siêu hàng loạt quốc gia để hưởng lợi.
Tuy vậy, việc cải tổ WTO là một nhiệm vụ bất khả thi bởi Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng ý cho một tổ chức quốc tế can thiệp vào chính sách kinh tế của mình. Thêm nữa, các cường quốc Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản cũng khó lòng nhất trí được mức độ can thiệp của chính phủ cũng như tiêu chuẩn cho một nền thương mại bình đẳng.
Tổng thâm hụt thương mại của Mỹ trước Trung Quốc lên tới 375,2 tỷ USD năm 2017
Tổ chức WTO có 164 thành viên và việc đáp ứng được lợi ích cho tất cả nền kinh tế là điều không thể. Trong khi những nước phát triển muốn hạ rào cản thuế quan để mở rộng xuất khẩu cho những mặt hàng kỹ thuật cao thì các nền kinh tế đang phát triển lại muốn bảo hộ nền nông nghiệp và thị trường non trẻ của mình.
Hậu quả là nhiều cuộc hội thảo do WTO tổ chức đã diễn ra nhưng kết quả chẳng đáng là bao. Các vòng đám phán Doha đã bắt đầu từ năm 2001 nhưng WTO chưa một lần nào đạt kết quả đáng kể và những xung đột thương mại gần đây giữa Mỹ-Trung đã gián tiếp đặt dấu chấm hết cho tham vọng to lớn này.
Đây là nguyên nhân chính cho những hiệp định thương mại như TPP, CPTPP, RCEP… diễn ra khi một số nước chấp nhận hợp tác với nhau để đạt được các lợi ích thương mại rõ ràng chứ không chờ đợi WTO.
Một hệ thống già cỗi
Theo dòng lịch sử, WTO được thành lập từ năm 1995 nhằm tăng cường thương mại cũng như tạo một cơ sở nhằm giải quyết các tranh chấp cho những thành viên. Trong suốt quá trình thành lập đến nay, Mỹ luôn là một thành viên tích cực cũng như là nền kinh tế dẫn đầu WTO, luôn tuân thủ các luật chơi theo hiệp định Marrakesh ký kết năm 1994.
Thâm hụt thương mại của Mỹ trước Trung Quốc tăng chóng mặt chỉ trong 20 năm
Tuy nhiên, WTO thời kỳ này đem lại cả lợi ích về kinh tế lẫn chính trị cho Mỹ nhưng thành công quá lâu khiến cả bộ máy hoạt động trở nên chậm chạp so với sự thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu. Sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ trong chuỗi cung ứng đã làm WTO gần như không kịp thích ứng theo. Phía Mỹ và các nước Phương Tây đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc vi phạm quy định của WTO nhưng tổ chức này gần như chẳng thể làm gì.
Năm 2012, Cựu tổng thống Barack Obama cho biết tổng số đơn kiện của Mỹ với Trung Quốc lên WTO nhiều hơn tổng số đơn kiện mà chính quyền Tổng thống George W Bush đệ lên trong 8 năm cầm quyền.
Không giống như nhiều cường quốc kinh tế trên thế giới, sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc là sự đan xen chằng chịt lợi ích giữa kinh tế và chính trị. Hệ quả là WTO khó lòng cập nhật được các quy định của mình để ghìm cương con rồng bất kham này.
Cách đây 20 năm, các lãnh đạo Phương Tây chào đón Trung Quốc tham gia WTO với hy vọng mở cửa nền kinh tế này và tận dụng thị trường đang phát triển tại đây để làm giàu. Thế nhưng hiện này, nhiều tập đoàn lớn cũng như các nhà hoạch định chính sách phải chua chát thừa nhận thị trường Trung Quốc khó chơi như thế nào.
Giờ đây Trung Quốc không còn muốn là công xưởng của thế giới, trở thành nơi nhập khẩu rác hay tự ô nhiễm mình bằng những ngành công nghiệp sản xuất bẩn. Thị trường lớn thứ 2 thế giới đang vươn tầm lên một nền kinh tế hiện đại và nhiều tập đoàn quốc tế thậm chí đang phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc.
Công sức xây dựng của các đời tổng thống Mỹ với WTO sắp đổ sông đổ bể
Thật trớ trêu khi nước cờ kéo Trung Quốc vào WTO để hưởng lợi giờ đây trở thành con dao đâm ngược lại các nền kinh tế Phương Tây. Một phần lỗi rất lớn trong đó thuộc về WTO khi họ không thay đổi kịp với sự phức tạp của kinh tế Trung Quốc, qua đó tạo sự mất cân bằng thương mại giữa các thành viên.
Câu chuyện này kéo dài cho đến khi Tổng thống Trump lên nắm quyền và có những động thái mạnh mẽ. Mặc dù Mỹ là một trong những nước tiên phong gây dựng nên Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT), tiền thân của WTO nhưng sự thay đổi chậm chạp của tổ chức này đã buộc Mỹ phải phản bội chính đứa con tinh thần của mình.
Việc Mỹ áp thuế lên các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc và thúc đẩy nguy cơ chiến tranh thương mại đi ngược lại tinh thần của WTO. Tất cả những cống hiến, xây dựng mà các đời tổng thống Mỹ đã cố công đóng góp cho WTO đang đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn khi Tổng thống Trump đe dọa rời bỏ tổ chức này.
Theo tờ Economist, có thể Mỹ vẫn chưa rời WTO nhưng nếu tổ chức này không cải cách để cân bằng được lợi ích cho các cường quốc kinh tế như Mỹ, WTO sẽ nhanh chóng bị thay thể bởi hàng loạt các hiệp định thương mại giữa những nhóm nền kinh tế với nhau.
AB