Nhét hạt cườm vào mũi, bé gái khiến cả nhà 1 phen hú vía
Trẻ có thể nhét bất cứ thứ gì: từ hạt cườm, đất sét, hạt na vào mũi
Trẻ nhỏ vốn rất hiếu động, mải chơi nên thường đặt mình vào trong những tình huống nguy hiểm mà không hay biết như việc nhét dị vật vào mũi, tai.
Chính vì thế, câu chuyện của chị Lê Hà (27 tuổi, hiện đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh) mới đây chẳng khác gì một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ đến các mẹ khác, cần phải chú ý theo sát con hơn. Bởi con gái chị bé Na (2,5 tuổi) không biết vì đâu mà nhét hạt cườm to vào mũi, may mẹ phát hiện, lấy ra kịp thời nên không để lại hậu quả gì nghiêm trọng.
Chị Hà kể lại trong một hội nhóm kín: “Hết hồn hết vía thật sự các mẹ ạ. Hai hôm nay bé nhà mình bị cảm cúm, ho, sổ mũi. Đến ngày hôm nay, mình thấy mũi chuyển dạng hơi nhớt đặc.
Mình bảo bé xì mũi mạnh ra để lau cho sạch, vì sợ cứ sụt sịt hoài vừa bẩn vừa khó chịu. Bé xì mạnh 2 phát, mình thấy lòi lòi cái gì đen đen trong lỗ mũi, cứ tưởng gỉ mũi đã khô lâu ngày.
Mình cố móc ra mà móc hoài không được, bảo con xì mạnh thêm lần nữa. Vật lòi ra khiến mình giật nảy hết cả người, sợ thật sự luôn, nhìn cứ như cái mắt, lại còn có lòng trắng lòng đen nữa chứ”.
Hình ảnh hạt cườm bé nhét vào mũi |
Chị Hà phải can đảm hết sức để móc vật thể lạ trong mũi con ra. Dị vật cứng, to hơn cả lỗ mũi của con khiến chị Hà phải loay hoay, khó khăn lắm mới lấy ra được. Kết quả là một hạt cườm như vẫn thường thấy được đính ở các loại váy áo, kẹp tóc, đồ chơi... của trẻ được lấy ra ngoài.
“Thật sự không biết bé chơi kiểu gì mà bị một viên to như vậy nhét vào mũi mà con không khó chịu hay không có biểu hiện gì khó chịu để mình biết cả.
Trong nhà mình cũng không có món nào có loại hạt cườm này, áo váy cũng không có đính hạt, chắc bé lượm được ở đâu đó. Trộm vía tỷ lần là đã lấy ra được kịp thời nên con đã bớt sổ mũi, vui khỏe bình thường. Mỗi khi nghĩ lại mình vẫn thấy sợ”, chị Hà chia sẻ thêm.
Nhiều mẹ cũng kể lại những trường hợp tương tự khi bé nhét dị vật vào mũi: “Bé nhà mình nhét viên sỏi, may mà lấy ra được”; “Chắc do con ham chơi tự nhét vào thôi. Con mình cũng vậy, cứ sổ mũi suốt, hôm đi khám cho con em, tiện soi luôn cho thằng anh, bác sĩ gắp ra cái chun buộc tóc”; “Con mình còn nhét đất sét vào mũi”; “Con nhà mình lại nhét hạt na vào cơ”, “Con mình ăn thịt gà nhét hết vào mũi, mẹ mải điện thoại không để ý, một lát quay lại hết cả hồn”; “Có bạn xóm mình mới 4-5 tuổi, đang ngồi ăn ngô. Mẹ xuống bếp quay lên tưởng con ăn ngô nhanh thế, hóa ra nhét hết vào mũi, vào tai. Chỉ lấy được hết ở tai với mũi, tưởng xong nào ngờ tối con khóc kêu đau. Cho đi viện chụp soi còn 3 hạt con nhét tít sắp tận cùng mũi, bác sĩ phải tiểu phẫu”...
Trẻ bị dị tật từ viên bi nhựa
Trước đó 1 thời gian, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cũng từng cấp cứu cho một bé trai bị mặc kẹt viên bi nhựa vào mũi. Bệnh nhi nhập viện với các triệu chứng nước mũi chảy kèm theo máu, ho và đau đầu sau đó sốt cao nhiều ngày nhưng không khỏi.
Bác sĩ gắp dị vật cho bé |
Sau khi kiểm tra và thăm khám các bác sĩ tiến hành nội soi tai – mũi – họng. Qua hình ảnh nội soi, các bác sĩ phát hiện trong có khối dị vật nằm sâu trong hốc mũi phải. Tiến hành gắp dị vật các bác sĩ phát hiện đó một viên bi nhựa có đường kính 0,5cm.
Xử trí khi trẻ mắc dị vật
Theo các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng, khi thấy trẻ có dấu hiệu chảy nước mũi ở một bên và hơi thở có mùi khác thường hoặc thậm chí bé có thể thấy đau hoặc khó chịu chảy máu mũi thì phụ huynh cần phải nghi ngờ trẻ có thể có dị vật bị mắc kẹt trong mũi.
Khi đó phụ huynh cần phải thật bình tĩnh và cố gắng trấn an trẻ. Không để trẻ hít thở mạnh để tránh đưa dị vật vào sâu bên trong. Thay vào đó, thở vào bằng miệng tới khi dị vật được lấy ra ngoài.
- Không dùng các miếng gạc bông hoặc bất cứ vật dụng gì có thể để chọc vào dị vật để không làm dị vật đi sâu vào trong và gây tổn thương đến mũi.
- Nên khuyên trẻ thở ra một cách nhẹ nhàng bằng mũi để đẩy dị vật ra ngoài, nhưng không nên thở quá mạnh hay lặp lại ngay.
- Nếu như chỉ có một lỗ mũi bị mắc dị vật, thì bịt một lỗ mũi còn lại bằng cách ấn nhẹ tay lên, sau đó thở nhẹ nhàng ra bằng lỗ mũi có dị vật. Nhắc trẻ thở nhẹ để đẩy dị vật ra, nên nhớ không được hít mạnh.
- Nếu gặp dị vật dạng dài thì dùng nhíp nhẹ nhàng gắp vật ra ngoài, chỉ nên dùng cách này nếu như dị vật ở vị trí dễ quan sát và dễ lấy ra.
- Ngoài ra, cũng có thể xì mũi để dị vật ra ngoài bằng cách dùng một ngón tay ấn nhẹ vào phần cánh mũi bên không vướng dị vật và xì mũi thật mạnh hoặc hắt hơi để tạo ra một lực đẩy mạnh hơn đẩy dị vật ra ngoài.
- Nếu trẻ quá nhỏ, không thể hợp tác thực hiện những cách làm trên. Phụ huynh có thể dùng miệng để lấy dị vật trong mũi trẻ, bằng cách ngậm miệng trẻ và bịt bên mũi không có dị vật của trẻ lại. Lấy hơi và thổi một hơi thật mạnh vào miệng trẻ. Cách làm này chỉ nên thực hiện khi có mặt của nhân viên y tế để đảm bảo an toàn cho trẻ.
- Trong trường hợp bị chảy máu mũi do dị vật, cần dùng khăn tắm, nhẹ nhàng đặt vào trong mũi là một cách an toàn nhất để cầm máu khi trẻ vẫn có thể thở được dễ dàng.
- Không để trẻ ngoáy mũi vì sẽ làm dị vật tụt sâu vào trong. Đặt một vật mát (ví dụ như túi chườm đá..) lên trên mũi để làm giảm sự chảy máu và giảm sưng nề, giúp ích trong việc loại bỏ đi các dị vật.
- Lưu ý, không nên đắp đá lạnh hoặc là những vật cực kì lạnh trực tiếp lên chóp mũi. Sau khi áp dụng 2 cách trên khoảng 5 phút mà máu vẫn không ngừng chảy thì phụ huynh cần tìm đến trợ giúp y tế.
Việc trẻ nhỏ đưa một vật vào mũi là việc thường gặp trong cuộc sống. Một dị vật trong mũi của trẻ có thể gây nhiễm trùng và tổn thương lâu dài.
Vì vậy, để hạn chế những tai nạn do dị vật gây ra, các bác sĩ khuyên các bố mẹ nên rà soát xem tất cả đồ chơi trong nhà có phù hợp với lứa tuổi của trẻ hay không. Chú ý quan sát cẩn thận trong lúc trẻ chơi đùa.
Tốt nhất là nên dạy bé nhận thức được việc nhét đồ vật vào mũi mình là việc xấu, trẻ không được làm thế. Luôn quan tâm, hỏi han xem trẻ có khó chịu gì khi đi học về hay đi chơi về hay không.
Nguyễn Linh