Nhật Bản muốn hợp tác với Mỹ bán máy bay đã qua sử dụng cho ĐNÁ
Triển vọng này được đề ra sau khi Nhật Bản đạt được thành công ban đầu là cho Philippines thuê các máy bay huấn luyện - tuần tra biển TC-90. Chúng đã được sử dụng trong cuộc chiến chống phiến quân gần đây của Manila.
Giám sát chương trình này là ông Takahiro Yoshida, Giám đốc bộ phận quản lý dự án máy bay trực thuộc Cơ quan mua sắm, hậu cần và công nghệ tại Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Ông Yoshida đã thực hiện khoảng 8 chuyến thăm tới Philippines trong thời gian thực hiện chương trình.
Trả lời phỏng vấn độc quyền của Defense News tại triển lãm hàng không Paris, ông Yoshida nói:
"Chúng tôi muốn tìm hiểu thêm các cơ hội cung cấp máy bay đã qua sử dụng cho các nước Đông Nam Á với gói hỗ trợ đi kèm.
Tôi không thể nêu tên cụ thể nhưng chúng tôi đang thảo luận với một số nước và hiện nay, chúng tôi muốn nghiên cứu khả năng hợp tác 3 bên giữa Mỹ, Nhật với các quốc gia Đông Nam Á".
"Do đã tiến hành cung cấp các máy bay TC-90 rồi nên hiện tại, chúng tôi đang khảo sát các bộ phận trên một số trực thăng và máy bay khác đã qua sử dụng".
Máy bay TC-90 của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
Đáng chú ý, theo Defense News, ông Yoshida đưa ra thông tin Nhật Bản "đang thảo luận với nhiều quốc gia" khi sắp đến thời điểm Tokyo phải quyết định họ sẽ thay thế các tiêm kích F-2 hiện có trong biên chế như thế nào: nhập khẩu, tự phát triển hay hợp tác với các quốc gia khác?
Theo kế hoạch, các máy bay F-2 của Nhật Bản sẽ "nghỉ hưu" trong giai đoạn nửa sau những năm 2030. Mùa hè năm 2018, Nhật Bản sẽ quyết định tiến hành thay thế phi đoàn máy bay cũ như thế nào và Trung Quốc đang là một nhân tố chi phối quyết định của họ.
"Tất nhiên, chúng tôi biết Trung Quốc đang rất tích cực phát triển máy bay chiến đấu mới và chúng tôi luôn muốn vượt trội công nghệ của họ. Chúng tôi luôn muốn có ưu thế công nghệ trước Trung Quốc" - ông Yoshida nói.
Khái niệm sản xuất quốc phòng còn tương đối mới đối với Nhật Bản, sau khi nước này đã có một thời gian dài bị hạn chế về nghiên cứu và phát triển.
Chính sách đó đã được nới lỏng trong thời gian gần đây, cho phép Nhật Bản tìm tòi thêm nhiều cơ hội xây dựng quan hệ đối tác quốc tế.
"Tất nhiên, chính sách sẽ do các chính trị gia quyết định, không phải chúng tôi", ông Yoshida nói, "Nhưng ở Nhật Bản, chính phủ nói chung và chúng tôi nói riêng đều muốn mở rộng xuất khẩu và các giao dịch nước ngoài".
Máy bay tuần tra P-1 của Nhật Bản tại triển lãm hàng không Paris 2017
Tham dự triển lãm hàng không Paris năm nay, Nhật Bản mang tới mẫu máy bay tuần tra biển P-1 mà nước này đã đưa vào biên chế để thay thế các máy bay P-3C Orion mua từ Mỹ trước đây.
"P-3 có nhiều công nghệ cảm biến, chúng tôi cần cẩn trọng khi xuất khẩu mẫu máy bay này", ông Yoshida nói, "Điều kiện để chúng tôi cung cấp các máy bay P-1 là quốc gia khách hàng có công nghệ tốt để chúng tôi có thể hợp tác sửa đổi mẫu máy bay này, an ninh thông tin cũng cần được bảo đảm cẩn thận và đó phải là quốc gia đối tác của Nhật Bản".
QS