Nhật Bản giúp đỡ Ðà Lạt xây dựng thành phố thông minh
Dựa trên cơ sở của Bộ tiêu chí do TP Đà Lạt đưa ra gồm 12 tiêu chí, giới chức truyền thông Nhật Bản và các chuyên gia về lĩnh vực công nghệ thông tin hàng đầu của quốc gia này sẽ giúp Đà Lạt có được sự định hướng và lộ trình phát triển theo những chuẩn mực khắt khe nhất của thế giới để có thể sớm trở thành thành phố thông minh trong tương lai gần.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Các tiêu chí của TP Đà Lạt đưa ra dựa trên những cơ sở thông qua việc khảo sát thực tế và các số liệu thống kê, tổng hợp của các ban, ngành liên quan từ hiện trạng phát triển của thành phố trong thời gian vừa qua, như: Chính quyền điện tử; nông nghiệp; du lịch; giáo dục; giao thông; môi trường; an toàn giao thông; quy hoạch đô thị; độ hài lòng của người dân, du khách, doanh nghiệp và các chỉ số về sáng tạo cũng như sự tham gia, kết nối của người dân.
Theo các chuyên gia cao cấp của Tập đoàn Fujitsu Nhật Bản thì việc xây dựng thành phố thông minh cho Đà Lạt sẽ được dựa trên các chỉ số đo lường hiệu quả của Việt Nam. Trong đó, có những tiêu chí mà người dân vẫn còn mơ hồ khi nghĩ về một thành phố thông minh. Chẳng hạn như số giờ cắt điện trung bình hàng năm trên mỗi hộ dân; tần số mất điện trên hệ thống; tỷ lệ phần trăm các vùng quy hoạch bảo tồn thiên nhiên; chiến lược phục hồi khí hậu; tỷ lệ ban hành thông tin về chất lượng môi trường... hay gần hơn là sức khỏe của người dân với các tỷ lệ phần trăm dân số thành phố có hồ sơ quản lý sức khỏe trực tuyến và thống nhất mà cơ sở chăm sóc y tế có thể truy cập được, hoặc số lượt khám chữa bệnh thực hiện qua dịch vụ viễn thông hay dịch vụ phát truyền ảnh động trực tiếp.
Rất nhiều câu hỏi được phía Nhật Bản đưa ra về các phương án cũng như giải pháp của Đà Lạt khi xây dựng thành phố thông minh. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của họ đó là thành phố phải đạt được là sự hài lòng của người dân và hướng tới sự tôn trọng cao nhất, quyền thụ hưởng tốt nhất của thành phố dành cho người dân.
TUẤN LINH